Có khá nhiều bài viết về đặc điểm cần có của một người quản lý sự kiện, về những gì để có thể trở thành một Chuyên gia tổ chức sự kiện đẳng cấp. Tuy nhiên trên thực tế, để trở thành một EventProf có rất nhiều khó khăn. Vì vậy, bài viết này đề cập đến những khó khăn chung của một người làm event mà ít ai thổ lộ.
1. Người độc đoán hay cầu toàn?
Công việc tổ chức sự kiện yêu cầu người làm sự kiện cần phải quan tâm nhiều đến tiểu tiết, và phân tích chúng bằng những lý do rõ ràng. Vì vậy, đôi khi người làm sự kiện bị hiểu nhầm là độc tài, độc đoán. Nhưng thực ra, ekip tổ chức phải “đấu tranh” với các bên liên quan để thống nhất ý tưởng tốt nhất cho các yêu cầu từ khách hàng. Do đó, việc tỉ mỉ trong mọi chi tiết giúp họ đảm bảo mọi thứ đạt tiêu chuẩn cao nhất, vượt ngoài mong đợi của khách hàng.
Mọi việc sẽ không đi vào “ngõ cụt” nếu nó được đi theo một hướng giải quyết dễ dàng hơn mà không quá xét nét. Hãy cố gắng giữ sức khoẻ và kiểm soát khối lượng công việc của mình, nếu không thì bạn sẽ bị gục ngã với sự căng thẳng và lo lắng trong những sự kiện lớn. Đừng quên bạn luôn có những đồng đội kề vai sát cánh - vì nghề sự kiện được xây dựng trên teamwork, đó là cơ sở để thành công.
Đôi khi có những sai lầm không thể tránh khỏi và hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát của chúng ta. Vào những lúc thế này, bạn cần sử dụng trực giác nhiều hơn là những lý thuyết, phương pháp hay logic thông thường. Người tổ chức sự kiện giỏi cần phải bật ra ngay những suy nghĩ và phản ứng các giải pháp ngay lập tức. Cần phải có một thần kinh thép, không được phép sụp đổ và phải kiểm soát tình hình, ngay lập tức chỉ đạo một kế hoạch hành động mới, bạn phải thực sự “Keep Calm & Carry On”.
2. Công việc, công việc và công việc…
Rất nhiều người ghen tị với vai trò của một EventProf. Đúng là công việc có rất nhiều điều thú vị và thậm chí như kiểu một người quyền lực vì bạn được gặp người nổi tiếng hay tham gia các chương trình có tiếng. Nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng hấp dẫn như trong tưởng tượng!
Trong thực tế, đây là một công việc rất khó khăn. Nó là một quá trình lâu dài và nhiều áp lực để đảm bảo mọi thứ diễn ra theo kế hoạch. Nếu bạn đang tìm kiếm một sự ổn định thì đây không phải là nghề nghiệp dành cho bạn. Sự linh hoạt là chìa khóa và bạn phải làm việc không ngừng cho đến khi đảm bảo rằng tất cả đã sẵn sàng cho sự kiện của bạn.
Hơn nữa, công việc sự kiện diễn ra có khi cả ngày lẫn đêm, bạn sẽ không thể có thời gian để thư giãn. Làm việc thâu thêm, không có thời gian ăn là chuyện bình thường như cơm bữa với dân sự kiện.
3. Khá nhạy cảm
Nghề sự kiện được cho rằng là một trong 10 công việc căng thẳng nhất, vì vậy chúng tôi là những người khá nhạy cảm. Do thường xuyên chịu áp lực cao trước deadline chất chồng cần phải hoàn tất nên các nhân viên tổ chức sự kiện rất dễ mất kiên nhẫn và lớn tiếng.
Họ chỉ mong được thư giãn, yên tĩnh sau một ngày dài và khó khăn… sau khi phải liên tục nói chuyện và trải qua quá trình vận hành sự kiện đầy áp lực nhưng lúc nào cũng phải giữ cho mình sự tỉnh táo và thái độ tích cực với tất cả mọi người.
4. Nỗ lực thầm lặng đằng sau sân khấu
Tôi cho rằng một trong những kỹ năng lớn nhất của nghề sự kiện đó là “Thuật tàng hình”. Người làm sự kiện không bao giờ là ngôi sao trong sự kiện của mình, chúng ta đang có mặt ở đây là để âm thầm làm việc một cách hiệu quả đằng sau sân khấu, biến các tiết mục biểu diễn trở nên tuyệt diệu trong mắt khán giả.
Khiêm nhường thực sự là một thuộc tính quan trọng đối với mỗi một EventProf. Tất nhiên, thi thoảng chúng ta vẫn cần phải đối diện với báo chí & truyền hình mỗi khi được phỏng vấn.
5. Những bí mật đằng sau cánh gà
Một quan điểm sai lầm về nghề event, đó là hạnh phúc làm sao khi mà lúc nào cũng được làm việc cùng những ngôi sao, những đạo diễn, nhạc sĩ nổi tiếng và đẳng cấp…
Nhưng, tôi nghĩ rằng mỗi một EventProf đều có những câu chuyện “khó chịu và khó nói” của riêng mình với những nhân vật tự cao tự đại, thô lỗ, và không thể ưa nổi. Tất nhiên, những gì xảy ra ở hậu trường thì để nó ở lại hậu trường, Bạn phải tập chấp nhận để bạn lại điều tốt nhất cho công việc của bạn.
6. Ngủ lúc nào và thức dậy lúc nào?
Thời gian làm việc của một EventProf có thể gấp đôi, có khi phải gấp 3 lần các công việc hành chính bình thường. Các nhân viên sự kiện là những người sống lệch múi giờ, họ chỉ có thể nghỉ ngơi khi công việc thực sự hoàn tất. Kỹ năng kiềm chế không ngủ, có thể ngủ mọi lúc và thức dậy đúng giờ là cực kỳ cần thiết cho một EventProf.
7. Luôn phải theo kịp công nghệ
Đối với nghề nghiệp của chúng tôi, việc am hiểu và ứng dụng các công nghệ mới vào sự kiện sao cho ấn tượng là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng. Nó thể hiện trình độ cũng như đẳng cấp khác nhau giữa mỗi người. Một trong những công việc thường xuyên của chúng tôi là lướt Youtube xem các màn biểu diễn, phân tích và chém gió với nhau về cách thực hiện chúng.
8. EventProf thì đi đâu cũng là EventProf
Khi đi đến một sự kiện được tổ chức bởi một ekip khác, người làm event vẫn luôn quen việc cũ. Họ sẽ luôn không ngừng quan sát xung quanh, đánh giá, tư duy & học hỏi như một thói quen cố hữu mà một Eventprof không thể nào sửa chữa được.
Kết luận
Nghề nghiệp nào cũng có những mặt phải và mặt trái, và những đặc điểm của từng công việc cũng chỉ để chúng ta làm tốt hơn việc mà chúng ta đang làm. Bạn bè tôi có rất nhiều người là những EventProf tuyệt vời và chúng tôi vẫn luôn cảm thấy trân trọng với nghề sự kiện.
Trần Thị Mỹ Nguyên
Nguồn: Theo Trí Thức Trẻ/Eventmanager.vn