Các Event Manager (EM) đều thuộc nằm lòng quản lý ngân sách, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề linh hoạt là những kỹ năng nhất-thiết-phải-có rồi. Sự quan trọng của những kỹ năng này đã nhắc tới rất nhiều từ trong sách vở cho tới các nguồn thông tin trên mạng. Tuy nhiên, chúng ta đang ở trong thời đại 4.0, sự thay đổi diễn ra từng ngày, cho nên kỹ năng của một EM cũng sẽ có nhiều thay đổi để ứng biến kịp thời với xã hội ngày nay.



Vậy thì bên cạnh những kỹ năng phải có, mình muốn chia sẻ thêm với các bạn những kỹ năng cần có hoặc nên có để trở thành một người quản lý sự kiện chuyên nghiệp hơn trong thời đại mới nhé.


1. Kỹ năng đào tạo (Training skill)


Ngành event là một ngành yêu cầu phải có sự thích ứng và linh hoạt rất cao, cho nên đã có rất nhiều người mới đã thử sức và bỏ cuộc. Để có được nhân sự giỏi và gắn bó với công ty ngành này thật sự như đãi cát tìm vàng. Chính vì thế, một quản lý giỏi phải có óc quan sát để nắm bắt nhu cầu tại chỗ và biết được điểm mạnh và yếu của nhân viên. Điều này giúp người quản lý có thể tạo cơ hội để nhân viên phát triển điểm mạnh hoặc lập kế hoạch đào tạo để cải thiện điểm yếu của họ. 



Quản lý event thời nay không cần phải multitask (đa nhiệm) nữa mà phải tập trung vào delegation (giao phó trách nhiệm). Đặt để đúng người vào đúng vị trí không chỉ làm tăng năng suất mà còn làm tăng sự gắn bó của nhân viên với công ty. 


2. Kỹ năng tạo sự ảnh hưởng (Influencing skill)


Kỹ năng này chính là để hỗ trợ cho kỹ năng đào tạo ở trên. Ngoài việc đào tạo ra, kỹ năng tạo ảnh hưởng và truyền cảm hứng cũng là một trong những kỹ năng cần thiết của một người quản lý sự kiện. Một điều chắc chắn là khi người ta có cảm hứng làm việc thì sẽ tạo ra năng suất làm việc cao và một kết quả tốt đẹp. Phong cách làm việc, giao tiếp, kết nối của người quản lý sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới những người xung quanh. Do đó, EM không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn cách làm, làm đúng khen thưởng, làm sai phê bình, mà còn phải truyền sự đam mê, sự khao khát, lửa yêu nghề cho các nhân viên. 



Khi quản lý, các bạn hãy khoan nghĩ tới việc đào tạo xong rồi người ta sẽ bỏ đi rồi bạn sẽ vừa mất thời gian, công sức và tiền bạc. Đừng suy nghĩ như vậy mà đào tạo nửa vời, mà hãy cứ trao đi giá trị một cách hoàn thiện nhất, mình cho đi cái tâm thì người có tầm sẽ nhìn thấy. Người ở lại sẽ là người chúng ta cần. Còn nếu họ ra đi thì cũng sẽ là một nhân tốt có ích cho ngành. 


3. Kỹ năng phản biện (Critical thinking skill)


Đa số EM là những người có đầu óc khá là logic. Vì thế để rèn luyện thêm kỹ năng phản biện là không khó. Phản biện khác với tranh cãi. Phản biện là cách đặt câu hỏi, phân tích và đánh giá các lập luận trong các buổi họp, brainstorming để giúp nhân viên thể hiện khả năng nhìn nhận vấn đề và giải quyết tình huống. 



Kỹ năng này sẽ giúp bạn “soi” ra được những lỗ hổng, những vấn đề có khả năng xảy ra để có biện pháp phòng tránh phù hợp. Điều này quan trọng trong việc tổ chức sự kiện, vì cho dù bạn đã làm rất nhiều sự kiện rồi nhưng bạn không bao giờ biết được điều bất ngờ gì sẽ xảy ra ở sự kiện tiếp theo. 


4. Kỹ năng áp dụng công nghệ (Technology skill)  


Thời đại công nghệ 4.0 thì không thể nào lại bỏ qua được kỹ năng này. 10 năm trước chúng ta còn nghĩ công nghệ là yếu tố có cũng được không thì cũng chả sao, nhưng thời này mà còn giữ suy nghĩ đó thì chất lượng sự kiện của bạn sẽ tụt hậu đáng kể đó. Hãy liên tục cập nhật những giải pháp công nghệ mới và áp dụng vào sự kiện của mình để tạo nên sự khác biệt đồng thời tạo nên sự tiện dụng cho khách hàng. 



Tuy nhiên, công nghệ không chỉ để phục vụ tại sự kiện không thôi mà bạn cũng có thể áp dụng nó trong việc điều hành và đào tạo nhân viên. Tự động hóa quy trình làm việc sẽ giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian rất nhiều. 


5. Kỹ năng trực quan hoá (Visualising skill)


Đây là kỹ năng giúp bạn vẽ ra cái nhìn tương đối hoàn thiện về sản phẩm cuối cùng (sự kiện) bạn muốn thực hiện. Kỹ năng này không đòi hỏi bạn phải là người cực kỳ sáng tạo, nhưng bạn cần đặt mình vào vị trí của nhiều đối tượng cùng một lúc. Ở vị trí của người tổ chức, tôi muốn sự kiện của tôi mang đến cảm xúc như thế nào. Ở vị trí của một người tham gia, tôi mong chờ điều gì. Ở vị trí của nhà đầu tư, tôi mong chờ thấy những hành vi nào. Hình ảnh tưởng tượng của bạn càng chi tiết thì mục tiêu sẽ càng rõ ràng và đương nhiên khả năng thành công của sự kiện càng cao


Những kỹ năng này đều có thể trau dồi bằng cách bổ sung kiến thức từ sách báo, Internet, cộng đồng event và các khoá học. Bên cạnh 7749 kỹ năng lớn nhỏ khác của EM, đây chỉ là 5 kỹ năng hiện đại cần có để chúng ta có thể trở nên chuyên nghiệp hơn. Do đó, cũng không quá bất ngờ gì mấy khi sự kiện nằm trong top 5 những công việc stress nhất, đúng không các bạn? Năm kỹ năng trên là mình đúc kết được qua những buổi giao lưu với cộng đồng event, từ kinh nghiệm bản thân và các nguồn thông tin khác. Mong là các bạn thấy hữu ích. 


By #M.E.L