Nhiều năm về trước, Esports chỉ đơn giản là một cộng đồng tập hợp các game thủ tổ chức thi đấu với nhau. Nhưng hiện nay, sự ra đời của nhiều trò chơi điện tử mới đã kích thích thị trường Esports phát triển nhanh chóng, mang đến hàng loạt các giải đấu có quy mô lớn hàng năm. Esports đã trở thành một sân chơi năng động cho các game thủ, nơi họ có thể vừa theo đuổi đam mê, vừa trở thành vận động viên chuyên nghiệp với thu nhập ổn định.
Vậy Esports là gì?
Esports là thuật ngữ viết tắt của cụm từ Electronic Sport, tức các môn thể thao điện tử. Đây là sự kiện thi đấu được diễn ra giữa những tuyển thủ game chuyên nghiệp thi đấu các trò chơi điện tử trên PC, điện thoại, v.v. Thông thường, các vận động viên Esports sẽ thi đấu trong một không gian ảo được thiết kế riêng, sao cho phù hợp với lĩnh vực và trò chơi thi đấu.
Esports hiện đang có ảnh hưởng lớn đến thị trường quốc tế. Hiện nay có khoảng hơn 200 triệu game thủ tham gia tập luyện chuyên nghiệp, cũng như có đến 380 triệu khán giả theo dõi toàn cầu. Từ năm 2018, bản quyền phát sóng của các sự kiện Esports đã trở nên vô cùng đắt giá và vượt ngưỡng tỷ đô khi thu hút được các nhà tài trợ lớn. Và theo dự đoán, con số này có thể tăng cao hơn nữa trong thời tới. Với mức ảnh hưởng hiện tại, các công ty truyền thông cũng đã bắt đầu triển khai nhiều dự án về Esports hơn để chuyên nghiệp hóa thị trường, cũng như thành công khai thác tiềm năng kinh tế.
Game thủ chuyên nghiệp thi đấu. Ảnh: sưu tầm
7 lưu ý quan trọng khi tổ chức sự kiện Esports
Tuy đã phát triển ở mức độ nhất định, nhưng đến nay Esports vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ đối với công chúng và ngành tổ chức sự kiện tại Việt Nam. Do đó, nếu bạn muốn khai thác thị trường này, hãy tham khảo 7 lưu ý quan trọng dưới đây để hiểu hơn về lĩnh vực thể thao điện tử nhé.
1. Khởi động giải đấu ở quy mô nhỏ
Để bước đầu mang Esports đến gần hơn với công chúng, các doanh nghiệp tổ chức sự kiện nên khởi động bằng những giải đấu có quy mô nhỏ. Hãy bắt đầu thi đấu tại các phòng game có sức chứa vừa đủ trong khu vực. Việc tổ chức ở những địa điểm vừa và nhỏ sẽ dễ dàng nâng cao sự tương tác với công chúng, từ đó tiếp cận được một bộ phận người yêu thích và quan tâm đến Esports. Khi đã quảng bá thành công, các giải đấu có thể được mở rộng quy mô lớn hơn, thậm chí là vươn ra quốc tế.
Mike Sepso, đồng sáng lập của Major League Gaming, cho rằng: “Càng nhiều sự kiện nhỏ sẽ càng có thêm nhiều trải nghiệm thi đấu cho các đội chơi. Điều này sẽ giúp gia tăng lượng khán giả yêu thích Esports, cũng như thu hút được vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các giải đấu lớn hơn”. Hãy tích lũy kinh nghiệm qua các sự kiện có quy mô nhỏ và từng bước phát triển chuyên nghiệp vươn tới cấp độ toàn cầu.
Ảnh: PC gamer
2. Kết nối với khách hàng
Thiết lập cầu nối với khách hàng là yếu tố tiên quyết trong tất cả các hình thức sự kiện, kể cả Esports. Để tổ chức một giải đấu, bạn cần phải hiểu rõ về thể thao điện tử và thị hiếu của cộng đồng người chơi game hiện nay. Ngoài ra, các sự kiện Esports cũng cần sự góp mặt của các game thủ có sức ảnh hưởng để thu hút sự chú ý từ người tham dự.
Lấy ví dụ về dự án marketing kết hợp của HP và Omen Squad - một nhóm game thủ chuyên nghiệp. Để quảng bá song song, Omen Squad đã chia sẻ những thủ thuật thi đấu cho cộng đồng Esports trong khi sử dụng các sản phẩm của HP. Với kế hoạch này, không chỉ các sản phẩm công nghệ được giới thiệu đến nhiều người hơn mà Omen Squad cũng gia tăng được sức ảnh hưởng trực tiếp đối công chúng.
Ảnh: sưu tầm
3. Nghiên cứu insight khách hàng
Để có thể tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp, các nhà tổ chức sự kiện đều cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu và sở thích của khách hàng và khách tham dự.
Ví dụ, vào năm 2019, tổ chức Esports Immortals đã hợp tác với thương hiệu K-Swiss để ra mắt sản phẩm giày sneaker mang phong cách Esports. Đôi giày này được tạo ra bởi các nhà thiết kế của K-Swiss và các tuyển thủ thể thao điện tử. Nhờ việc nghiên cứu insight khách hàng một cách toàn diện, dự án này đã thành công thu hút sự chú ý, cũng như mang đến trải nghiệm thú vị cho các game thủ và người hâm mộ.
Ảnh: sưu tầm, Lag.VN
4. Tổ chức các hoạt động giải trí có liên quan
Sự kiện Esports là nơi tạo ra một không gian giả trí điện tử lành mạnh, nơi mà các game thủ có thể kết nối với nhau. Đây là cơ hội để các vận động viên chuyên nghiệp, nghiệp dư và cộng đồng người hâm mộ thể thao điện tử được giao lưu, thi đấu. Ban tổ chức nên tạo điều kiện để mọi người cùng chia sẻ và bàn luận về Esports, có thể thông qua các hình thức như triển lãm, mô phỏng giải đấu chuyên nghiệp, ngày hội cosplay nhân vật trong game, v.v.
Ví dụ: MSI Việt Nam đã tổ chức Ngày hội game thủ – MSI Fan Day tại Đà Nẵng. Qua chương trình này, những người yêu thích thể thao điện tử đã được trải nghiệm những sản phẩm mới, cũng như tham gia vào giải đấu True Gaming do MSI thành lập.
Ảnh: MSI -FanDay
5. Mở rộng đối tượng khách hàng
Esports không chỉ dành cho nam giới. Theo khảo sát của Interpret, có đến 30% khán giả nữ quan tâm và yêu thích thể thao điện tử. Do đó, ngành công nghiệp Esports cần phải nghiên cứu thị trường rộng hơn và đa dạng hóa đối tượng khách hàng.
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng đến vấn đề này. Chẳng hạn như việc thương hiệu HP đã hợp tác cùng Stephanie Harvey - một nữ tuyển thủ Esports chuyên nghiệp với 5 lần vô địch. Stephanie Harvey cũng chính là người tiên phong trong việc mở rộng đối tượng khách hàng, cũng như kêu gọi phái nữ theo đuổi đam mê Esports.
Ngoài ra, ngày 8/3 vừa qua, Liên Quân Mobile cũng đã thu hút sự chú ý của cộng đồng game thủ, khi tung hàng loạt quà tặng giá trị để chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ, như: xe gắn máy, tai nghe Airpods, sạc dự phòng, v.v.
Ảnh: Liên Quân
6. Bắt kịp xu hướng
Hiện nay, thị trường thể thao điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghiệp Esports đã trở nên sôi động hơn với những tựa game mới đầy hấp dẫn, thu hút thành công vô số các tuyển thủ tham gia thi đấu.
Do đó, các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược hợp lý để có thể thích ứng với sự tăng trưởng của Esports trong tương lai. Ngoài ra, bạn cũng cần nắm bắt tốt xu hướng thời đại, nhanh chóng thay đổi và vận hành cùng thị trường tiềm năng này.
Ảnh: Expert game reviews
7. Tận dụng các nền tảng kỹ thuật số
Một sự kiện Esports thành công không chỉ tiếp cận với các khán giả có mặt trực tiếp tại trường quay, mà còn phải kết nối với những đối tượng khác thông qua hệ thống phát sóng trực tuyến
Đối tượng quan tâm Esports thường dao động trong độ tuổi từ 14-28. Do đó, để sự kiện Esports được quảng bá rộng rãi hơn, ban tổ chức cần phải phát sóng trận đấu qua các nền tảng trực tuyến phổ biến, như Youtube, Facebook, v.v để mọi người đều có thể xem và thoải mái chia sẻ, bàn luận.
Hiện tại ở Việt Nam, Vietnam Esports TV đang là đơn vị tổ chức các giải đấu Liên Minh Huyền Thoại nổi tiếng, sở hữu gần 3 triệu lượt theo dõi trên YouTube. Các giải đấu Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp với những đội tuyển, game thủ xuất sắc đã thu hút trung bình hơn 100.000 lượt xem mỗi khi phát sóng trực tiếp tại Youtube.
Ảnh: sưu tầm
Kết luận
Không chỉ là bộ môn giải trí, Esports đang dần được công nhận là môn thể thao trí tuệ khi được đưa vào các giải đấu lớn như: Á Vận Hội 2018, SEA Games 30 hay sắp tới đây là Asiad 2022. Esports sẽ là một hướng đi tiềm năng của ngành sự kiện trong tình trạng xã hội hiện nay, với hình thức tổ chức linh hoạt, có thể thu hút sự tham gia của vô số khán giả từ nhiều nơi thông qua ghi hình phát sóng trực tiếp.
Ảnh: sưu tầm
Mỹ Nguyên
Nguồn: Backstage VN