Trong xã hội phát triển nhanh như hiện nay, bạn chỉ có vài giây để tạo ấn tượng tốt với những người mới gặp lần đầu tiên. Đối với sự kiện cũng vậy, bạn phải có một kế hoạch xây dựng thương hiệu sự kiện của mình rõ ràng.


Khi nói đến việc thu hút những khán giả mục tiêu của bạn thì tiếp thị sự kiện và xây dựng thương hiệu phải luôn đi đôi cùng nhau. Chiến lược tiếp thị phải được lên kế hoạch tỉ mỉ ở nhiều khía cạnh, bao gồm mạng xã hội, email, tờ rơi,... làm sao tạo ra thật nhiều những cơ hội để phủ sóng sự kiện của bạn rộng rãi và rõ ràng nhất. Bạn có thể đang sử dụng kết hợp nhiều phương pháp tiếp thị nhưng nếu sự kiện của bạn không có thương hiệu mạnh, rõ ràng và hấp dẫn thì có thể bạn sẽ bỏ lỡ việc níu giữ một lượng người theo dõi trung thành.


Thế nào là xây dựng thương hiệu sự kiện?


Xây dựng một thương hiệu mạnh cho sự kiện không đơn giản chỉ là việc thiết kế một logo mà nó liên quan đến rất nhiều thứ như việc đưa ra các giá trị cốt lõi của sự kiện, một kế hoạch hoạt động kinh doanh rộng lớn và lâu dài.



Hãy nghĩ về TomorrowLand. Lễ hội âm nhạc điện tử lớn nhất hành tinh và là một biểu tượng lễ hội âm nhạc toàn cầu. Hằng năm, lễ hội được tổ chức và đầu tư rất nhiều công sức để tạo ra các kiệt tác sân khấu độc đáo theo từng chủ đề và cá tính của mỗi nghệ sĩ biểu diễn. Giá trị cốt lõi tạo nên thành công của TomorrowLand hơn 15 năm qua chính là truyền tải thông điệp “Vùng đất tương lai” - mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm với thế hệ tương lai và trân trọng những gì mẹ thiên nhiên ban tặng. Như bạn thấy đó, những sự kiện lâu đời này không chỉ dựa vào danh tiếng để thu hút khán giả mới mà còn liên tục thực hiện chương trình với nhiều nội dung biến hóa đa dạng khác nhau nhưng luôn bám sát đúng với lời khẳng định thương hiệu mà họ đã tuyên bố khi xây dựng thương hiệu sự kiện.


Đặc điểm để nhận biết một sự kiện có thể là từ yếu tố hữu hình và vô hình, từ bảng quảng cáo đến tương tác trên các ứng dụng, chúng có thể khác nhau tùy thuộc vào loại sự kiện bạn đang tổ chức. Đối với sự kiện trực tiếp thì phần nhìn, những thứ được biểu hiện chân thực tại địa điểm là khá quan trọng, trong khi đối với các sự kiện ảo hay webinars thì bạn có thể xem xét thêm nhiều tùy chọn xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, cho dù bạn đang tổ chức một sự kiện ảo, sự kiện kết hợp hay trực tiếp thì việc xây dựng thương hiệu cho sự kiện của bạn sẽ làm cho nó nổi bật và bước đầu thu hút được khán giả.


Xây dựng lượng khán giả trung thành



Xây một thương hiệu rõ ràng và nhất quán là bước đầu tiên để tạo mối quan hệ với người tham dự của bạn. Nếu bạn sử dụng màu sắc và phông chữ giống nhau cho tất cả sự kiện của mình thì người theo dõi bạn sẽ dần nhận ra thương hiệu của bạn. Nó càng trở nên quen thuộc thì khả năng mọi người ghi nhớ càng cao và tương tác nhiều với nó. Điều quan trọng là bất kể họ đã theo dõi hoạt động tiếp thị của bạn trong một thời gian, đã tham dự sự kiện trước đó hay chỉ vừa biết đến gần đây thì đều phải hiểu được các giá trị thương hiệu của bạn là gì. Chủ đề từng sự kiện có thể thay đổi để nội dung phong phú đặc sắc hơn, cải thiện trải nghiệm người tham dự và quảng bá sự kiện mạnh mẽ hơn nhưng chúng phải có một mục đích chung là giá trị mà sự kiện mang lại phải giữ đúng thương hiệu sự kiện đã xây dựng.


Tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ hơn



Khi đưa ra các ý tưởng để xây dựng một thương hiệu sáng tạo cho sự kiện, hãy mở rộng tầm nhìn của bạn ra khỏi không gian hai chiều, các nội dung tiếp thị trên văn bản. Thương hiệu sự kiện cũng có thể được xây dựng dựa trên các vật phẩm sự kiện và các tiện ích bổ sung, cho dù đó là đồ ăn, thức uống, những món quà lưu niệm hay áo phông.

 

Khi những người tham dự rời khỏi sự kiện cùng với một món quà lưu niệm, điều đó như một lời nhắc nhớ về trải nghiệm tuyệt vời mà họ đã có và giúp nâng cao nhận thức về thương hiệu của bạn trên quy mô rộng hơn. Những điều này không chỉ làm cho các sự kiện trực tiếp trở nên đáng nhớ hơn mà còn có thể áp dụng vào cả những sự kiện trực tuyến. Đây có thể sẽ là một nét đặc biệt cho các sự kiện trực tuyến khi bạn bí mật thu thập thông tin địa chỉ nơi ở của khách tham dự trong danh mục đăng ký rồi bất ngờ gửi đến họ một món quà lưu niệm trước hoặc sau sự kiện.


Thu hút các nhà tài trợ


Đảm bảo một gói tài trợ phù hợp có thể tạo nên sự khác biệt cho sự thành công của sự kiện. Phương trình rất đơn giản: Thương hiệu của bạn càng mạnh, cơ hội thuyết phục các nhà tài trợ ủng hộ sự kiện càng cao. Hãy nghĩ xem, nếu bạn không chắc chắn được thương hiệu sự kiện của mình đang truyền đạt thông điệp gì thì các nhà tài trợ cũng không chắc sẽ hiểu được nó, vậy thì không có lý do gì để họ phải tài trợ sự kiện của bạn.



Nếu bạn đang tổ chức một lễ hội thân thiện với gia đình và trọng tâm là tính bền vững, hãy đảm bảo thương hiệu sự kiện của bạn tập trung mang lại giá trị cốt lõi về sức sống, tuổi xanh và thu hút các nhà tài trợ bằng những giá trị đó. Từ đó, các nhà tài trợ sẽ hỗ trợ bạn quảng bá sự kiện không những trên phương tiện truyền thông xã hội mà còn đóng góp chi phí cho các hoạt động thực hiện chương trình, chiến dịch tiếp thị và làm tăng giá trị thương hiệu sự kiện của bạn.


Xây dựng thương hiệu cũng vô cùng quan trọng đối với các sự kiện ảo


Hãy chắc chắn rằng bạn không bỏ qua tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu khi tổ chức một sự kiện ảo. Các sự kiện ảo có thể không yêu cầu bảng quảng cáo hoặc tờ rơi nhưng điều đó không có nghĩa là việc xây dựng thương hiệu cho sự kiện ảo không quan trọng. Xem xét khán giả của bạn là ai và điều gì sẽ thu hút họ. Sau đó, hãy suy nghĩ về cách bạn có thể đưa giá trị cốt lõi của thương hiệu tiếp cận mọi người bằng các hình thức kỹ thuật số, nhưng nhớ lưu ý đến hình ảnh, phông chữ và màu sắc chuẩn trên cả màn hình di động và máy tính.



Bên cạnh đó, hãy đặt mình vào vị trí đối tượng mục tiêu và nghĩ về các thắc mắc nếu bạn là họ để tự hỏi bản thân, bao gồm các dạng bài đăng và cách quảng cáo trên mạng xã hội sẽ như thế nào để thu hút được khán giả của bạn cũng như “màu giọng” nào sẽ phù hợp để dễ dàng kết nối với những người tham dự tiềm năng. Ví dụ: sự kiện trực tuyến của bạn là một sự kiện giải trí thì tất nhiên phải dùng một giọng văn hài hước, nhẹ nhàng chứ không thể dùng sự nghiêm túc của một sự kiện hội thảo khoa học.


Vậy làm thế nào để xây dựng thương hiệu cho sự kiện?


Nếu bạn là người sáng tạo đang tìm kiếm nguồn cảm hứng để xây dựng thương hiệu cho sự kiện, thì đây là danh sách những điều bạn cần xem xét:

  • Học hỏi các thương hiệu nổi tiếng có giá trị cốt lõi tương đồng với sự kiện của bạn và lưu ý cách mà họ thu hút khán giả tiềm nặng của họ.
  • Cân nhắc đưa ra một vài từ khóa có thể tóm tắt toàn bộ về sự kiện của bạn.
  • Nghiên cứu tâm lý về màu sắc và chọn màu dựa trên ý nghĩa của chúng. Ví dụ: màu đỏ tượng trưng cho niềm đam mê và tình yêu nên sẽ là một lựa chọn phù hợp cho sự kiện hẹn hò nhanh.
  • Tạo một cuộc khảo sát để thu thập ý kiến ​​từ những người đã theo dõi hoặc đã từng tham gia sự kiện trước đó về những giá trị tiềm năng của thương hiệu mà họ đã được trải nghiệm.
  • Đảm bảo rằng thương hiệu sự kiện mà bạn đang xây dựng luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong tất cả các hình thức tiếp thị.
  • Kiểm tra xem thương hiệu sự kiện của bạn có nhất quán trên tất cả các nền tảng và luôn đi đúng hướng hay không.

 

Trên đây là tất cả những lý do cho thấy tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu sự kiện. Nếu muốn mở được cách cửa thành công cho sự kiện của bạn, hãy cân nhắc những điều mà bài viết đã chia sẻ nhé.

 

Biên dịch: Loan Lê

Nguồn: Eventbrite