Với 20 bức tranh được thực hiện trong 5 năm và được trưng bày cùng những sắc thái khác nhau, triển lãm sẽ dẫn dắt người xem từ những dự cảm đầy bất an về một độ tuổi đầy biến động, khi chúng ta chìm trong sự vô định và hoài nghi về bản thân. Mỗi bức tranh như một lời tự sự của Touliver về khoảng thời gian loay hoay đi tìm bản ngã, vượt qua những biến động để chữa lành những thương tổn. Triển lãm được diễn ra từ ngày 3.12 đến 11.12.2023 tại SunLife Flagship - De La Sol (244 Pasteur, Q.3, TP.HCM)


Bước chuyển mình mạnh mẽ



Xuất phát điểm là người làm âm nhạc, Touliver từ lâu đã biết cách truyền tải những cảm xúc, những suy nghĩ chất chứa nỗi niềm vào từng tác phẩm dưới mác “phù thủy âm nhạc”. Thế nhưng, sự ra đời của “Mid-life Crisis” đã đánh dấu bước chinh phục đầy mạnh mẽ của người nghệ sĩ để khẳng định bản thân mình.



Với người nghệ sĩ, họ đi tìm kiếm ý tưởng với nỗi lòng chất chứa, chiêm nghiệm về cuộc sống, về con người và về những giới hạn của những điều mà chúng ta có thể đạt được. Những ý tưởng đó dường như đã được thể hiện rõ ràng bằng tác phẩm trong nghệ thuật nói chung, như hội họa, âm nhạc, điện ảnh... Thế nhưng Touliver lại không muốn “đóng khung” trong hình ảnh “phù thuỷ âm nhạc” mà anh lại khao khát tìm đến hội hoạ để bứt phá giới hạn bản thân.


Sự kết hợp giữa âm nhạc và nghệ thuật



Touliver chia sẻ: “Nghệ thuật chính là hình thức giúp những mảnh vụn gắn kết lại, sinh sôi thành một thứ gì đó tươi mới hơn, sống động và đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Và tôi cố gắng thể hiện nó trong những tác phẩm của mình. Tôi muốn người xem soi chiếu nội tại để hiểu được bản ngã của mỗi con người đến từ sự tranh giành giữa mặt sáng và mặt tối, cảm tính và lý trí.”



Hội họa cũng chính là một con đường song song cùng âm nhạc giúp Touliver thỏa mãn “sự thèm khát” sáng tạo trên hành trình làm nghệ thuật. Việc đặt cọ vẽ để trò chuyện với "đứa trẻ" bên trong mình qua từng màu vẽ, từng nét gồ ghề là liệu pháp để người nghệ sĩ kiên định, bền bỉ trên con đường họ đã chọn, cùng với luồng tư duy mới, khám phá mới. 



Cả âm nhạc và hội họa đều là 2 mảng sáng chói lọi trong nghệ thuật và đối với Touliver, những cảm xúc đôi khi không thể nói ra bằng lời nhạc mà được nhào nặn bằng những lấm lem trên tấm canvas, đó là cách Touliver muốn truyền tải một thông điệp đến với thế giới: Đây là tôi.


Lời kể về từng nốt trầm khắc nghiệt



Mỗi người đều có những cách khác nhau để đối mặt với thương tổn xuất hiện trong cuộc sống, có người chọn cách đập nát, có người chọn đắm chìm vào những thứ tiêu cực để quên đi bản thân và đối với Touliver, anh chọn cách làm bạn với tranh và màu vẽ. 



Những vệt sơn chảy ồ ạt hay những bản thể đầy sắc màu được Touliver sử dụng nhằm lột tả sự khao khát muốn thoát khỏi thế giới vật chất nhân tạo để kết nối với sự sống, tìm về thiên nhiên cùng những cuộc gặp gỡ thường nhật.



Mỗi bức tranh đều như sự chiêm nghiệm của Touliver về từng khoảng thời gian anh “vật lộn” với sự giằng xé của bản thân, trải qua những nỗi đau và biến cố. Khi tất cả những điều đó đều không thể diễn tả bằng lời hay âm thanh, anh tìm đến hội họa như một cách để giải tỏa cảm xúc, để hiểu và chữa lành bản thân.



Với chất liệu nhân tạo tổng hợp như như sơn dầu, acrylic, polymer và resin, Touliver muốn tạo ra một bề mặt các cá thể sống cộng sinh vốn phản ánh thực tại của thời đại: khi con người bị bó mình bởi một thế giới vật chất song trong tiềm thức vẫn khao khát được thoát ra khỏi những hỗn ngang của cuộc sống. 


Kết luận


Lưng chừng khủng hoảng đã đánh dấu sự khao khát chinh phục nghệ thuật của Touliver. Bước tiến mới của anh là biểu tượng cho thế hệ ngày nay, khi họ không ngừng khám phá bản thân, dám phá bỏ những giới hạn và khẳng định với bản thân.


Biên tập: Diệu Linh

Nguồn: Tổng hợp