Như mở ra chiếc túi thần kỳ của chú mèo máy Doraemon, Triển lãm “Dị diện” với 8 tác phẩm đa dạng thể loại đưa bạn du hành đến một hiện thực hỗn lai - nơi thực và ảo ngày càng bện quyện với nhau, nơi trí tuệ nhân tạo phản hồi lại những băn khoăn của con người bằng vô vàn thông điệp.


Nguồn cảm hứng đến từ bộ truyện tranh quen thuộc của tuổi thơ


Triển lãm “Dị diện” thể hiện sự can thiệp của công nghệ đến với đời sống thực tại của chúng ta ở thời đại 4.0. Không gian nghệ thuật này được thực hiện bởi Trung tâm nghệ thuật The Outpost cùng Giám đốc nghệ thuật Lê Thuận Uyên.




Trong khoảng thời gian 30 năm ngắn ngủi gần đây, con người cảm thấy choáng ngợp, kinh ngạc và bất ngờ trước sự cải tiến công nghệ và công cuộc chuyển đổi số ngày càng diễn ra nhanh chóng. Chính vì vậy, triển lãm được lấy nguồn cảm hứng từ bộ truyện tranh Doraemon nổi tiếng - nơi những bảo bối thần kỳ tuy giúp ích nhiều cho cuộc sống con người nhưng cũng vô số lần mang lại rắc rối. Nếu như những chiếc bảo bối ấy có thật trong cuộc đời, vậy thì chúng sẽ tác động như thế nào đến đời sống văn hóa, xã hội ở thế kỷ 21 này? “Ý tưởng cho Dị Diện bật ra khi tôi lật lại Doraemon, bộ truyện tranh yêu thích của tôi thuở nhỏ. Trong một khoảnh khắc, tôi nhận ra có rất nhiều bảo bối tiện ích trong chiếc túi bốn chiều của chú mèo máy đến từ tương lai ấy đã trở thành những vật dụng không thể thiếu trong đời sống chúng ta. Cuộc gọi video miễn phí, những thiết bị chuyển ngữ, bản đồ cho phép bạn thấy quang cảnh đường xung quanh, robot với trí tuệ nhân tạo… tất cả đều hoá thành một phần hiện thực của chúng ta từ lúc nào” - Giám đốc Nghệ thuật Lê Thuận Uyên chia sẻ. 



Thông điệp ý nghĩa thông qua từng tác phẩm


Khác với các triển lãm số thường tìm cách trình bày những điểm gặp gỡ giữa nghệ thuật và công nghệ, Dị Diện hướng đến việc diễn giải sự hiện diện rộng rãi của công nghệ mới đang tác động đến mối quan hệ giữa người và người với thế giới xung quanh. Triển lãm không chỉ dùng hình thức trình chiếu mà còn thể hiện thông điệp thông qua âm thanh, con chữ một cách rất “công nghệ” và mang hơi thở tương lai.




Mỗi tác phẩm tại triển lãm đều được thể hiện rất ấn tượng và “dị biệt”. Dù muốn hay không, công nghệ thật sự đã trở thành một yếu tố quan trọng, góp phần định hình cuộc sống hiện đại. Qua tác phẩm của 08 nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ: Ryoji Ikeda (Nhật Bản), Kaz Watabe (Nhật Bản), Mario Klingemann (Đức), SMACK (Hà Lan), Ip Yuk-Yiu (Hong Kong), Shinseungback & Kimyonghun (Hàn Quốc), Areumnari Ee (Hàn Quốc) và Nguyễn Hoàng Giang (Việt Nam), Dị Diện mở ra những đối thoại về: 

  • Một hiện thực hỗn lai (theo đó, thế giới thực và ảo ngày càng bện quyện)
  • Ý nghĩa của dữ liệu trong thời đại của thuật toán (suy tư lại về văn bản, hình ảnh và âm thanh trong thời đại ý nghĩa được tạo ra bởi dữ liệu hóa và học máy)
  • Chủ nghĩa hậu nhân bản (nhìn nhận ý nghĩa con người trong thời đại của máy móc thông minh) 
  • Sự kết nối và cảm thông (giải nén các ý tưởng về ký ức số, tính kết nối và đối thoại). 



Và cuối cùng, nếu như lập trình và thuật toán cũng được coi như những biểu tượng đầy chất thơ thì liệu chúng ta có thể hiểu về thẩm mỹ của chúng như thế nào?




Triển lãm “Dị diện” đã đặt ra thách thức cho bản thân chúng ta rằng hãy thể hiện bản thân mình và kết nối nhiều hơn với thế giới xung quanh. Liệu con người chúng ta có quỳ gối trước công nghệ hay bị kim loại ăn mòn? Liệu Al - trí tuệ nhân tạo có thay thế được bộ não của con người hay sẽ xảy ra sai sót? Tất cả những câu hỏi trên đều được giải đáp tại triển lãm thú vị này. 




Kết luận

Khi công nghệ ngày càng trở nên siêu việt và từng bước tác động tới cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những vùng đất vốn là khoảng trời độc tôn của con người ngày càng thu nhỏ lại. Các thiết bị thông minh và không gian số đã tạo ra vô vàn giao diện tương tác khác nhau, cũng như các dòng chảy văn hoá và thẩm mỹ đa dạng. Các nghệ sĩ đã tiếp cận hiện thực này như thế nào? Hãy đến ngay Triển lãm “Dị diện” trả lời câu hỏi này nhé!


Biên tập: Đỗ Thanh

Nguồn: Tổng hợp