Vậy một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật cần phải có những vị trí nào? Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về vấn đề này, hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết và hiểu rõ hơn về các vị trí làm việc về kỹ thuật trong sự kiện nhé!
1. Các vị trí quản lý
Ảnh: helloendless
Producer - Nhà sản xuất
Nhà sản xuất là người đóng vai trò lớn nhất trong đội ngũ kỹ thuật của một sự kiện, phụ trách về nội dung và tầm nhìn tổng thể của toàn bộ chương trình. Công việc của họ bao gồm quản lý, vận hành nhân sự ở các vị trí kỹ thuật và tham gia vào khâu viết kịch bản cùng đội biên tập. Họ cũng sẽ là người làm việc với các đối tác kỹ thuật để tìm cách hiện thực hóa những ý tưởng độc đáo cho sự kiện. Với tầm ảnh hưởng của mình, Producer thường được mời xuất hiện tại họp báo của nhiều công ty giải trí hay buổi họp trong các sự kiện lớn, đặc biệt là các sự kiện thiên về trình diễn sân khấu.
Assistant Producer - Trợ lý sản xuất
Trợ lý sản xuất sẽ là người trực tiếp hỗ trợ nhà sản xuất, đặc biệt là các công tác hậu cần. Thông thường, trợ lý sản xuất sẽ cùng với đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ về đồ họa, kịch bản và báo cáo tất cả các tiến trình sự kiện cho Producer.
Stage Manager - Quản lý sân khấu
Quản lý sân khấu là người trực tiếp tham gia vào phần nội dung của sự kiện. Họ luôn có mặt tại chương trình để giám sát quá trình diễn tập, điều phối sân khấu, cũng như nắm thông tin liên lạc giữa các nhóm nhân sự, kiểm soát toàn bộ những gì đang diễn ra trên sân khấu. Stage Manager sẽ điều phối đạo cụ và hoạt động của các nhân viên sự kiện, nhằm đảm bảo sân khấu được vận hành liên tục theo kịch bản. Họ cần phải đảm bảo mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, do đó, tất cả các Stage Manager đều rất nghiêm túc với vấn đề thời gian. Quản lý sân khấu đòi hỏi phải có sự hiểu biết chung về tất cả các khía cạnh của kỹ thuật để cung cấp, hỗ trợ ban tổ chức nhằm đảm bảo quy trình sự kiện diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
Ảnh: sưu tầm
*Show caller - Người gọi show
Đa phần, Show caller ở sự kiện Việt Nam có thể coi là một việc đính kèm theo và không cần người giữ vị trí chính thức. Người gọi show có thể là đạo diễn (nếu sự kiện có quy mô lớn) hoặc Stage Manager (nếu sự kiện có quy mô vừa). Với chương trình nhỏ hơn.
Về công việc cụ thể, Show Caller sẽ là người hô những câu lệnh điều phối bên trong cánh gà như “3,2,1, bắt đầu!” hay “Khách mời chuẩn bị lên sân khấu” v.v. Công việc này có vai trò tương đối quan trọng, góp phần giúp chương trình diễn ra theo đúng kế hoạch và thời gian quy định.
2. Vị trí kỹ thuật
Ảnh: Carlstrom Productions
Technical Director - Giám đốc kỹ thuật
Giám đốc kỹ thuật thường là một kỹ thuật viên cao cấp, có trách nhiệm quản lý kỹ thuật chương trình. Đối với các sự kiện lớn, khi có nhiều kỹ thuật viên cùng làm việc, bạn cần một người lãnh đạo có chuyên môn để quản lý toàn bộ mảng kỹ thuật - và đó chính là Technical Director.
Technical Director sẽ đánh giá tính khả thi và quyết định hệ thống kỹ thuật phù hợp cho chương trình, cũng như quản lý và giải quyết tất cả các rủi ro kỹ thuật. Họ thường làm việc với nhà cung cấp, kỹ thuật viên để thiết lập các tiêu chuẩn, cách thức theo dõi, từ đó bảo đảm tiến độ sản xuất và chất lượng kỹ thuật phục vụ cho chương trình.
Production Manager - Giám đốc sản xuất
Giám đốc sản xuất là người chịu trách nhiệm quản lý và điều phối toàn bộ thiết bị cho chương trình. Họ thường làm việc với các đối tác kỹ thuật để lên lịch lắp đặt, giám sát quá trình chuyển giao thiết bị, cũng như sắp xếp bố cục và đảm bảo các hạng mục được chuẩn bị đầy đủ theo đúng tiến độ.
Production Assistant (PA) - Hỗ trợ sản xuất
Đúng như tên gọi, hỗ trợ sản xuất chính là người giúp đỡ các Production Manager để quản lý các hạng mục kỹ thuật trong chương trình. Thông thường, họ sẽ cùng với Production Manager tham gia và ghi chú lại nội dung của các buổi họp, đồng thời thực hiện giám sát quá trình sản xuất của sự kiện. Với những event có quy mô lớn, số lượng Production Assistant sẽ tăng lên để dễ dàng phân chia, bố trí quản lý từng khu vực. Nếu có đủ năng lực, người hỗ trợ sản xuất cũng sẽ kiêm cả việc lên bản vẽ, bố cục và lịch trình sự kiện. Cuối cùng, sau khi hoàn thành giám sát, họ sẽ báo cáo với Production Manager để họ nắm được tiến độ chương trình.
Projectionist - Nhân viên kỹ thuật màn hình trình chiếu
Nếu sự kiện của bạn cần tận dụng tối đa công nghệ trình chiếu, hãy tuyển dụng Projectionist để quản lý hạng mục này tốt nhất. Những nhân viên này sẽ cùng đội ngũ lắp đặt phân tích, đưa ra cách kết nối của tất cả các nội dung hình ảnh, video, visual, v.v và trình chiếu chúng lên màn hình chính của sự kiện, bao gồm màn hình LED, hệ thống máy chiếu hay mapping.
Projectionist còn có thể đảm nhận quy trình tải nội dung trình chiếu, sau đó chuyển đổi định dạng, cấu trúc visual sao cho phù hợp với các thiết bị. Họ cũng sẽ là người đưa ra các giải pháp về những vấn đề liên quan như âm thanh, ánh sáng, v.v liên quan đến trình chiếu để cho quá trình hoạt động trình chiếu sự kiện được diễn ra trơn tru nhất.
Một bật mí nhỏ, tất cả nhân sự của bộ phận kỹ thuật thường sẽ rất “đa dzi năng”, họ sẽ có kinh nghiệm và kiến thức cơ bản ở các khâu kỹ thuật, do đó, họ sẽ hiểu và hỗ trợ qua lại với các bộ phận kĩ thuật khác để mọi việc diễn ra trơn tru hơn.
Ảnh: helloendless
Audio Engineer - Kỹ sư âm thanh
Audio Engineer sẽ là người chịu trách nhiệm về mọi thứ liên quan đến âm thanh trong sự kiện. Họ cần phải đảm bảo các thiết bị luôn hoạt động tốt để mang lại chất lượng âm thanh ổn định, không có tạp âm gây nhiễu và duy trì ở mức âm lượng hợp lý. Các kỹ sư sẽ điều khiển toàn bộ hệ thống âm thanh, bao gồm âm thanh biểu diễn, âm thanh trình chiếu và micro diễn thuyết của khách mời.
Ảnh: Audio Visual Nation
Audio Technician - Kỹ thuật viên âm thanh
Kỹ thuật viên âm thanh là công việc linh động và cần di chuyển khá nhiều. Họ là người phụ trách kiểm tra và đảm nhận bố trí các vấn đề về âm thanh cho diễn giả hoặc khách mời, bao gồm micro, headset, in-ear, và các thiết bị âm thanh khác có tại sân khấu. Sau khi lắp đặt xong, họ sẽ báo cáo tín hiệu và những hạng mục liên quan cho kỹ sư âm thanh tại khu vực điều khiển, chẳng hạn như micro nào được khách mời sử dụng, micro nào của MC, quá trình kết nối đã ổn định hay chưa, v.v.
Ảnh: sưu tầm
Lighting Designer - Kỹ thuật viên thiết kế ánh sáng
Lighting Designer có nhiệm vụ thiết kế layout, màu sắc và những vấn đề khác cho các loại đèn, nhằm đáp ứng yêu cầu ánh sáng trong chương trình. Họ cũng là người lên kế hoạch chi tiết cho tất cả tiết mục có sử dụng timecode về ánh sáng.
Thông thường, việc đưa ra các hình thức trình diễn đèn phục vụ cho biểu diễn sẽ do đạo diễn chương trình hoặc đạo diễn ánh sáng đảm nhận. Do đó, nếu có đủ năng lực và đáp ứng được khối lượng công việc, các đạo diễn ánh sáng có thể làm luôn cả việc thiết kế ánh sáng.
Lighting System Technician - Kỹ thuật viên hệ thống chiếu sáng
Làm việc cùng kỹ thuật viên thiết kế ánh sáng, Lighting System Technician là bộ phận nhân sự chuyên lắp đặt và kết nối các thiết bị đèn về khu vực điều khiển. Họ chịu trách nhiệm sắp xếp nguồn điện của hệ thống chiếu sáng, sau đó điều khiển đèn theo chỉ dẫn của đạo diễn để tạo hiệu ứng visual đẹp mắt cho các tiết mục sân khấu.
3. Các vị trí khác
Ngoài các vị trí cơ bản tham khảo ở trên, bộ phận kỹ thuật tại các sự kiện còn có những vị trí “nhỏ nhưng có võ” như sau:
Riggers
Riggers là những người chịu trách nhiệm quản lý và lắp đặt Rigging - giàn giáo đặc biệt thường được dùng để nâng đỡ các thiết bị tại sự kiện, chủ yếu là cho sân khấu. Đây là công việc có yêu cầu cao về kỹ thuật, do đó, họ cần phải được đào tạo bài bản, nắm rõ các lý thuyết về hình thức bố trí, trọng lượng và độ cao lắp đặt. Không chỉ về vấn đề thẩm mỹ, họ còn phải đảm bảo giàn giáo được thiết kế an toàn nhất có thể.
Nhân viên vận chuyển và lắp đặt
Đây là bộ phận nhân viên sẽ hỗ trợ ban tổ chức trong việc vận chuyển vật dụng, thiết bị đến khu vực cần thiết trong sự kiện và hỗ trợ lắp đặt chúng theo yêu cầu. Họ sẽ là người nắm rõ khối lượng hạng mục để sắp xếp lượng xe cần để vận chuyển đến địa điểm sự kiện và các thiết bị cần thiết hỗ trợ trong việc lắp đặt.
Ảnh: sưu tầm
Kết luận
Bài viết trên đã đưa ra một cái nhìn tổng quan nhất về các vị trí kỹ thuật cụ thể tại một sự kiện. Tuy nhiên ở mỗi chương trình sẽ có các yêu cầu và cách sắp xếp nhân sự tương ứng khác nhau. Hãy tìm hiểu và tham khảo bài viết này để có thêm thông tin cho các công việc kỹ thuật sự kiện từ đó áp dụng vào những sự kiện của bạn trong tương lai nhé!
Mỹ Nguyên
Nguồn: Helloendless