Thời trang là tự do, nhưng không phải lúc nào điều đó cũng đúng, đôi khi, một loại trang phục cụ thể sẽ góp phần tạo nên sự thành công của sự kiện, đó là cách mà Dress Code xuất hiện trong sự kiện.


Dress Code là gì?


Dress Code có thể hiểu đơn giản là quy tắc trang phục. Quy tắc này xuất hiện trong sự kiện nhằm yêu cầu những người tham gia sẽ ăn mặc tuân theo nó, tùy từng tập thể người trong những sự kiện khác nhau sẽ có những Dress Code riêng biệt phù hợp với vai trò và bầu không khí. 



Vì sao cần có Dress Code trong các sự kiện?


Định hướng theo vai trò trong sự kiện


Một sự kiện sẽ bao gồm nhiều thành phần như Ban Tổ chức, PG, khách mời, MC, ca sĩ, …Cũng vì thế từng “nhóm” sẽ có những vai trò và vị trí khác nhau trong sự kiện, việc có Dress Code rõ ràng cũng phần nào giúp họ phân biệt được lẫn nhau. Khách mời sẽ không thể thấy thoải mái khi không biết ai là Ban Tổ chức để giao tiếp mỗi khi xảy ra vấn đề đúng không nào?


Đảm bảo tính nhất quán để góp phần tạo không khí của sự kiện


Mỗi sự kiện được thiết kế và tổ chức cho những mục đích và chủ đề riêng biệt, và thật tuyệt vời nếu các thành phần tham gia đều mang những trang phục “vừa khít” với mong muốn của Ban Tổ chức, đây chính là lớp móng vững chắc giúp mọi thứ cộng hưởng với nhau và tạo nên một bầu không khí như dự định khi bắt đầu lên kế hoạch cho sự kiện.


Giúp người tham gia định hình được trong việc lựa chọn trang phục


Đã bao giờ bạn phải lục tung tủ đồ ngay ngắn của mình, dạo khắp “con đường tơ lụa” Nguyễn Trãi hay hiện đại hơn thì dành hàng giờ để lướt các sàn thuơng mại điện tử chỉ vì được mời đến một buổi tiệc không hề có thông báo gì về chủ đề trang phục chưa? Những lúc như thế thì bật một bài nhạc của Lộn Xộn Band hay ngâm nga câu hát “Phải mặc gì đây” chính là việc cấp thiết. 


Một sự kiện chuyên nghiệp sẽ luôn thông báo đến khách mời và các thành phần tham dự khác Dress Code của sự kiện để họ có thể xuất hiện với hình ảnh chỉn chu và phù hợp nhất.


Tạo tính gắn kết trong các cuộc trò chuyện của người tham gia


Phải đồng ý một điều rằng, thời trang là một trong những chủ đề trò chuyện thú vị của các sự kiện, từ một Dress Code, người ta có hàng ngàn cách sáng tạo khác nhau để cho ra một outfit phù hợp. Dĩ nhiên chẳng ai thích “đụng hàng” ở sự kiện đâu, nhưng một điểm chung nhỏ giữa các trang phục chính là đòn bẩy giúp con người xích lại gần nhau hơn đó!



Hãy cùng tham khảo một vài Dress Code thông dụng hiện nay nhé!


Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các kiểu Dress Code thường thấy trên google, nhưng bây giờ hãy cùng mình có một góc nhìn khác hơn về phân loại Dress Code nhé.


Dress Code “thông dụng” cho Ban Tổ chức sự kiện


“Cây đen” chính là một từ đúng để miêu tả Dress Code của Ekip chương trình. Sở dĩ Dress Code của các đội ngũ tổ chức sự kiện đều có tone màu tối để họ có thể dễ dàng “tàng hình” và tập trung vào công việc của mình. Việc Ban Tổ chức phải phân bổ ở nhiều vị trí để theo dõi tiến độ, việc sử dụng Dress Code tối màu và thoải mái giúp họ ẩn mình tốt mà vẫn không ảnh hưởng đến sự tập trung của khán giả vào nội dung chính.


(Nguồn: Vietnam Event Group)


Dress Code theo màu sắc


Đối với những sự kiện sử dụng màu sắc để thể hiện tinh thần chủ đạo thì nghiễm nhiên Dress Code cũng sẽ là một màu sắc liên quan đến buổi tiệc. Thông thường sẽ có nhiều nhất 3 đến 4 tone màu được gợi ý cho trang phục, thế nhưng chừng đó đã đủ để chắp cánh sáng tạo cho những outfit muốn thanh lịch có thanh lịch, muốn độc đáo có độc đáo.


(Nguồn: Aquafina Vietnam International Fashion Week 2016 và 2017)


Dress Code theo chủ đề đặc biệt


Dạo gần đây có rất nhiều sự kiện có những concept đặc biệt như thần thoại, hóa trang, thiên nhiên, quay ngược thời gian với thời kì phục hưng hoặc thập niên 90. Đa số các sự kiện có Dress Code này là đám cưới, tiệc cuối năm hoặc prom night. Thật tình mà nói, mình khá hứng thú với kiểu này, tuy độ khó về vấn đề chuẩn bị trang phục tăng lên đáng kể, nhưng nó càng khiến cá tính của mỗi cá nhân được thể hiện rõ hơn qua những gì họ mặc.


Dưới đây là Dress Code của Met Gala 2022 với chủ đề ‘In America: An Anthology of Fashion’. Dess Code yêu cầu những người tham dự tái hiện lại sự hưng thịnh trong thời kì vàng son của New York, giai đoạn từ năm 1870 đến 1890.


(Nguồn: Met Gala 2022)


Các Dress Code thường thấy


Evening Dress: Đây là quy tắc trang phục cổ điển cho những dịp trang trọng. Một bộ vest hay áo khoác dạ, đầm dài hoặc những thứ tương tự sẽ phù hợp với các sự kiện đặc biệt.


White tie: Một quy tắc ăn mặc cực kỳ trang trọng, chỉ được sử dụng trong những dịp rất đặc biệt hoặc nghi lễ. Các quý cô sẽ mặc một chiếc váy dạ tiệc dài với găng tay dài, trong khi quý ông sẽ mặc một chiếc áo khoác dạ với áo sơ mi trắng và một chiếc nơ trắng.


Black tie: Dress Code này cho phép phụ nữ lựa chọn giữa đầm dạ tiệc và đầm dạ hội dài, trong khi nam giới bắt buộc phải mặc áo khoác dạ đen với áo sơ mi trắng.


Cocktail: Một quy tắc ăn mặc thời trang đòi hỏi quần áo hợp thời trang. Phụ nữ sẽ chọn trang phục có thiết kế cầu kỳ, toát lên sự đẳng cấp và nữ tính, trong khi nam giới sẽ chọn bộ vest tối màu.



Lời kết


Quy tắc sinh ra để được tuân theo, bạn nên thể hiện rõ quy tắc trang phục trong thư mời của mình. Điều này giúp khách mời cảm thấy thoải mái, họ biết những gì bạn mong đợi và nó loại bỏ nguy cơ họ đến nơi với trang phục không phù hợp.


Nhưng không vì thế mà khiến Dress Code trở nên rập khuôn và cứng nhắc, khi bắt đầu suy nghĩ đến Dress Code cho sự kiện, hãy đảm bảo rằng phần lớn người tham dự sẵn sàng đầu tư cho trang phục của mình để tránh tạo ra một chiếc ngưỡng khiến họ ngần ngại và quyết định không tham gia nhé!



Biên tập: Phan Minh Thư

Nguồn: https://www.eventplanner.net/news/4338_tip-which-dress-code-at-your-event.html