Nghệ thuật biểu diễn được xem như một trong những ngành quan trọng trong nền công nghiệp văn hóa của nhiều quốc gia khi đang dần trở thành “át chủ bài”. Không đơn giản chỉ là tạo ra những giá trị kinh tế to lớn, đóng góp vào tăng trưởng chung mà nghệ thuật biểu diễn còn giúp quảng bá và nâng tầm ảnh hưởng văn hóa của quốc gia đó ra thế giới.


 

“Át chủ bài”

Nói đến khả năng “hái ra tiền" của nghệ thuật biểu diễn, người ta nghĩ ngay tới những quốc gia đang xuất khẩu sản phẩm văn hóa hàng đầu thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, âm nhạc đại chúng Kpop được đánh giá không chỉ nâng cao hình ảnh mà còn khiến kinh tế của nước này trở nên giàu có hơn trong 2 thập niên qua.


Economic Times trích báo cáo của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) năm 2017 chỉ ra rằng, xuất khẩu K-pop đã đưa âm nhạc thành một ngành trị giá khoảng 5 tỷ USD. Nhưng hơn một năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp âm nhạc nước này đã bị thiệt hại nặng nề. Theo Hiệp hội Thu âm Hàn Quốc (LIAK), thiệt hại của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc do các chương trình bị hoãn ước tính vào khoảng 184 tỷ won (163 triệu USD). Cả nghìn hợp đồng biểu diễn âm nhạc đã phải tạm hoãn do dịch Covid-19 kể từ tháng 02-2020. Đó là chưa kể đến việc các công ty giải trí tự cắt giảm sản xuất. Điều này cho thấy rằng đời sống âm nhạc của Hàn Quốc sôi động như thế nào nếu không có đại dịch.


Nhóm nhạc BTS trở thành biểu tượng cho sự thành công của K-pop


Trong một bài viết gần đây, Thạc sĩ Trần Ly Ly và Thạc sĩ Nguyễn Tuyết Hoa (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) cho biết: Theo Bản đồ toàn cầu đầu tiên về công nghiệp văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015, công bố năm 2017, công nghiệp văn hóa và sáng tạo (Cultural and Creative Industries - CCIs) có tổng doanh thu lên đến 2.250 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu. CCIs được xem như chìa khóa phát triển của nhiều quốc gia, nhất là các nước thuộc khu vực châu Á.


Thống kê của UNESCO cho thấy, châu Á với nhiều quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã trở thành thị trường CCIs lớn nhất thế giới, vượt cả châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó, ngành nghệ thuật biểu diễn đứng thứ 7 với 127 tỷ USD và 3.538.000 người làm việc trong ngành. Con số này tuy không quá lớn nhưng cho thấy tầm quan trọng và triển vọng của ngành nghệ thuật biểu diễn trong nền công nghiệp văn hóa thế giới.

 

Lựa chọn những thế mạnh riêng

Hiện nay, công nghiệp văn hóa được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia vì có khả năng đem lại nguồn thu lớn và nhu cầu việc làm đáng kể. Tuy nhiên, để công nghiệp văn hóa thực sự phát huy hiệu quả thì việc lựa chọn đúng lĩnh vực để đầu tư và phát triển sẽ là “chìa khóa” của thành công.


Đối với những quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển thì chiến lược lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đầu tư đã được xác định từ rất sớm. Lấy ví dụ như ở Hàn Quốc, chính sách văn hóa của họ được phát triển liên tục trong nhiều thập niên, trong đó thể hiện rõ đường lối chung và các mục tiêu quốc gia cho từng giai đoạn. Các nhà nghiên cứu cho rằng “Kế hoạch tổng thể phát triển văn hóa 5 năm lần thứ nhất” được đề xướng thời Cựu Tổng thống Park Chung Hee vào năm 1973 là chính sách văn hóa dài hạn đầu tiên trong chính sách văn hóa của Hàn Quốc. Từ đó, chính phủ Hàn đã công bố nhiều tài liệu đề cập đến chiến lược phát triển văn hóa - nghệ thuật quốc gia. Các lĩnh vực được Hàn Quốc chú trọng là điện ảnh và âm nhạc đã chứng tỏ được tính hiệu quả.

  Vở nhạc kịch Wicked tại nhà hát Broadway


Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, ngoài âm nhạc với khả năng “phủ sóng” không biên giới, các nước còn có một số lĩnh vực là thế mạnh riêng để trở thành “mũi nhọn” của công nghiệp văn hóa. Chẳng hạn, hệ thống nhà hát Broadway là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của New York (Mỹ). Theo Broadway League, trước khi xuất hiện dịch Covid-19, hơn 14,8 triệu vé đã được bán cho các vở diễn của Broadway trong 2 năm 2018 - 2019, mang lại 1,8 tỷ USD doanh thu. Khoảng 63% trong số những người đi xem là khách du lịch, đến từ khán giả bên ngoài nước Mỹ hoặc không phải dân New York. Ông Andrew Cuomo, Thống đốc New York, nhận xét: “Broadway rất quan trọng, liên quan đến bản sắc văn hóa và nền kinh tế của tiểu bang chúng tôi”.


Còn với Canada, thương hiệu xiếc Cirque du Soleil, gánh xiếc được thành lập năm 1984 tại vùng ngoại ô Quebec, đã trở thành “huyền thoại” của ngành xiếc thế giới. Trước thời điểm dịch, Cirque du Soleil thực hiện 19 chương trình biểu diễn thường niên quy mô lớn, thu hơn 1 tỷ USD/năm.

 

Rõ ràng, với lợi thế sẵn có và sự đầu tư đúng đắn, thế mạnh thương hiệu cho nghệ thuật biểu diễn sẽ là “át chủ bài” cho nền công nghiệp văn hóa.

 

Biên tập: Loan Lê

Nguồn: baomoi