Trước đây, nhiều người chưa quan tâm nhiều đến thương hiệu hay nhãn hiệu và cho đến khi chất lượng hàng hóa đều giống nhau như hiện nay, các doanh nghiệp dần chú ý đầu tư xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. 

Với lĩnh vực sự kiện cũng vậy, dù các sự kiện có kéo dài hàng giờ, thì ấn tượng đầu tiên mà người tham dự nhớ về sự kiện cũng chỉ phụ thuộc vào một hoặc một vài đặc điểm nổi bật. Điều đó đòi hỏi các nhà tổ chức sự kiện cần xây dựng một thương hiệu sự kiện riêng biệt, độc đáo nhất. Vậy, thương hiệu sự kiện là gì? Xây dựng thương hiệu sự kiện như thế nào? Có khó hay không? Bài viết này phần nào sẽ giải đáp cho bạn những thắc mắc trên.

1. Thương hiệu sự kiện là gì? 


Đầu tiên, cần biết rằng, thương hiệu (brand) là một khái niệm thường được sử dụng nhiều trong lĩnh vực marketing. Trên lĩnh vực tổ chức sự kiện, thương hiệu có thể là tên sự kiện, logo, key visual, tagline hoặc slogan dùng để phân biệt các sự kiện. Thương hiệu sự kiện có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố hoặc chỉ một yếu tố (trong số các yếu tố trên) để tạo ra bản sắc thương hiệu sự kiện riêng.


Ngoài ra, thương hiệu sự kiện còn được thể hiện thông qua tập hợp cảm nhận của khán giả tham gia sự kiện về đầy đủ các khía cạnh: nội dung, tiết mục, trang trí, sự chuẩn bị, vệ sinh, sự an toàn…

Tóm lại, xây dựng thương hiệu sự kiện là một quá trình gồm nhiều bước, từ việc lên ý tưởng, nội dung cho đến thiết kế, sản xuất các hạng mục sao cho phân biệt sự kiện này với sự kiện khác, từ đó xây dựng uy tín, nét riêng biệt và sự thu hút cho sự kiện của bạn với khán giả.


2. Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu sự kiện


Hãy lấy một ví dụ về TomorrowLand - lễ hội âm nhạc điện tử lớn nhất hành tinh. Hằng năm, lễ hội được tổ chức và đầu tư rất nhiều công sức để tạo ra các kiệt tác sân khấu độc đáo theo từng chủ đề và cá tính của mỗi nghệ sĩ biểu diễn. Tuy nhiên, họ luôn giữ vững thông điệp chính theo như tên sự kiện họ đặt ra – Vùng đất tương lai. Họ vẫn cam kết theo đúng 5 vòng tròn giá trị của mình: “Trân trọng – Sức khỏe – Thiên nhiên – Trách nhiệm – Sáng tạo”.


Nguồn: 365.tomorrowland.com

Từ đó cho thấy, chưa bàn tới các tiết mục, nội dung sự kiện của bạn tuyệt vời như thế nào hay bạn cung cấp các dịch vụ cao cấp như thế nào, nếu mọi người không thể nhớ đến sự kiện của bạn, họ sẽ không thể đến ghi nhớ và tham gia sự kiện.  


3. Thiết kế sự kiện theo bộ nhận diện thương hiệu, nét đặc trưng của doanh nghiệp


Các doanh nghiệp (client) luôn muốn tổ chức các sự kiện mang lại giá trị thương hiệu lớn, do đó các nhà tổ chức sự kiện cần phải tập trung thiết kế sự kiện theo một bộ nhận diện nhất định. Việc thiết kế, trang trí sự kiện phải phù hợp với logo thương hiệu, hình ảnh thương hiệu và màu sắc thương hiệu của mỗi client. 


Khi xây dựng thương hiệu sự kiện, bạn có thể lấy biểu tượng và màu sắc của client và thêm một chút “biến tấu”, chẳng hạn như màu nền nổi bật hoặc thậm chí là phông chữ kỳ quặc. Tuy nhiên, lưu ý rằng phải cân bằng giữa khả năng nhận biết thương hiệu của client với các ý tưởng độc đáo trong sự kiện.

Các nhà tổ chức sự kiện cũng có thể cân nhắc sử dụng cùng một thiết kế logo, có lẽ với màu sắc sáng hơn và khác nhau một chút. Nếu các client có các màu mang thương hiệu đặc biệt, bạn có thể sử dụng màu này hoặc một biến thể của màu này làm chủ đề cho sự kiện của mình và kết hợp với các font chữ thú vị.

Xin nhắc lại rằng, bạn nên thiết kế đồng bộ, gắn kết giữa bộ nhận diện thương hiệu của client với sự kiện của bạn. Các nhân viên thương hiệu/marketing của client và nhà tổ chức sự kiện nên làm việc chặt chẽ để đảm bảo bộ nhận diện và thương hiệu sự kiện kết hợp hài hòa với nhau. 


4. Xây dựng thương hiệu sự kiện trên mạng xã hội


Chiến lược truyền thông trên mạng xã hội của bạn có thể dựa vào nội dung bằng văn bản hấp dẫn nhưng các hình ảnh, ấn phẩm được thiết kế chỉn chu, nổi bật mới là cách tốt nhất để quảng bá sự kiện. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải từ bỏ hoàn toàn nội dung bằng văn bản. Khi bạn đã tạo ra nội dung, hình ảnh mới lạ so với thông thường, làm tăng thêm sự ấn tượng cho sự kiện của bạn. Mạng xã hội sẽ là một “cầu nối” hoàn hảo để bạn truyền tải rộng rãi điều đó. 



Đăng nội dung trên Facebook, Instagram, Twitter, Youtube hoặc một trang web khác mà bạn sở hữu có thể gia tăng lượt tiếp cận, sự mong đợi về sự kiện, đặc biệt là khi ngày diễn ra đến gần. 

Tạo các hashtag cũng là một cách tuyệt vời để tạo “buzz” về sự kiện của bạn. Những người thích đăng ảnh và video sẽ gắn các hashtag này. Điều này cho phép họ được kết nối với những người khác đã tham dự cùng một sự kiện. Tuy nhiên, cần tinh tế thiết kế các hoạt động để khán giả tham dự sự kiện “sẵn lòng” thực hiện công việc này.

Kiểm tra xem các thẻ hashtag của bạn có phải là độc quyền hay không. Tốt hơn hết bạn nên đợi đến gần ngày diễn ra sự kiện để công bố thông tin chi tiết về hashtag để đảm bảo thẻ này vẫn là duy nhất cho sự kiện của bạn.


5. Tạo trang web sự kiện


Như đã trình bày, phương tiện truyền thông xã hội là một cách tuyệt vời để xây dựng sự hào hứng về sự kiện của bạn. Và một trang web độc đáo cũng là một phương tiện đáng lưu tâm để có một thương hiệu sự kiện tốt.

Trang web sự kiện sẽ là nơi mà tất cả các thông báo, thông tin, link đăng ký của bạn được đăng tải đầy đủ và chính xác nhất. Những người tham dự sự kiện rõ ràng cảm thấy không thoải mái khi phải sàng lọc các bài đăng trên Facebook để tìm thông tin chi tiết quan trọng về sự kiện. Nội dung truyền tải liên quan đến sự kiện có thể được đăng theo từng giai đoạn để bổ sung thêm thông tin về sự kiện và giữ sự kiện luôn thu hút được sự chú ý của khán giả.



Ngoài ra, bạn nên kết nối trang web chính thức của client, của nhà tổ chức với trang web sự kiện vì nó sẽ làm tăng lưu lượng truy cập vào trang web và tăng độ nhận biết cho thương hiệu sự kiện của bạn. 


Kết luận

Tình hình đại dịch Covid-19 đã "nguôi ngoai", khán giả đang khao khát các sự kiện được lên kế hoạch tốt. Các sự kiện cần tận dụng tốt thời gian này để mang đến những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ cho những người tham dự bằng cách tạo sự khác biệt cho thương hiệu sự kiện so với các đối thủ cạnh tranh bằng cách: 

+ Thiết kế theme sự kiện hài hòa, phù hợp với bộ nhận diện thương hiệu, đặc trưng tiêu biểu của doanh nghiệp.

+ Xây dựng thương hiệu sự kiện trên kênh truyền thông mạng xã hội thông qua các hình ảnh, nội dung đặc sắc, khác biệt.

+ Tinh tế lồng ghép hashtag vào các hoạt động check-in của người tham gia.

+ Tạo một trang web sự kiện để cung cấp các thông tin, khởi tạo sự hứng khởi và tăng mức độ nhận biết cho thương hiệu sự kiện.

Câu trả lời cho câu hỏi “Khó hay dễ để xây dựng thương hiệu sự kiện thời đại 4.0?” không có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, nắm được vài cách cơ bản và chuẩn bị một chiến lược xây dựng thương hiệu rõ ràng sẽ giúp các nhà tổ chức sự kiện định hình được sự kiện và gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Và hy vọng rằng, bài viết này sẽ giúp các bạn trong công cuộc thực hiện chiến lược ấy!

Biên tập: Hani Ng

Nguồn: Tổng hợp