Hiện tại Việt Nam đã trải qua những bước phát triển hiện đại trong thời kỳ công nghệ hóa 4.0 nhưng bản chất người Việt Nam vẫn chú trọng về truyền thống văn hóa, với hàng nghìn ngôi chùa và đền thờ Phật giáo cũng như các vị thần thánh và nhân vật lịch sử mang niềm tự hào dân tộc còn có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng thế giới trải dọc khắp đất nước. Hằng năm để kỷ niệm các dịp này đều được tổ chức thành các lễ hội vô cùng lớn và lộng lẫy, thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách quốc tế đến tham dự. Và đối với ngành Event mỗi mùa lễ hội chính là mỗi mùa nhiệt huyết và bận rộn. Cùng tham quan về 10 lễ hội nổi tiếng nhất của Việt nam trong mắt bạn bè quốc tế ngay sau đây nhé!


Nguồn: VnExpress

1. Tết Nguyên Đán


Tết Nguyên Đán hay còn gọi là tết âm lịch, là lễ hội chính thống của dân tộc Việt Nam. Tết bắt đầu từ ngày 1/1 âm lịch hàng năm. Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả,Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ gọi đơn giản là Tết). Đây là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam, cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á. Trước ngày Tết, người Việt có các phong tục như "cúng Táo Quân" (23 tháng chạp âm lịch) và "cúng Tất Niên" (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch). Vào những ngày cuối năm, nhà nhà cùng đi sắm đào và quất ở miền Bắc, miền Trung hay mai ở Miền Nam. Đây được coi là sự chuẩn bị không thể thiếu trong những ngày giáp Tết.


Những ngày này mọi người trên cả nước đều nghỉ ngơi, đi thăm gia đình, dòng họ, bạn bè... đi chùa hay nhà thờ cầu bình an, hái lộc đầu năm. Đây là dịp để mọi người trong gia đình sum họp bên nhau sau những năm tháng làm lụng vất vả, xa quê hương kiếm sống.


Ngành Sự kiện trong khoảng thời gian giao thoa này là vô cùng nhộn nhịp với hàng loạt các sự kiện, lễ hội lớn nhỏ trong suốt dịp lễ.



2. Hội Lim


Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, là lễ hội lớn của vùng, thể hiện một cách sâu nhất văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc. Tại lễ hội Lim bạn có thể thưởng thức các buổi biểu diễn dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận và một loạt các trò chơi truyền thống trong chuyến thăm của mình. Được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch, một số sân khấu được xây dựng trong làng, nơi bạn có thể xem người dân địa phương biểu diễn trong trang phục truyền thống.



3. Lễ hội chùa Hương


Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam, nằm ở Mỹ Đức-Hà Nội. Trong khu thắng cảnh Hương Sơn, được xem hành trình về một miền đất Phật - nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Lễ hội này kéo dài từ ngày mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch.


Đây là lễ một lễ hội có thời gian dài nhất nước ta đồng thời là một lễ hội lớn về số lượng các phật tử tham gia hành hương Theo như người Việt xưa nói lại, Hương Sơn được coi là cõi Phật, và Chùa Hương là nơi để thờ Phật bà Quan Âm. Phần lễ ở Chùa Hương là lễ Phật, phần hội ở Chùa Hương là sự có mặt của du khách hành hương về đất Phật. Trong dịp lễ hội, hàng chục vạn người đến viếng thăm cảnh núi non, hang động và cầu may, cầu phúc tại các ngôi chùa.



4. Lễ Hội đền Hùng


“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.” Ngày Giỗ tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, để tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội được tổ chức hằng năm diễn ra từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 hàng năm, ngày lễ chính là ngày mùng 10/3 âm lịch tại Đền Hùng – Việt Trì – Phú Thọ. Lễ hội Đền Hùng nhằm tưởng nhớ các vị vua Hùng có công dựng nước đã trở thành văn hóa lâu đời, mang tính chất vô cùng linh thiêng. Mỗi năm, lễ hội Đền Hùng thu hút khoảng 4 triệu lượt du khách đến tham dự.



5. Festival Huế


Festival Huế là một trong những sự kiện lễ hội lớn của Việt Nam diễn ra hai năm một lần tại Thành phố Huế. Quần thể di tích cố đô Huế với những kiệt tác về kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Du khách sẽ được trải nghiệm và tận hưởng hàng loạt trò chơi, sự kiện văn hóa và những màn biểu diễn tuyệt vời được tổ chức trong vòng một tuần. Festival Huế tái hiện toàn cảnh hoàng thành thịnh vượng xưa với nhiều sự kiện mang tính cộng đồng được tổ chức cả trong và ngoài thành phố nhằm khắc họa sinh động các giá trị truyền thống của Huế. Những sự kiện đó bao gồm Đêm Hoàng cung, Lễ cúng Nam Giao, Lễ Truy điệu, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Biển, Thi thả diều, Cờ người,…. Bên cạnh đó còn có các buổi triển lãm nghệ thuật, chiếu phim, nhào lộn, múa rối và biểu diễn đường phố là một phần phong tục truyền thống của triều Nguyễn khi xưa.



6. Lễ Phật Đản


Lễ Phật đản được các tín đồ trên khắp cả nước tổ chức và là một trong những lễ hội quan trọng nhất ở Việt Nam, được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 Âm lịch hằng năm. Nhiều ngôi chùa trên khắp đất nước được trang hoàng lộng lẫy và người dân địa phương mang đến lễ vật với nhiều món ăn, vòng hoa và trái cây. Hàng ngàn du khách đổ về Hội An, được coi là địa điểm tốt nhất để kỷ niệm ngày này và tham gia các buổi cầu nguyện và diễu hành đường phố. Lễ Phật Đản được tổ chức tại chùa Pháp Bảo với ngày bắt đầu bằng lễ rước các nhà sư dọc theo các con phố của Phố cổ Hội An trước khi các tín đồ đến chùa để nghe kinh Phật và thực hiện các nghi lễ tôn giáo.



7. Lễ hội Pháo Hoa Đà Nẵng


Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng cũng là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc Việt Nam nổi bật trong mắt bạn bè quốc tế. Bắt đầu từ năm 2008, lễ hội diễn ra vào khoảng tháng 4 (dương lịch) hàng năm sẽ đón chào hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước về để tham dự, và được xem như một trong những sự kiện được mong chờ nhất tại thành phố này. Tuy nhiên sau mùa lễ hội năm 2019, lễ hội này đã tạm hoãn tổ chức cho đến hiện tại do tình hình dịch bệnh trên toàn cầu trở nên phức tạp.


Thông thường, lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng sẽ được tổ chức vào dịp lễ lớn của đất nước 30/4 và 1/5, để du khách vừa kết hợp kỳ nghỉ của mình vừa có thể hòa mình vào không gian lễ hội đầy tính nghệ thuật và náo nhiệt. Lễ hội với sự tham gia của rất nhiều quốc gia trên thế giới, với những “chuyên gia” về pháo hoa như Trung Quốc, Ý, Pháp… với tinh thần giao hữu, thể hiện những nét đẹp văn hóa rất riêng trong cuộc sống và đời sống tinh thần của mỗi đất nước, qua đó mong ước hòa bình và hạnh phúc cho toàn thế giới.



8. Lễ hội bà Chúa Xứ


Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ hay còn gọi là lễ Vía Bà là lễ hội lớn nhất của người dân Đông Nam bộ, lễ hội bắt đầu từ đêm 23 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch, tại miếu bà Chúa Xứ ở núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Từ năm 2001, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia. Những hoạt động diễn ra trong lễ hội có văn nghệ, múa bóng, múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén.. từ đêm ngày 23, mọi người đã tập trung về miếu để xem nghi thức tắm Bà.


Tượng bà Chúa Xứ được đưa xuống và dùng nước mưa pha với nước hoa để tắm.Trong thời gian diễn ra lễ chính này, An Giang đón khoảng 2.5 triệu lượt du khách hành hương về dự lễ, vừa để tham dự lễ hội dân gian, vừa để xin cầu tài, cầu lộc. Du khách đến đây đồng thời còn để du ngoạn, chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp ở núi Sam và các di tích lịch sử, như: Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An…



9. Trung Thu


Sau tết Nguyên Đán thì đây là một trong những lễ hội đặc sắc nhất Việt Nam được tổ chức hàng năm vào ngày 14 và 15 tháng 8 (rằm tháng tám) âm lịch. Đây là một lễ hội đầy màu sắc với sự tham gia của cả trẻ em và người lớn hay còn được gọi là Tết Đoàn Viên, Tết trẻ em, tết trông Trăng hay tết hoa đăng. Lồng đèn, múa lân và bánh trung thu là những thứ nổi bật nhất mùa lễ hội, đèn lồng được trang trí và thắp sáng mọi nơi vào ban đêm khiến không khí mùa lễ này trở nên lung linh rực rỡ hơn, những màn trình diễn múa lân xuất hiện khắp nơi từ lề đường đến quy mô sân khấu đều tạo nên đặc trưng cho lễ hội. Theo truyền thống, đây là thời gian sau mùa thu hoạch và lễ hội này là một cách để họ dành thời gian cho gia đình và tận hưởng sau khi thu hoạch vất vả với món bánh bánh trung thu truyền thống và các món ăn khác. 



10. Lễ hội đèn lồng Hội An


Lễ hội đèn lồng Hội An là sự kiện được tổ chức hàng tháng đã làm cho Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận trở thành một màn trình diễn đèn lồng hoành tráng với đủ hình dạng, kích cỡ và màu sắc, khắc họa nên mặt lung linh của Phố cổ Hội An cổ kính. Cứ đến ngày 14 âm lịch hàng tháng, mọi cửa hàng, quán ăn, quán bar, các cơ sở kinh doanh đặc biệt tại các đền, chùa tại Phố cổ đều tắt điện và đồng loạt thắp sáng hàng trăm ngàn ngọn nến và đèn lồng tại đây nhấn chìm mọi thứ vào trong vẻ đẹp huyền ảo đầy thơ mộng. Đây chính là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất và dễ dàng tham gia nhất (sự kiện hàng tháng) của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và lễ hội này còn được ưu ái bởi cái tên lễ hội ánh sáng bản sắc Việt Nam.



Kết luận


Trên đây là 10 lễ hội có độ nổi tiếng cao nhất đối với bạn bè quốc tế tại Việt Nam, là một mặt khác của Festival Event khi các lễ hội này thường mang tính truyền thống hoặc nhằm mục đích tri ân, tôn vinh các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt thay vì các chuỗi festival hiện đại mang tính chất giải trí.


Kiều Quyên