Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại luôn mang đến những trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng, từ đó làm nổi bật hình ảnh thương hiệu/ sản phẩm luôn là điều mà các công ty tổ chức sự kiện hướng đến. Qua đó, nhãn hàng sẽ ghi được dấu ấn sâu sắc trong lòng của khách tham dự.


Vì thế, các đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp không ngừng cập nhật xu hướng thời đại bắt kịp trào lưu để không bị tụt hậu trong môi trường năng động và cạnh tranh khốc liệt. Sau đây hãy cùng điểm lại một số công nghệ trình diễn hiện đại ngày nay.

 

1. Hệ thống đèn Kinetic


Kinetic Lighting System – Hệ thống hiệu ứng ánh sáng động học là một ý tưởng sự kết hợp giữa nghệ thuật chiếu sáng với công nghệ chuyển động cơ khí (Kinetic Energy). Mỗi vật chiếu sáng (Light Fixture) kết nối với một tời điện (Winch) được lắp đặt trên giàn truss kéo lên trần cao. Toàn bộ hệ thống này được thiết lập bằng phần mềm và điều khiển bằng thiết bị chuyên dụng, bao gồm việc di chuyển các bóng đèn (hoặc vật thể bất kỳ) lên xuống tạo hình khối, đồng thời thay đổi trạng thái, màu sắc của các bóng đèn đồng bộ theo âm nhạc. Qua đó, tăng thêm trải nghiệm thị giác, nâng cao cảm xúc cho người xem.

Có nhiều kiểu light fixture và winch khác nhau


Những bóng đèn LED được lập trình chuyển động như gợn sóng, nhịp nhàng theo giai điệu âm nhạc tạo nên hiệu ứng thị giác mê hoặc lòng người.



Video tham khảo cách sử dụng phần mềm thiết lập và điều khiển kinetic lighting system


Những hiệu quả của hệ thống kinetic trong sự kiện:


  • Tăng cường hiệu ứng vào không gian biểu diễn nghệ thuật khiến cho tác phẩm nghệ thuật trở nên sống động hơn


Dưới đây là 2 tác phẩm thuộc dự án Apologue 2047 được chỉ đạo bởi đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Trương Nghệ Mưu. Apologue 2047 là một màn trình diễn khái niệm gồm bảy phần khám phá tương lai của khoa học, công nghệ và mối liên hệ của nó với di sản nghệ thuật văn hoá Trung Quốc.



Kinetic với bóng LED tròn



Kinetic cùng màn LED tam giác


  • Có thể thay đổi vật thể/ hình dạng bất kỳ để phù hợp với concept/ thương hiệu và mong muốn của nhà tổ chức



Kinetic với đèn LED dạng ống



Kinetic với đèn OLED

 

 

2. 3D Mapping


3D Mapping là kỹ thuật dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt mà nó tiếp xúc, nhằm tạo các khối hình ảnh tương tác trong không gian 3 chiều. Có thể hiểu, 3D Mapping là sự kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim. Kỹ thuật làm 3D Mapping sẽ dựng một mô hình có tỷ lệ với kích thước giống hoàn toàn so với vật thể thật. Sau đó, từ mô hình trên máy tính, kỹ thuật viên sẽ tạo các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng 3D để trình chiếu cho người xem.


3D Mapping rất phổ biến trong thực tế vì nó là một công cụ trình chiếu video trong các sự kiện. Về bản chất, nó giống như khắc hoạ bằng ánh sáng – một cách để thêm hoạ tiết, màu sắc và thậm chí là cảm xúc vào không gian. Bạn thực sự có thể trình chiếu bất cứ điều gì – từ thương hiệu tài trợ cho đến video tường thuật theo phong cách điện ảnh.



Những hiệu quả của hệ thống 3D Mapping trong sự kiện:


  • Gây hứng thú cho người tham dự nhờ những trải nghiệm nâng cao
  • Tạo nên những yếu tố có tính tương tác
  • Để lại dấu ấn cho sự kiện
  • Sự kiện được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội
  • Tạo ra ROI (tỷ lệ chuyển đổi) ấn tượng về mặt quảng bá thương hiệu



Buổi trình diễn 3D Mapping ra mắt Heineken Silver tại Dinh Độc Lập 

 Lines A/V Architectural Mapping Performance


3. Hologram


Múa tương tác Hologram là một trong những Key Moment “đắt giá” trong những năm gần đây. Với công nghệ chiếu Hologram 3D, nghệ thuật này được nâng lên một tầm cao mới. Với máy chiếu công suất lớn và một tấm nền (màn lưới) cùng visual kỹ xảo được dựng đẹp mắt, kết hợp giữa ánh sáng, âm thanh, phần thể hiện của nghệ sĩ múa sẽ trở nên lung linh và kỳ ảo hơn, tạo cho không gian chiều sâu đẹp mắt.




Interactive holographic performance for James Arthur at Britain’s Got Talent


Cơ cấu vận hành của công nghệ Hologram như sau:


Người ta thường dùng máy chiếu HD chất lượng cao (HD Projector) và máy tạo nền (Base Unit), được bố trí ở một vị trí kín đáo. Hình ảnh từ laptop khi được phát qua máy chiếu sẽ chiếu thẳng về hướng khán giả, khi nó đi qua tấm nền sẽ hiển thị trước mắt người xem như thể đang lơ lửng trong không khí. Vì đây là hình ảnh ảo được tạo bởi máy chiếu, nên nó trong suốt và bạn có thể đi xuyên qua được.


Để thực hiện một phần trình diễn múa tương tác Hologram thành công, đòi hỏi ekip cũng như toàn đội ngũ có kinh nghiệm trong việc xây dựng hình ảnh, tiết mục múa tương tác và quá trình tập luyện chăm chỉ:

  • Thiết kế xây dựng ý tưởng cho màn biểu diễn múa tương tác, cần hiểu rõ ý muốn truyền tải những nội dung sẽ giúp bạn xây dựng được ý tưởng phù hợp
  • Tiến hành biên đạo múa trên nền nhạc đã được lựa chọn phù hợp
  • Tiến hành làm kỹ xảo, hiệu ứng và làm âm thanh hiệu ứng
  • Thực hiện bàn giao clip múa tương tác cho khách hàng, đồng thời nghệ sĩ múa sẽ tập trên clip đã được biên đạo dàn dựng


Tuỳ thuộc vào từng yêu cầu của dự án mà quy trình sản xuất phim múa tương tác Hologram có thể khác nhau.



Phần trình diễn múa tương tác tác Hologram cho màn ra mắt xe BMW X6


4. Công nghệ màn nước kỹ thuật số


Digital Water Curtain – DWC (Tạm dịch: Màn nước điều khiển kỹ thuật số) là công nghệ sử dụng máy tính để điều khiển “máy in bằng nước – Waterfall Graphic Print” tạo ra các hình hoạ, pattern hay chữ trên một thác nước, bằng cách điều khiển các van điện từ đóng mở nhanh. Bằng việc điều khiển các van này, thiết bị sẽ tạo ra các giọt nước giống như các điểm ảnh, thành các hình ảnh đặc biệt liên tục được cuộn xuống dưới.


Thiết kế cơ bản của hệ thống màn nước kỹ thuật số


Một hệ thống DWC cơ bản bao gồm các thành phần sau (dựa trên thiết kế của hãng Safe-Rain):


Sơ đồ hệ thống Digital Water Curtain


  • Khung đỡ: Khung đỡ này có nhiệm vụ đưa module phân phối nước lên độ cao mong muốn.


  • Thùng chứa nước và máy bơm chìm: Thùng chứa nước bằng thép và một máy bơm có khả năng đảm bảo cung cấp dòng nước với áp lực cần thiết cho module phân phối nước. Trong giới hạn cho phép, nước được phun ra càng mạnh thì độ phân giải của các ký tự càng cao. Và để xử lý vấn đề áp lực nước, một bảng điện tử được trang bị với một bộ biến tần dùng để điều khiển máy bơm. Qua đó, lưu lượng dòng chảy được điều chỉnh một cách dễ dàng, từ đó các ký tự cũng sẽ được tạo ra một cách rõ ràng nhất.


  • Ống dẫn nước: Phần này bao gồm tất cả các ống dẫn nước cần thiết để kết nối bơm cùng với module phân phối nước, bao gồm 2 hệ thống ống chính là hệ thống ống cung cấp nước và hệ thống ống thu hồi nước – với mục đích tránh cho áp lực nước tăng lên quá cao tại cụm van phân phối, khi tất các van tại vòi phun đóng.


  • Module phân phối nước: Là thành phần chính của toàn bộ hệ thống. Đây là một hệ thống van phân phối, một phần ống vuông được khoan lỗ với số lượng 32 lỗ trên mỗi mét dài. Và tại mỗi lỗ sẽ có một van điện từ cùng một béc phun tương ứng. Những van điện từ này có thời gian phản ứng nhanh tương ứng với tín hiệu điện điều khiển.


  • Hệ thống bảo vệ và bảng điều khiển: Trong đó tất cả các thành phần, thiết bị đều có các trang bị đi kèm nhằm đảm bảo an toàn khi lắp đặt. Bảng điều khiển này cũng bao gồm bộ biến tần cho máy bơm. Thêm vào đó, tất cả các hệ thống khi hoàn tất sẽ đi kèm một panel, tích hợp máy tính và được cài đặt phần mềm điều khiển, trực quan và dễ sử dụng.


Những ứng dụng của hệ thống màn nước kỹ thuật số trong sự kiện:



Ra mắt sản phẩm dưỡng da cao cấp Artistry Hydra V

 


Màn biểu diễn của Dima Bilan tại MUZ-TV Awards


5. Công nghệ thực tế ảo mở rộng (XR)


Thực tế ảo mở rộng (Extended Reality) đề cập đến tất cả các môi trường kết hợp giữa thực và ảo, cùng với các tương tác giữa người và máy, được tạo ra bởi công nghệ máy tính và các loại kính thực tế ảo.


Thực tế ảo mở rộng bao gồm tất cả các loại hình thực tế ảo như: Thực tế tăng cường (AR), Thực tế ảo (VR), Thực tế hỗn hợp (MR). Nó đề cập đến công nghệ IT đan xen giữa thực tế và thực tế ảo (không gian game, video CG) thông qua máy tính, headphone… Các kỹ thuật như SR, AVR cũng có thể làm được điều này và XR chính là cách gọi chung cho những kỹ thuật như vậy. Nói cách khác, bạn có thể hiểu XR là một chiếc ô chứa cả ba hình thức thực tế ảo kia. 


 

Thực tế ảo mở rộng chỉ tất cả các môi trường có yếu tố ảo


Thực tế ảo mở rộng (Extended Reality) cho phép mọi người trải nghiệm thực tế ảo với các cấp độ tương tác khác nhau, chia thực tế ảo tăng cường thành các phần nhỏ, kết hợp thực tế và thực tế ảo để tạo ra các trải nghiệm như:


  • Nhập vai: Với trải nghiệm này, người tham gia hoàn toàn đắm chìm vào một không gian 3D và trải nghiệm cảm giác trong không gian đó thay vì xem trên màn hình 2D thông thường.


  • Thay đổi cảm xúc: Trải nghiệm đối với môi trường thực tế ảo kết nối với bộ não và gây ra tác động biến đổi mạnh mẽ về thể chất và cảm xúc.


  • Cơ hội trải nghiệm: Những trải nghiệm trong môi trường thực tế ảo giúp con người vượt qua giới hạn thể chất của bản thân để đạt được điều không thể, hoặc không thể tưởng tượng được.



Phần giới thiệu sản phẩm ứng dụng công nghệ XR


Để góp phần làm nên một phần sự kiện hoành tráng để lại trải nghiệm tuyệt vời cho người tham dự, cũng như giúp nhãn hàng ghi dấu ấn trong lòng quan khách, các nhà tổ chức sự kiện luôn mong muốn áp dụng những công nghệ ấn tượng. Với bài viết tổng hợp một số công nghệ trình diễn sân khấu trên đây, hy vọng sẽ giúp các nhà tổ chức sự kiện sáng tạo nên những phần trình diễn đặc biệt đầy lôi cuốn.


Nguồn: Brands VietNam - VEG