Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Vào khoảng thời gian này mỗi năm, người người nhà nhà thường sẽ có những cách ăn Tết khác nhau cùng với bạn bè và người thân của mình. 

Vì vậy hãy cùng Stage!Vietnam kéo xuống bài viết dưới đây để cùng “khám phá" những “góc nhìn" khác nhau về Tết Nguyên Đán của các nước Châu Á nhé!


Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán


Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới hay chỉ đơn giản: Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. 

Nguồn gốc của tết vẫn còn đang được tranh cãi đó, nhưng hầu hết thông tin đều cho rằng ngày tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm bắc thuộc. Nhưng theo sự tích "Bánh chưng bánh dày" thì người Việt đã ăn tết từ trước thời vua Hùng, nghĩa là trước 1000 năm bắc thuộc.



Vì vậy, Tết của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc có ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng vẫn có những đặc trưng riêng của hai quốc gia.


Ý nghĩa sâu sắc của ngày Tết Nguyên Đán


Tết Nguyên Đán Việt Nam có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân. Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,... Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh.



Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.



Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, bệnh nhân với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri…



Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). 

Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất.



Từ đây cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết. Để sau Tết Nguyên Đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai.


Sự kiện mừng Tết Nguyên Đán tại Việt Nam


Pháo hoa Đêm giao thừa chính là sự kiện mừng Tết nguyên đán đáng mong chờ tại Việt Nam. Với ý nghĩa xua đuổi tà ác, kèm theo mong muốn bình an và may mắn trong cuộc sống, bắn pháo hoa mỗi dịp tết hàng năm không chỉ đánh dấu nỗ lực một năm vất vả mà còn thể hiện được thông điệp năm mới muốn truyền tải đến công chúng. 



Đường hoa hay chợ hoa cũng là nét đẹp riêng mừng tết nguyên đán tại Việt Nam. Thông thường đường hoa sẽ nhộn nhịp từ 20 âm lịch, mỗi địa phương sẽ trang trí theo chủ đề riêng để lan tỏa những thông điệp khác nhau, phù hợp với văn hóa đón tết tại địa phương. Những đường hoa nổi tiếng như đường hoa Nguyễn Huệ, đường hoa Home Hanoi Xuan,...đã góp phần làm nhộn nhịp không khí Xuân trước thềm giao thừa đón năm mới. 



Chương trình “Gặp nhau cuối năm” hay còn gọi là “Táo quân” là chương trình có nội dung ấn tượng, kết hợp với văn nghệ và giải trí hấp dẫn nên đây chính là một trong những chương trình đáng mong chờ nhất mỗi dịp tết nguyên đán. Những thông điệp được lồng ghép khôn khéo, những câu nói hài hước và trào phúng, gây chú ý đã trở thành thương hiệu khó lòng quên được trong lòng khán giả. Năm 2023 sẽ là kỷ niệm 20 năm phát sóng của chương trình. 



Sự kiện mừng Tết Nguyên Đán tại nước ngoài 


Bên cạnh Việt Nam, một số quốc gia khác tại châu Á cũng có truyền thống Tết Nguyên đán như Hong Kong, Malaysia, Singapore, Trung Quốc… 


Hong Kong


Cách đón Tết của người Hong Kong pha trộn giữa truyền thống Phương Đông với nét văn hóa phóng khoáng, mới mẻ của phương Tây. Hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán nổi bật diễn ra ở Hong Kong là Hội chợ hoa đón mừng năm mới (kéo dài từ ngày 25 đến 30 Tết âm lịch). 



Ngoài ra, vào ngày đầu tiên của năm mới, người Hong Kong còn tập trung ở cảng Tsim Sha Tsui, xem các vũ đoàn nghệ thuật biểu diễn, các nhân vật Disney diễu hành. Trong ngày mùng 2 Tết, người dân sẽ tập trung tại cảng Victoria, cùng nhau thưởng thức màn biểu diễn pháo hoa kéo dài 20 phút - được xem là một trong những màn bắn pháo hoa đẹp nhất thế giới.


Malaysia


¼ dân số tại Malaysia là người Hoa, vì lẽ đó Tết Nguyên đán trở thành một trong những dịp lễ đặc biệt quan trong trong đời sống tinh thần của người dân. Tết Nguyên đán được xem là một kỳ nghỉ chính thức tại quốc gia này. 



Đây là dịp để người dân ở Malaysia đoàn tụ, quây quần bên gia đình. Vào tối giao thừa, pháo hoa sẽ được bắn tại Tháp đôi Petronas. Các hoạt động như múa lân, sư tử diễn ra tại khu phố người Hoa.


Singapore


Những ngày Tết tại Singapore thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật là: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao, Lễ hội đường phố Chingay, cùng nhiều hoạt động khác. Trong đó, thu hút đông đảo người tham gia nhất chính là Lễ hội Đường phố Chingay, thường bắt đầu diễn ra từ ngày thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina, và kết thúc vào ngày Rằm tháng Giêng. 



Đây là một hoạt động với những chiếc xe diễu hành lộng lẫy, các điệu múa lân và những người đi cà kheo, người dân Singapore vừa vui chơi, vừa thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và với các cộng đồng dân tộc trên toàn thế giới.


Kết luận


Tóm lại, bài viết này đã cho các bạn biết được nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Nguyên đán cùng những sự kiện ngày Tết phổ biến của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, bài viết này cũng cho các bạn biết được những cái khác nhau của “Tết Nguyên Đán" ở những quốc gia Châu Á khác. 

Hi vọng qua đây các bạn sẽ có thêm thông tin về ngày Tết cổ truyền và chúc các bạn có một cái Tết ấm no bên gia đình và người thân của mình nhé!


Biên tập: Huyền Thương, Ngọc Hân, Uyên Thảo

Nguồn: Tổng hợp