Triển lãm “Thủy triều cảm” xúc là sự kiện trưng bày đầu tiên của nghệ sĩ Chiharu Shiota tại Việt Nam. Triển lãm bao gồm các tác phẩm được thực hiện dành riêng cho không gian VCCA, như một lời phản hồi đối với kiến trúc độc đáo, thi vị nơi đây. Sự độc đáo của triển lãm đến từ không gian rộng lớn với mạng lưới chỉ đỏ kết nối những con thuyền cũ mang đầy tính lịch sử và chất chứa các câu chuyện. Triển lãm được diễn ra từ ngày 4/10/2023 đến ngày 30/3/2024, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA).


Chiharu Shiota, một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới về nghệ thuật ý niệm


Chiharu Shiota (sinh năm 1972) là nghệ sĩ đương đại người Nhật Bản, sinh sống và làm việc tại Berlin, Đức. Shioda hiện là một trong những nghệ sĩ đương đại tài năng và thành công nhất trên thế giới, tác phẩm của bà đã được trưng bày ở nhiều bảo tàng và triển lãm uy tín trong khu vực. Hoạt động nghệ thuật của Shiota kết hợp nhiều khía cạnh khác nhau của nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. 



Bà nổi tiếng với những tác phẩm sắp đặt quy mô lớn, trong đó hàng trăm nghìn sợi chỉ đỏ được sắp xếp một cách tỉ mỉ và khéo léo, thường chiếm trọn cả căn phòng. Mạng lưới này được kết nối với những đồ vật hữu hình, hàng ngày được thu thập trên khắp thế giới, chẳng hạn như chìa khóa, cửa sổ, quần áo, giày dép, thuyền và vali, đồng thời kết nối chúng ta với mối liên hệ giữa vạn vật, sự đan xen khó lường của số phận và ký ức, ý nghĩa của những ký ức được lưu trữ trong mỗi trái tim con người.



Điều khiến mỗi tác phẩm sắp đặt của Chiharu Shiota trở nên đặc biệt chính là tiếng nói của ký ức, chiều hướng cảm xúc ẩn sâu trong từng chi tiết. Người nghệ sĩ đã hai lần mất mạng vì căn bệnh ung thư, vì thế mà bà cảm nhận được rõ lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, từ đó bà tái hiện điều này trong các tác phẩm hội họa, sắp đặt, trình diễn. 


Sợi chỉ đỏ kết nối con người, tâm hồn và cảm xúc


Nhận lời của VCCA, Chiharu Shiota đã sắp xếp đến Việt Nam vào năm 2019 để thực hiện tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn văn hóa Việt. Những chiếc thuyền đã qua sử dụng ở các làng chài ven biển được đưa về trong không gian rộng lớn hàng nghìn mét vuông của VCCA để phục vụ cho tác phẩm. Từ đây, Chiharu Shiota khoảng 10 tình nguyện viên đã cùng "dệt" chỉ để tạo nên tác phẩm nghệ thuật đặc biệt. Cảm xúc được thể hiện qua những sợi chỉ đỏ được dệt từ lòng thuyền, lấp đầy không gian và tạo thành một mái vòm lớn. Không chỉ thuyền, chất liệu sợi len này cũng được các làng nghề địa phương sản xuất với yêu cầu nghiêm ngặt về độ đồng đều về màu sắc.



Theo lý giải của Chiharu Shiota, chiếc thuyền gỗ là vật dụng rất quen thuộc với người Việt, không chỉ chuyên chở hàng hóa, con người mà còn “chuyên chở cả nền văn hóa”, là nhân chứng của thời gian. Còn sợi chỉ đỏ mang ý nghĩa tượng trưng cho những mạch máu trong cơ thể, những cảm xúc ẩn sâu trong ký ức, kết nối giữa con người với con người, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hạnh phúc và mất mát.  



Những sợi len màu đỏ này gắn liền với các tác phẩm nghệ thuật ý niệm, gắn liền với trải nghiệm cá nhân của người nghệ sĩ. Đôi khi, nó dường như là câu chuyện về Chiharu Shiota, khi bà đã vượt qua sự mất mát của đứa con do thai lưu và cái chết của cha cô chỉ ba tháng sau đó.



“Những biến cố trong cuộc đời đã khiến tôi nhận ra rằng tôi muốn nắm giữ trong tay chiếc chìa khóa để níu kéo những gì thuộc về mình. Đó là lý do tôi đã sưu tầm 180.000 chiếc chìa khóa và được kết nối bởi những sợi chỉ đỏ cho triển lãm trước đây tại Venice, Italy”, nghệ sĩ Chiharu Shiota chia sẻ về khởi nguồn của chất liệu đặc trưng trong các tác phẩm của mình. 


Không gian nghệ thuật độc đáo


Trong khi các cuộc triển lãm thường bao gồm việc treo các tác phẩm trên tường hoặc sử dụng công nghệ hiện đại để giới thiệu chúng với người xem thì “Thủy triều cảm xúc” là một chuỗi tác phẩm hoàn toàn độc đáo. Bằng nghệ thuật sắp đặt, tác giả đã sử dụng mạng lưới những sợi chỉ đỏ nối liền nhau trên một chiếc thuyền cũ. Điều độc đáo ở triển lãm này là toàn bộ không gian rộng lớn được kết nối bằng sợi dây chung này và không bị tách rời. Đây cũng là nét tiêu biểu trong hoạt động nghệ thuật cá nhân của Chiharu Shiota.



Đến với không gian triển lãm, người xem không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những vật dụng cũ kỹ, quen thuộc với người Việt Nam được sắp đặt với nhiều ý tưởng. Dưới bàn tay ma thuật của người nghệ sĩ, “Thủy triều cảm xúc” đã mang đến một cảm giác hoàn toàn khác lạ, giống như bước vào một mạng nhện khổng lồ, hang động kỳ bí hay thậm chí là ẩn dưới những cơn sóng biển. 



Kết luận 


“Thủy triều cảm xúc” là cơ hội để công chúng yêu nghệ thuật tại Việt Nam được tiếp xúc với những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ đương đại hàng đầu thế giới. Triển lãm hứa hẹn sẽ thổi làn gió mới với những hình ảnh và cảm xúc “bồng bềnh”, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và trải nghiệm nghệ thuật của khán giả. 


Biên tập: Diệu Linh

Nguồn: Tổng hợp