Nếu phần trước nói về các khái niệm và tổng quan về Gamification thì ở phần này bài viết dưới đây sẽ mách bạn cách sử dụng Gamification theo từng mục đích sự kiện. Các mẹo để “Game hóa” sự kiện một cách hiệu quả nhất.
Do đó, hãy bắt đầu trước tiên bằng đặt ra mục đích và lý do tại sao lại chọn phương pháp Gamification nhé!
Ảnh: Sưu tầm
Xác định mục đích và hướng ứng dụng
Tùy vào mỗi loại sự kiện mục đích và cách áp dụng có thể khác nhau nên ở đây bài viết sẽ chỉ đề cập đến 5 mục đích phổ biến nhất thường thấy khi ứng dụng Gamification vào sự kiện.
Ảnh: Endless Event
Thu hút người tham dự và tăng độ nhận diện trên mạng xã hội
Để thúc đẩy tương tác tại sự kiện, đồng thời thu hút sự chú ý của truyền thông, bạn có thể sáng tạo những hoạt động gamification có liên quan đến mạng xã hội. Điều này sẽ khuyến khích người tham dự trực tiếp quảng bá cho chương trình của bạn, hoặc tạo nên làn sóng truyền thông trong một thời điểm cụ thể. Bạn có thể tham khảo các cách như sau:
- Đầu tiên là hãy khiến người tham dự hoạt động tích cực trên mạng xã hội trong suốt sự kiện. Ví dụ, bạn có thể tạo hashtag riêng và kêu gọi chụp ảnh check-in tại chương trình và dành tặng các phần quà bất ngờ cho các bức ảnh có tương tác cao
- Hoặc bạn có thể tạo một cuộc cạnh tranh đơn giản thông qua mạng xã hội. Lấy ví dụ, hãy lập ra một cuộc thi viết cảm nhận, câu hỏi hoặc câu trả lời cho vấn đề nào đó liên quan đến nội dung sự kiện. Sau đó, bạn có thể so sánh kết quả và trao giải cho người có lượt thích, bình luận hoặc chia sẻ nhiều nhất, kèm theo một vài ưu đãi như được trình bày trực tiếp tại sự kiện. Điều này sẽ thu hút nhiều người tham dự với mong muốn giành giải thưởng hoặc khẳng định bản thân tại chương trình.
Lưu ý rằng khi bạn đặt ra thử thách, chúng nên phù hợp với chương trình và người tham dự. Hãy quan tâm đến sở thích của khách hàng và tìm ra điểm tương ứng với chương trình để thiết kế trò chơi mang lại hiệu quả. Nếu chương trình của bạn mạnh về mặt visual, chẳng hạn như triển lãm tranh thì hãy khuyến khích bài đăng của người tham dự có kèm theo hình ảnh tại sự kiện.
Ảnh: Stagecast
Thu hút người tham dự và cung cấp kiến thức chuyên sâu
Đối với các chương trình học thuật, diễn giả có thể nhận sự đóng góp từ người tham dự thông qua các trang mạng xã hội, nền tảng bình chọn hoặc các ứng dụng sự kiện. Tại đây, bạn có thể đặt câu hỏi hoặc thăm dò ý kiến để đảm bảo mọi người tập trung vào chương trình.
Trước khi bắt đầu sự kiện, bạn có thể thông báo cho người tham gia về hoạt động Hỏi & Đáp ở cuối chương trình. Khuyến khích khán giả đặt bất cứ câu hỏi nào cho diễn giả, và người có câu hỏi hay nhất sẽ chiến thắng và nhận được một món quà nào đó. Để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, bạn có thể để họ trực tiếp bình chọn câu hỏi hay nhất. Bằng cách này, người tham dự sẽ thấy được công nhận và tham gia nhiều hơn.
Bạn cũng có thể tạo một bài trắc nghiệm ngắn liên quan đến nội dung diễn thuyết và trao thưởng cho những người có số điểm cao nhất. Hoặc bạn có thể chia ra từng cấp bậc câu hỏi, và người tham dự sẽ nhận được huy hiệu tương đương với cấp độ mà họ đạt được. Đây sẽ là một cách tuyệt vời để tăng tính cạnh tranh và khiến người tham dự tương tác với chương trình.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tạo những dạng trò chơi khác, chẳng hạn như “Điền vào chỗ trống”. Kiểu câu hỏi này sẽ giúp người tham dự liên kết vào nội dung bài học tốt hơn, dễ dàng ghi nhớ các từ khóa quan trọng và hiểu rõ về chủ đề thuyết trình.
Ảnh: Wigzo
Tăng mức độ tương tác với nhà tài trợ hoặc đơn vị tổ chức
Như bạn đã biết, thỏa mãn điều kiện của nhà tài trợ và đơn vị tổ chức là một trong những khía cạnh quan trọng của kế hoạch sự kiện. Do đó, bạn cần kết hợp hình ảnh của họ vào những sản phẩm liên quan đến chương trình như vé vào cửa, mã QR, logo hoặc một dấu hiệu nào đó của thương hiệu và nhà tài trợ. Cách này sẽ thúc đẩy lượng truy cập từ khách hàng, tuy nhiên khó có thể giữ được sự tương tác lâu dài. Việc lồng ghép thương hiệu, nhà tài trợ vào gamification trong sự kiện để khách tham gia vui chơi và nhận ưu đãi sẽ phần nào giúp cải thiện điều trên.
Nhưng bạn cần thảo luận trước việc này với các nhà tài trợ, đơn vị sản xuất để điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp với mục tiêu của cả hai bên. Những mật mã hay thông tin nhà tài trợ liên quan đến trò chơi nên được giữ kín trước khi sự kiện diễn ra.
Ảnh: Event Mobi
Tạo điều kiện thuận lợi cho người tham dự kết nối với nhau
Một trong những mong muốn của người tham dự tại các sự kiện là được gặp gỡ, giao lưu và kết nối với nhiều người. Do đó, nếu trò chơi chỉ tập trung chủ yếu vào chiếc điện thoại và mạng lưới internet, chương trình của bạn sẽ khó có thể đáp ứng được yêu cầu này. (đặc biệt là các sự kiện có hình thức tổ chức trực tiếp)
Hãy thử triển khai những ý tưởng giúp mọi người kết nối với nhau tốt hơn. Ví dụ, người tham dự sẽ nhận được một ký hiệu hoặc mật mã riêng, và để bắt đầu trò chơi, họ phải tìm được người có cùng mã số với mình. Điều này sẽ giúp mọi người giao tiếp nhiều hơn, tăng sự kết nối và là cơ hội để họ làm quen với nhau.
Ảnh: Industry New
Khuyến khích người tham dự có mặt đúng giờ
Chắc chắn rằng, bất kỳ chuyên viên sự kiện nào cũng sẽ mong muốn người tham dự đến đúng giờ để chương trình diễn ra trọn vẹn nhất. Và việc tạo ra Gamification cũng sẽ phần nào giải quyết vấn đề này.
Ví dụ, bạn có thể triển khai một thử thách, và người tham dự phải đến đúng giờ để nhận được điểm thưởng. Hoặc, bạn có thể hiển thị mã điểm danh trên màn hình trình chiếu vài phút trước khi sự kiện bắt đầu. Bằng cách này, người tham dự sẽ sẵn sàng đến chương trình đúng giờ hơn.
Làm thế nào thúc đẩy sự tham gia của người tham dự?
Ở vai trò người tổ chức, chúng ta có thể có thể khuyến khích người tham dự thực hiện các nhiệm vụ mà họ coi là ưu tiên như đăng ký sớm, tham gia thảo luận, giải quyết vấn đề, ghé xem các gian hàng triển lãm, network, tham gia các bài tập xây dựng nhóm, truy cập thông tin, hoàn thành khảo sát, thu thập kiến thức hoặc tìm hiểu về các mục tiêu của công ty. Động lực để thúc đẩy hành vi hiệu quả đó là phần thưởng.
Ảnh: Pax
Ví dụ, từ những ngày đầu khi ra mắt sự kiện với công chúng, chúng ta có thể kết hợp game tích lũy điểm với một to-do list (danh sách việc cần làm) để kích thích tương tác với người tham gia như sau:
Trước sự kiện:
- Đăng ký tham gia: 1 điểm
- Mời 1 bạn tham gia: 1 điểm
- Chia sẻ trên mạng xã hội (MXH): 1 điểm
Trong sự kiện:
- Check in trên MXH: 1 điểm
- Đăng story trên MXH: 1 điểm
- Selfie với 1 người lạ: 1 điểm
Sau sự kiện:
- Đánh giá sự kiện trên website: 1 điểm
- Trả lời survey: 1 điểm
Sau khi hoàn tất danh sách này, người tham gia có thể nhận được quà tặng hoặc giảm giá vé cho lần tham dự sau. Điều này sẽ kích thích sự tương tác và kết nối giữa đối tượng tham gia và người tổ chức. Vì thế, khả năng họ quay trở lại cũng sẽ cao hơn.
Ảnh: Event Mobi
Các quy tắc cơ bản để ứng dụng Gamification vào sự kiện
Trước tiên, để áp dụng thành công kỹ thuật Gamification tại sự kiện, hãy nắm chắc các quy tắc chung sau:
- Trò chơi phải mang tính phổ biến - dễ hiểu, dễ thực hiện - để đáp ứng mong muốn của người tham dự
- Nên có phần thưởng cho mỗi trò chơi
- Trò chơi cần đủ thách thức để tạo ra cảm giác thành tựu
- Tạo môi trường cạnh tranh công bằng và thân thiện
- Xác định rõ ràng mục tiêu để người tham dự cảm thấy được liên kết với chương trình
- Trò chơi phải được tạo ra với mục đích góp phần thành công cho sự kiện
- Cuối cùng, nội dung trò chơi phải thật vui vẻ và sáng tạo
Vậy việc “xác định rõ ràng mục tiêu” được đề cập phía trên là gì?
Mỗi khách hàng sẽ có một mục đích tham gia khác nhau: học hỏi, giao lưu hay giải trí v.v. Do đó, bạn cần phải hiểu rõ và thiết kế trò chơi thỏa mãn được một phần những mong đợi này để khách hàng hứng thú và tham dự.
Ngoài thể lệ trò chơi, bạn cũng nên cân nhắc và lựa chọn phần thưởng sao cho phù hợp nhất. Hãy nhớ rằng, các khách hàng tham dự sự kiện của bạn không phải để giành giải thưởng, mà còn để trải nghiệm, học hỏi và kết nối nhiều hơn. Họ sẽ năng nổ tham gia hoạt động nếu thể lệ hấp dẫn và tạo được sự cạnh tranh lành mạnh. Không cần những phần thưởng giá trị, bạn cũng có thể thu hút người tham dự. Đừng quên các phần như sau:
- Công bố bảng xếp hạng trên màn hình lớn
- Lời cảm ơn công khai tại sự kiện và trên phương tiện truyền thông xã hội
- Ưu tiên đặt câu hỏi trong chương trình
- Tạo cơ hội giao tiếp theo nhóm
Ảnh: Sưu tầm
Một số lưu ý khác về Gamification:
- Thời gian bắt đầu và kết thúc giống như thông báo
- Thực hiện truyền thông để kết nối với những người tham dự lại với nhau
- Xây dựng thêm các hoạt động quảng bá, ví dụ: bạn có thể đặt một photobooth theo chủ đề của gamification tại khu vực sự kiện
- Tương tác với các nhà tài trợ, chẳng hạn như phần thưởng cho người thắng cuộc liên quan đến sản phẩm tài trợ
- Nội dung, thông điệp trò chơi phải vui vẻ và tích cực
- Cộng tác với nhiều bên để đưa ra giải pháp tốt nhất cho quá trình thực hiện.
Ảnh: Endless event
Kết luận
Thông qua 2 phần của bài viết “Ứng dụng Gamification và sự kiện” đã làm “sáng tỏ” các vấn đề liên quan đến “Game hóa” cũng như cách khai thác và tận dụng triệt để lợi ích của nó trong môi trường sự kiện. Chúc bạn thành công khi ứng dụng và kết hợp phương thức này để nâng cao và cải thiện trải nghiệm trong sự kiện của mình nhiều hơn nhé!
Mỹ Nguyên
Nguồn: Myevent Life, Helloendless, Brand VietNam