Đa phần người ngoài nhìn vào sẽ thấy nghề tổ chức sự kiện là một công việc hào nhoáng. Hằng ngày, nhân viên tổ chức sự kiện đều được tiếp xúc với những người nổi tiếng, đến những nơi sang trọng. Nhưng trên thực tế, “đây là một sân chơi đầy thử thách”, nó buộc người làm sự kiện phải không ngừng học, không ngừng tiến bộ để theo kịp công việc. Hơn hết, khi đào sâu vào “đời sống” của nghề sự kiện, chúng ta sẽ nhận ra bên trong công việc này có rất nhiều góc khuất, rất nhiều tâm sự khó nói thành lời.
1. Những điều sách vở không thể dạy chúng ta.
“Trường học lớn nhất và tuyệt vời nhất giảng dạy bộ môn tổ chức sự kiện đó chính là Trường đời” sẽ có rất nhiều bạn trẻ ngỡ ngàng với điều này nhưng đây là một sự thật.
Chúng ta bỏ rất nhiều tiền của, thời gian để đến trường học, nhưng tại sao trường đời lại là nơi tốt nhất? Không thể phủ nhận, nếu bạn ra trường với một tấm bằng chuyên ngành sự kiện, đó là một lợi thế lớn. Nhưng nó không phải yếu tố quyết định. Đối với nghề sự kiện, trường học sẽ chỉ cung cấp cho chúng ta những định nghĩa và một số kiến thức nền tảng giúp bạn có một cái nhìn khái quát về Event và không mất phương hướng khi bắt đầu làm nghề. Là một ngành có tốc độ vận động nhanh, Event luôn thay đổi hằng ngày nên việc học tập là vô hạn. “Kinh nghiệm” cũng là một môn học quan trọng. Mỗi người bạn giao tiếp hằng ngày đều trở thành một người thầy. Những kinh nghiệm ấy nó ngấm vào từng mạch máu của bạn qua những hành trình bạn góp mặt, qua những việc bạn làm, những giây phút đổ mồ hôi sôi nước mắt theo đuổi một chương trình mặc dù chỉ là vai trò của helper (hỗ trợ sự kiện). Những tiếng reo hò cổ vũ, những nụ cười của khán giả hay kể cả những lời phàn nàn của khách hàng. tất cả những điều này là những thứ mà không có sách vở nào có thể thay thế được.
Cái “nghề” này bắt buộc bạn phải bước ra khỏi vỏ bọc mình ra, hòa nhập với vòng quay của nó mỗi ngày. Bạn phải làm, vì từ bảng vẽ làm lên sân khấu, từ sách vở ra thực tế có rất nhiều giai đoạn, đòi hỏi nhiều kỹ năng và khả năng của người sự kiện phải vững chắc mới có thể làm được tất cả. Sách vở là cần thiết nhưng thực tế mới là người thầy chỉ dạy cho ta biết đúng sai nhanh và tốt nhất.
Ảnh: Theatre stage crew
2. Làm sự kiện thì không có ngày cuối tuần.
Sự kiện thường được tổ chức vào cuối tuần, ngày lễ hay những kỳ nghỉ. Vì vậy, với vai trò là một người tổ chức “chúng ta phải đi làm” vào những ngày mà mọi người thảnh thơi và thậm chí là tăng ca vào những ngày nghỉ này.
Đi kèm với những trải nghiệm có 1-0-2 của ngành sự kiện thì các EventProfs cũng phải thường xuyên làm việc với cường độ cao và rất nhiều khó khăn. Trong suốt quá trình làm việc, người làm sự kiện ở trong tình trạng căng thẳng vì mối lo thành bại của chương trình. Họ căng thẳng theo từng nhịp thở của tất cả các tiết mục trong sự kiện. Đặc điểm chung để nhận diện một EventProfs chính là cú đêm. Để hoàn thành khối lượng công việc cho một sự kiện, bạn thường xuyên sẽ phải trải qua những đêm thức khuya ròng rã làm bạn với cà phê và đủ loại nước tăng lực. Đến gần ngày diễn ra event thì các EventProfs sẽ gấp rút chuẩn bị các hạng mục cho kịp timeline và các sự kiện đôi khi lại chồng chéo lên nhau. Những ngày này, các nhân viên sự kiện chỉ có thể ăn vội những bữa ăn qua loa, rồi lại tất bật với công việc để kịp tiến độ chương trình. Có thể thấy công việc làm sự kiện không phải dễ dàng, nó chứa đựng tất cả sự cực nhọc và rất nhiều khó khăn.
Ảnh: BC Local New
3. Không hào nhoáng như vẻ ngoài.
Thực tế thì luôn phũ phàng, nghề sự kiện luôn có rất nhiều đòi hỏi khắt khe. Nó không giống với màu hồng mà các bạn mường tượng qua các trang thông tin, trên truyền hình, hay những lời khoa trương thu nhập hàng chục triệu đồng một tháng. Các EventProfs sẽ luôn có nhiều ngày cắm cuối bên laptop để nghiên cứu trải nghiệm khách hàng, lên kế hoạch thực hiện, tính toán cho các rủi ro của một sự kiện. Các cuộc họp kéo dài bất tận với những tranh luận không ngừng, đi sớm về khuya, không kể nắng hay mưa, khảo sát địa điểm, set-up sân khấu… Họ như những chú ong thợ chăm chỉ và quay cuồng trong núi công việc hằng ngày. Tất cả điều này là để làm hài lòng khách hàng và đem về lợi ích tốt nhất cho sự kiện và ekip của mình.
Ảnh: sưu tầm
“Khi đến với công việc này bạn là người lo trước cái lo, vui sau niềm vui của khán giả”. Bạn luôn phải tất bật chuẩn bị chu đáo mọi thứ để khán giả nở nụ cười và tận hưởng từng khoảnh khắc trong sự kiện. Lấy ví dụ, khi khán giả đang hò reo vì những phần trình diễn hoành tráng trên sân khấu thì bạn phải luôn tập trung làm tốt công việc của mình và quan sát để giải quyết các tình huống bất ngờ có thể xảy đến. Rồi để đêm muộn, tấp nhanh đâu đó ăn vội một tô hủ tiếu cùng những người đồng đội sau một ngày rã rời.
Khán giả có thể tung hô một sân khấu hoành tráng, một tiết mục bùng nổ của ca sĩ, nhưng sẽ rất ít người biết đến những "nhân tố bí ẩn" làm nên thành công của một chương trình. Làm nghề sự kiện, bạn phải chấp nhận đứng trong bóng tối khuất nơi cánh gà để những nhân vật chính trên sân khấu được tỏa sáng nhất.
“Cất cái tôi để làm đại sự”, thành bại một chương trình là thành phẩm của cả tập thể gầy dựng nên. Mỗi cá nhân trong ekip tổ chức sự kiện luôn phải đảm bảo trách nhiệm của mình được hoàn thành, hỗ trợ công việc của đồng đội khi cần, tỉnh táo để lắng nghe, cân nhắc mọi quyết định vì cái chung. Thái độ tốt là điều cơ bản của một EventProfs.
Ảnh: sưu tầm
4. Nhưng sau tất cả chúng ta có “kim cương”
Nhưng sau tất cả những căng thẳng, áp lực người làm sự kiện cũng sẽ nhận được những viên kim cương quý giá.
Vì công việc này đòi hỏi bạn cần có kiến thức đa dạng nên bạn sẽ được thúc đẩy không ngừng học tập và nhận lại vốn kiến thức, hiểu biết trong nhiều lĩnh vực để giúp cho cuộc sống của chính mình.
Mỗi chuyến đi xa phần nào cũng giống những chuyến du lịch, bạn được đặt chân đến những vùng đất mới, tìm hiểu con người, cảnh vật và những đặc sản địa phương mà không cần tốn tiền lại được phát lương mang về.
“So live a life you will remember” - The Night (Avicii) đây có lẽ là một lời bài hát hợp với dân làm sự kiện. Cuộc sống của EventProfs là những hành trình phiêu lưu theo từng sự kiện. Ở mỗi sự kiện chúng ta nhận lại những trải nghiệm tuyệt vời. Đó có thể là những đêm không ngủ bên đồng đội, là những chuyến đi xa, là những con người đồng cam cộng khổ, là khoảnh khắc khán giả reo hò dưới sân khấu, là những giọt nước mắt hạnh phúc... mà bạn sẽ không bao giờ có thể quên…
Ảnh: sưu tầm
Việc được gặp gỡ và làm việc với những celebrity đối với người làm sự kiện là chuyện bình thường nhưng đâu đó ngoài kia có hàng trăm hàng ngàn người muốn được gần thần tượng của họ như bạn. Bạn được thoải mái di chuyển đến những vị trí đẹp nhất trong sự kiện để theo dõi và kiểm soát các tiết mục trình diễn. Có thể khán giả sẽ nhìn thấy bạn đang đeo đàm cầm kịch bản chỉ đạo sự kiện qua tấm barrier chắn nào đó, chẳng phải rất ngầu sao!
Ảnh: VEG
Và hơn hết, có phải rất hạnh phúc và tự hào, khi bạn nhìn thấy những nụ cười, những tiếng vỗ tay của mọi người dành cho chương trình mà bạn viết kịch bản và thực hiện. Điều này sẽ là món quà tinh thần quý giá và đặc biệt nhất chờ đón bạn khi bạn quyết tâm chạy theo đam mê trên con đường chông gai để trở thành một người làm sự kiện.
Mỹ Nguyên
Nguồn: Backstage