Không thể phủ nhận sự hữu ích của TikTok với vai trò là bệ phóng đối với những nghệ sĩ trẻ. Song, đã đến lúc khán giả cần có đánh giá công tâm và thẳng thắn nhìn nhận sự thật rằng chính sự một màu từ “công thức” cấu thành nên những bản hit trên TikTok đang dần “bóp chết” nền công nghiệp âm nhạc.


Từ Tây…

TikTok đã góp phần đưa nhiều tên tuổi nghệ sĩ đến với khán giả đại chúng, nhưng có lẽ, phải bắt đầu từ sự viral của ca khúc “Drivers License” trên TikTok nhờ đó đưa tên tuổi của Olivia Rodrigo trở thành một trong những gương mặt nghệ sĩ âm nhạc gen Z thành công nhất về mặt hàn lâm (với 3 giải Grammy) và thương mại năm 2021, người ta mới nhận ra sức mạnh đáng gớm của nền tảng mạng xã hội chia sẻ video này đặc biệt là với những nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, cũng từ đây, muôn vàn những ca khúc của những nghệ sĩ trẻ ra đời với những ngôn từ ngây ngô đến kì quặc cùng những giai điệu “na ná” nhau và sử dụng cùng một công thức. Điểm chung tiếp theo của những ca khúc này là luôn được giới thiệu với dòng caption chứa những nội dung dễ tạo sự đồng cảm (ví dụ: Đây là bài hát dành cho những ai từng bị “cắm sừng”, hay “Tôi đã sáng tác một bài hát cho những người từng rơi vào lưới tình với trap boy”), kèm theo một đường link dẫn đến trang pre-save (tạm dịch: lưu trước) bài hát với lời nhắn “hãng đĩa nói nếu bài hát này đạt đủ số lượng pre-save, bài hát này sẽ được phát hành”. 



Đáng chú ý nhất trong thời điểm vừa qua phải kể đến bản hit “abcdfu” của Gayle (peak no.24 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100) hay “twinkle twinkie little B*tch” của Leah Kate. Điểm chung của 2 bản hit này đều là những ca từ vô nghĩa sáo rỗng và sử dụng sample là những giai điệu của những bài hát dành cho trẻ em. Ăn theo từ sự viral của những ca khúc này đã có những bài hát với nội dung tựa tựa nhau ra đời như “10 things I hate about you” hay “temporary funeral”.



Mặt khác, cũng chính nhờ áp lực “phải” viral trên TikTok, nhiều nghệ sĩ chân chính đang bị hãng đĩa bắt phải quảng bá và “có một khoảnh khắc viral trên TikTok” mới được phát hành ca khúc mới. Gần đây, Halsey, nữ ca sĩ nổi tiếng với những ca khúc hit như “Without Me” hay “Him and I” đã chia sẻ về việc hãng đĩa chèn ép và gây khó dễ không cho phép phát hành nhạc mới vì chưa tạo trend trên TikTok.



Cụ thể Halsey chia sẻ: "Tôi đã hoàn thành xong ca khúc mới, thậm chí đã quay xong MV nhưng hãng đĩa chỉ cho phát hành khi viral trên TikTok. Tôi đã cống hiến cho nghệ thuật suốt 8 năm trời, đã bán được hơn 165 triệu album. Rồi cũng thương mại hoá hết. Họ bắt ép các nghệ sĩ ngày nay phải làm điều này. Tôi chỉ muốn ra nhạc thôi, tôi biết mình xứng đáng hơn thế này. Tôi đã quá mệt mỏi rồi". (theo Kênh 14)


Những chia sẻ này của cô đã một lần nữa dấy lên những nghi ngại của khán giả về những ảnh hưởng tiêu cực của TikTok lên ngành công nghiệp thu âm.


…đến Ta


Không chỉ nền âm nhạc phương Tây gặp những ảnh hưởng tiêu cực từ TikTok, ngay tại chính Việt Nam, nền âm nhạc của nước ta cũng đang chịu sự ảnh hưởng không mấy tốt đẹp từ việc chạy theo trend trên nền tảng mạng xã hội với 1 tỷ người dùng hàng tháng này. Lướt TikTik một hồi, không khó để bắt gặp những phiên bản remix thêm nhạc Vinahouse speed up (méo tiếng tăng tốc độ) từ những bài hát gốc (là những phiên bản chậm hơn) của những ca sĩ nổi tiếng như Erik, Đông Nhi, Hoàng Thuỳ Linh,..

Theo thống kê, trong danh sách top 10 ca khúc nhạc Việt được sử dụng nhiều nhất trên nền tảng TikTok năm 2021 thì có đến 7 bài là remix. Các ca khúc khác dù không phải remix nhưng cũng được phối theo các dòng nhạc dance-pop, EDM trẻ trung và sôi động. (theo Kênh 14)



Có thể thấy, chính sự yêu thích của khán giả đối với những bản remix này phần nào đã có một tác động lớn đến cách những nghệ sĩ phát hành và quảng bá sản phẩm. Tất cả đều muốn có được 15 giây vàng với những vũ đạo “na ná” nhau trên nền nhạc xập xình, tạo nên một công thức “Mì ăn liền”. Dù có là những bản ballad da diết như “Yêu Đương Khó Quá Thì Chạy Về Khóc Với Anh” hay “Sau Lưng Anh Có Ai Kìa”, đến những bản EDM Pop với phần nhạc được produce kỹ lưỡng từ nhà sản xuất như “Đôi Môi Em Đang U Sầu” hay “See Tình”, tất cả đều có một phiên bản remix speed-up để vừa vặn với công thức viral tạo xu hướng.

Thêm vào đó, các bản remix là đang góp phần vào đập tan những ấn tượng của khán giả về bản phối ban đầu và những công thức hòa âm phối khí của nhà sản xuất. Tất cả những gì còn đọng lại trong tâm trí người nghe là một bản nhạc Vinahouse kém sáng tạo và hao hao từa tựa nhau.


Tạm Kết


Không thể phủ nhận, TikTok có một vai trò rất lớn trong việc hồi sinh và đem lại sức sống cho những ca khúc vốn dĩ đã phát hành từ lâu nhưng lại chưa nhận được sự chú ý từ khán giả. Đồng thời ứng dụng này thật đáng kinh ngạc khi giúp các nghệ sĩ tiếp cận người nghe và người theo dõi mới. Điều này thực sự tuyệt vời khi chúng ta được chứng kiến sự phát triển của những nghệ sĩ được nâng bước hỗ trợ thừ nền tảng này và chính bản thân người viết cũng không muốn điều này bị thay đổi. Tuy nhiên, đã đến lúc người nghệ sĩ và người nghe cần nghiêm túc nhìn nhận những hệ luỵ không thể tránh khỏi từ những “công thức viral mì ăn liền” dẫn đến sự “thoi thóp” của sự sáng tạo trong âm nhạc.


Ý kiến của bạn thì sao, bạn có đang “bội thực” bởi những bản hit TikTok không?


Nguồn: Maddy Huỳnh