ISO 20121 là một tiêu chuẩn quốc tế (không bắt buộc) do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế sáng lập với mục đích nâng cao tính bền vững trong suốt toàn bộ chu trình quản lý sự kiện. ISO 20121 có liên quan đến tất cả các bộ phận của chuỗi cung ứng, bao gồm nhà tổ chức, nhà cung cấp, người quản lý sự kiện, v.v. Tiêu chuẩn này có thể giảm chi phí, lượng carbon và chất thải, bảo vệ sự đa dạng sinh học của các địa điểm, cũng như tạo được một lực lượng lao động toàn diện.
Thời gian gần đây, các nhà tổ chức sự kiện cũng đang dần áp dụng tiêu chuẩn này, thông qua việc tận dụng các phát minh xanh phù hợp với môi trường. Để tìm hiểu rõ hơn, hãy cùng tham khảo 5 sự kiện tiêu biểu dưới đây và rút kinh nghiệm cho bản thân nhé.
1. Glasgow 2014 - Sự kiện Không chất thải
Glasgow 2014 là Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng Chung đầu tiên đảm bảo tiêu chuẩn ISO 20121.
Sự kiện này tập hợp hàng loạt những ý tưởng bảo vệ hệ sinh thái. Trong đó bao gồm Chính sách không chôn lấp rác thải thực hiện bằng phương pháp ủ các rác thực phẩm hay các vật dụng dùng một lần trong các trận đấu như dao, kéo, nĩa, muỗng.... Ngoài ra, chương trình còn tái sử dụng đến 260.000 đồ nội thất, phụ kiện và thiết bị từ Thế vận hội London 2012. Ban tổ chức cũng chỉ định các tình nguyện viên giúp du khách dọn dẹp, xử lý rác thải sau chương trình một cách phù hợp và thân thiện với môi trường.
Hơn thế, một số địa điểm vui chơi trong khuôn viên sự kiện còn được xây dựng bằng cách sử dụng rác tái chế. Thức ăn và chất thải từ các hộ gia đình trên khắp Scotland đã được gom lại để ủ làm phân, sau đó tận dụng trồng cỏ cho khu vực thi đấu của vận động viên.
2. Đại hội CIBJO - Sự kiện trung hòa carbon
Đại hội CIBJO, nơi hội tụ hàng năm của Liên đoàn Trang sức Thế giới, đã trở thành sự kiện lớn đầu tiên trong ngành trang sức thực hiện chính sách trung hòa carbon.
Sự kiện này được diễn ra vào tháng 5 năm 2015 tại Salvador de Bahia, Brazil. Theo kế hoạch, ban tổ chức đã kết hợp với công ty tư vấn môi trường Carbon-Expert để đo lượng khí carbon tại chương trình.
Sau khi đo lường tại địa điểm tổ chức và bộ phận người tham dự, theo tính toán, có tổng cộng đến 600 tấn khí carbon được tạo ra. Để trung hòa lượng khí, CIBJO đã mua tín chỉ carbon (giấy chứng nhận cho phép sở hữu) với mức giá khoảng 5.000 bảng Anh để bù đắp toàn bộ lượng khí thải.
Chủ tịch CIBJO Gaetano Cavalieri cho biết: “Tuy quy mô bù đắp khí thải của chúng tôi chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với toàn bộ ngành trang sức, nhưng hy vọng rằng, chúng tôi sẽ là một hình mẫu cho những người khác trong lĩnh vực này hoạt động một cách có trách nhiệm với môi trường. Đến nay, các phản hồi chúng tôi nhận được đều rất tích cực”.
3. ITB Châu Á - Sự kiện Tiết kiệm Năng lượng
Triển lãm du lịch thương mại ITB Asia đã thành công giảm đến 5% lượng khí carbon trong năm 2014, bằng cách thực hiện hàng loạt các biện pháp tiết kiệm năng lượng và chất thải.
Diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sands ở Singapore, sự kiện đã sử dụng các cảm biến chuyển động để tiết kiệm số lượng đèn điện trong không gian họp mặt. Nhà tổ chức cũng hạn chế mức sử dụng năng lượng bằng cách đặt nhiệt độ phòng là 24 độ.
Ngoài ra, lượng thức ăn cũng được điều chỉnh thông qua việc sử dụng nguồn nguyên liệu từ địa phương. Tất cả quà tặng và văn phòng phẩm không sử dụng của các gian hàng đều được quyên góp cho tổ chức từ thiện Food from the Heart. Và cuối cùng, những tờ rơi quảng cáo còn sót lại cũng đã được thu gom và tái chế hợp lý.
Nino Gruetter, Giám đốc điều hành ITB Châu Á, cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức sự kiện thân thiện với môi trường: “Chỉ cần quan tâm nhiều hơn, tất cả chúng ta đều có thể thực hiện các biện pháp làm giảm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái sau sự kiện.”
4. Oracle OpenWorld - Sự kiện Give Something Back
Là một hội nghị thường niên tại San Francisco, Oracle đã truyền cảm hứng cho người tham dự thông qua những trải nghiệm thú vị và các di sản phù hợp với nơi tổ chức.
Sự kiện Oracle vào năm 2014 đã đưa ra hai kế hoạch để đáp ứng mục tiêu này, trong đó bao gồm một hội thảo khoa học cho các lập trình viên tương lai. Chương trình này đã thu hút sự tham gia của hơn 150 thanh niên có đam mê về công nghệ, kỹ thuật và các thiết bị robot.
Đối tượng tham gia hầu hết là các học sinh, sinh viên trong địa phương. 100% phí tham dự đều được quyên góp cho Black Girls Code, một tổ chức hỗ trợ các phụ nữ Mỹ gốc Phi tham gia hoạt động trong lĩnh vực máy tính và công nghệ.
Ngoài ra, chương trình còn gửi 9.390 suất ăn cho những người có nhu cầu trong sự kiện. Các vật phẩm thiết yếu khác như xà phòng và giấy vệ sinh cũng được quyên góp cho các tổ chức từ thiện, cũng như những dự án cộng đồng khác.
5. Lễ hội mùa hè Croissant Neuf - Sự kiện tự túc
Lễ hội mùa hè Croissant Neuf là một chương trình với quy mô diễn ra hàng năm tại xứ Wales. Điều đặc biệt là, sự kiện này được tiến hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Do đó, Croissant Neuf đã ba lần được bình chọn là The Greenest Festival - danh hiệu đến từ Giải thưởng Lễ hội Vương quốc Anh.
Tất cả mọi thứ trong lễ hội, từ ánh sáng, thiết bị âm thanh, đến quầy hàng phục vụ ẩm thực đều được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo đến từ những tấm pin mặt trời và tuabin gió. Sự kiện cũng sử dụng công nghệ LED mới nhất để điều khiển hệ thống sân khấu, tiết kiệm năng lượng đến mức tối đa.
Ngoài ra, lễ hội chỉ phục vụ đồ ăn và thức uống hữu cơ, sau đó tái chế tất cả các loại chất thải. Sau chương trình, phía sự kiện còn tiến hành dự án trồng cây theo hình thức cứ mỗi xe tiến vào khu vực tổ chức sẽ có ba cây xanh được vun trồng. Như vậy, ước tính cứ 100 xe khách tham gia tại khu tổ chức sẽ có 300 cây xanh được trồng.
Kết luận
Năm sự kiện vừa rồi hầu hết là những dự án quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, với sự kiện quy mô nhỏ, bạn vẫn có thể áp dụng những ý tưởng trên để xây dựng một sự kiện bảo vệ môi trường theo xu hướng “xanh” hóa một cách hoàn thiện hơn.
Mỹ Nguyên
Nguồn: Classic venue solutions