Công nghệ ngày nay len lỏi vào từng khía cạnh của cuộc sống, việc ứng dụng chúng ngày càng phổ biến vì tính năng dễ dàng, thuận tiện và đặc biệt là đem lại trải nghiệm cao. Đáng nói ở đây là nghệ thuật, khi các triển lãm đã tìm cách ứng dụng công nghệ một cách khéo léo để đem đến những trải nghiệm cảm xúc mới lạ, đầy đặc sắc. 


Rút ngắn khoảng cách với thời đại  


Có thể nói, trong thời đại công nghệ 4.0 các bảo tàng đã biết cách tiếp cận và ứng dụng công nghệ thực tế ảo để làm sống động các tác phẩm nghệ thuật. Điều đó không chỉ giúp công chúng có thể tiếp cận nghệ thuật dễ dàng hơn, bên cạnh đó cũng tăng trải nghiệm dành cho người tham dự.



Thực tế ảo tăng cường cho phép lồng ghép các thông tin ảo vào thế giới thực như hình ảnh, đoạn text ngắn hay âm thanh…công nghệ này sử dụng smartphone hoặc máy tính bảng để giúp người sử dụng tương tác với nội dung trong thực tại như chạm nhẹ, phủ vật thể lên trên. Do đó tính ứng dụng của AR rất cao, được các bảo tàng sử dụng nhiều trong việc thêm thông tin cho các tác phẩm. 


Khi công nghệ “hợp tác”


Với AR, các bảo tàng có thể tận dụng công nghệ này bằng nhiều cách khác nhau. Cách đơn giản nhất là khách tham quan chỉ cần thao tác quét các mục tiêu và địa điểm, họ sẽ biết đầy đủ thông tin từ lịch sử, mối quan hệ với các triều đại và đặc biệt là ý nghĩa đằng sau tác phẩm. Nội dung xây dựng những thông tin trên cũng được trình bày linh hoạt dưới dạng video tăng cường 3D kết hợp với âm thanh, thông tin thể hiện sẽ tạo ra cảm giác chân thật và hứng thú. 



Bằng cách thêm và sắp xếp các lớp thực tế tăng cường tại một số điểm dễ quan sát, bảo tàng có thể cung cấp các quyền truy cập thông tin chi tiết vào tác phẩm nghệ thuật. Những khái niệm khoa học, chi tiết đặc tả tác phẩm và các yếu tố khác sẽ được tiết lộ ở góc nhìn mở rộng, mang lại sức sống cho tác phẩm.


Để tăng hấp dẫn, triển lãm có thể thêm yếu tố giải trí và trò chơi vào. Bằng cách tích hợp một số yếu tố thực tế tăng cường vui tươi và các trò chơi hướng đến gia đình, các gia đình có thể chơi và học cùng nhau xung quanh bảo triển lãm. 



Nốt chạm giữa công nghệ và nghệ thuật


Triển lãm “Story of the Forest” được tổ chức trong bảo tàng quốc gia Singapore. Triển lãm tập hợp 69 bức tranh trong BST William Farquhar của Natural History Drawings. Những bức tranh này được chuyển thành không gian động 3 chiều mà tất cả khách tham quan đều có thể tương tác như tìm kiếm, săn lùng những loài động, thực vật trong tranh. Cảm nhận từ những cánh hoa rơi, từng ngọn cỏ sẽ giúp công chúng biết được nhiều thông tin về môi trường sống, thực đơn và những động vật quý hiếm.



Đến với bảo tàng nghệ thuật Ontario - Canada, ứng dụng ReBlink đã giúp khách tham quan có thể xem những nhân vật trong tranh như sống dậy và được xuyên không tới thế giới mới. Các bức tranh không còn tĩnh được, thay vào đó là chuyển động một cách chân thật khiến người xem phải thốt lên ngạc nhiên. 



Tại Việt Nam, lăng Tự Đức cũng có phiên bản số hóa 3D trong di tích cố đô Huế. Dự án Di sản mở ra đời năm 2018, vào Ngày di sản thế giới 18-4, cho thấy cách mà công nghệ có thể được sử dụng để bảo tồn những di sản đang xuống cấp và có nguy cơ biến mất.



Ngoài lăng Tự Đức thì chùa Diên Hiệu cũng được tái lập bình đồ mandala, bao quanh bởi hai ao vòng ao, hai vòng sân, các cầu bắc qua ao…Toàn bộ bình đồ này đã mô phỏng đồ án mandala theo đúng kinh điển Phật giáo. 



Kết luận


Có rất nhiều ứng dụng thú vị từ công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) trong không gian bảo tàng. Việc có thêm AR giúp thu hút được sự chú ý của mọi người, truyền tải thông điệp một cách dễ dàng, không khô khan. Đó là một điểm rất quan trọng trong cuộc sống hiện đại hối hả ngày nay, nên việc các bảo tàng lựa chọn tiếp thu công nghệ tiên tiến là một điều thông minh và bền vững 


Nguồn: Tổng hợp 

Biên tập: Huyền Thương