Hơn một năm qua, ngành event là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn dịch. Có rất nhiều người đã phải chuyển sang công việc khác trong lúc chờ đợi được quay lại làm event. Và cũng trong thời gian này, sự bất ổn của ngành đã khiến nhiều người cảm thấy phân vân, hoang mang, lạc lối vì không biết nghề này rồi sẽ đi tới đâu hay mình có mãi làm được nghề này không? 



Mình tin ai trong ngành này cũng sẽ có đôi lần trải nghiệm những cảm giác mất phương hướng đó và nhất là những bạn mới bắt đầu đi làm. Nhiều bạn trẻ làm được thời gian đầu rất hứng thú nhưng sau đó lại mất đi nhiệt huyết là vì công việc cứ như vậy lập đi lập lại làm cho bạn không còn sự tò mò và thích thú nữa. Hoặc có những bạn đã qua 30, sức khoẻ và sự nhanh nhẹn cũng giảm sút phần nào, không thể cáng đáng những việc cần sức như hồi trẻ được nữa cũng sẽ cảm thấy nghề này thật sự mệt mỏi.  

Chính vì vậy, các bạn nên xác định rõ ràng về job và career – một công việc được trả lương và một sự nghiệp. 



  • Job: một công việc được trả lương nghĩa là bạn đi làm rồi đến cuối tháng nhận lương. Nghĩa là bạn đi làm chỉ thuần túy là kiếm tiền mà thôi. 
  • Career: là sự nghiệp và để có một sự nghiệp thì bạn cần phải đầu tư nghiêm túc vào job hơn. Nghĩa là bạn phải có một hướng đi cụ thể và dài hạn, phải luôn trau dồi và học hỏi để chuẩn bị cho cái job tiếp theo với nhiều cơ hội và trọng trách hơn. 


Để xây dựng một ‘career’ thì bắt buộc bản phải biết cách định hướng nghề. Cách của mình là tìm hiểu xem các cấp bậc trong nghề là gì để xác định khả năng tiến xa hơn. Cụ thể, background của mình là chuyên về Event and Conference Management, công việc của mình là chỉ tập trung vào event thôi, nên các vị trí có thể sắp xếp như sau: 


Event Coordinator / Helper / Freelancer => Event Planner / Organiser => Junior / Senior Event Manager => Event Strategist / Event Director


(Bạn có thể tự áp dụng vào công việc hiện tại của bạn. Ví dụ như: Lắp ráp âm thanh, ánh sáng (ATAS) > Thiết kế hệ thống ATAS > Đạo diễn ATAS.)


Mỗi cấp bậc sẽ yêu cầu trách nhiệm nhiều hơn, đòi hỏi bạn bạn phải có trình độ và khả năng phù hợp. Xác định được điều này, sẽ giúp bạn biết được cần trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức gì để được thăng cấp, tiến xa hơn trong nghề. Với mình, kế hoạch định hướng cho tương lai là trở thành Event Strategist (Nhà hoạch định chiến lược Event), cho nên mình thường xuyên tham gia các chương trình event, gặp gỡ, giao lưu và học hỏi nhiều từ các chuyên gia trong ngành để biết được mình cần trau dồi thêm kinh nghiệm gì và bổ sung kiến thức gì để chuẩn bị bước nâng cấp tiếp theo. Như vậy, mỗi năm mình sẽ viết ra kế hoạch cần làm để tiến gần tới hơn với mục tiêu của mình. 


“Xác định rõ ràng về job và career - một bên là công việc đi làm chỉ để được trả lương và một bên là sự nghiệp”



Nhưng làm sao để biết được các cấp bậc này? 


  • Bạn hỏi những người đi trước là cách dễ nhất. Vị trí hiện tại của em có thể nâng cấp lên nữa không? Nếu được, thì chức vụ đó là gì? Yêu cầu kiến thức và kinh nghiệm ra sao? 
  • Khi đi làm, hãy chú ý đến quá trình thăng tiến của đồng nghiệp đi trước trong công ty. Người trên mình là ai? Trên họ còn ai nữa không? Trách nhiệm của họ là gì? 


Có được câu trả lời này thì bạn sẽ thấy dễ hơn trong việc đặt mục tiêu và đề ra kế hoạch để đạt được. 


Case study của mình  


Mình sẽ lấy trường hợp của mình làm ví dụ cụ thể như sau:


Event Coordinator/Helper/Freelancer: đây là vị trí có thể được cho là dành cho newbie vì chủ yếu việc các bạn là hỗ trợ Event Manager. Công việc đơn giản có thể là chạy việc vặt hoặc liên hệ với các supplier. Vị trí này không nhất thiết bạn phải thuộc công ty, bạn có thể là freelancer, contractor được thuê theo ngày để chạy sự kiện tại địa điểm nơi diễn ra sự kiện thôi. 



Khi còn đi học, mình đã xác định sau này event sẽ là ‘career’, nên mình luôn cố gắng tham gia làm tình nguyện viên chạy các event trong và ngoài trường với mục đích là: sau này có xin việc thì CV cũng có tí kinh nghiệm liên quan tới event. Sau một thời gian làm volunteer mình đã bắt đầu tự tin hơn để nộp đơn xin làm Freelance Event Coordinator ở các công ty sự kiện ở London.


Event Planner/Organiser: ở vị trí này thường bạn sẽ thuộc một công ty hoặc tổ chức nào đó để tham gia trực tiếp vào việc tổ chức, lên kế hoạch cho event. Tuỳ khả năng của bạn mà được cất nhắc vào ban tổ chức sớm hay muộn, có người làm ở công ty cả năm trời mới được nhưng có người mấy tháng đã được tham gia ban tổ chức rồi. 



Sau khi làm Freelance Event Coordinator ở một công ty thì mình được nhận lại làm Event Planner. Mình luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao và luôn đóng góp ý kiến vào khâu tổ chức và lên kế hoạch sự kiện. 


Junior/Senior Event Manager: sau khi có nhiều kinh nghiệm chinh chiến và thể hiện được năng lực thì bạn sẽ được lên vị trí này. Lúc này bạn sẽ là người trực tiếp lên kế hoạch, quản lý đội nhóm và chịu trách nhiệm hoàn thành một event hoàn chỉnh.



Làm được một thời gian thì mình bắt đầu tự tin đảm nhiệm những event nhỏ từ 50 người trước và sau đó mức độ lớn dần tới gần 1000 người tham gia. Mình đã tham gia nhiều khóa học, đọc nhiều sách để củng cố thêm kiến thức và kinh nghiệm và cũng là để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. 


Event Strategist/Event Director: đây là chức vụ cao nhất mình biết cho tới hiện tại. Từ Event Planner lên chức Event Manager thì chỉ cần 1,2 năm nhưng từ Event Manager trở thành Event Strategist hoặc Director thì là cả một quá trình. Vì vị trí này sẽ đòi hỏi bạn có lượng kiến thức và kinh nghiệm nhất định để tham gia vào việc hoạch định kế hoạch, chiến lược dài hạn về event như là một sản phẩm để phát triển công ty với với ban giám đốc.


Để lên được đến tầm này, bắt buộc mình phải có những kiến thức liên quan tới xây dựng chiến lược và tầm nhìn. Phải nắm rõ và phân tích được điểm mạnh và yếu của công ty từ đó xây dựng một event thật chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả cao. Chính vì vậy, mình đã phải đi học thêm 1 khoá “Event and Meeting Strategist” để trau dồi thêm kiến thức chuẩn bị cho bước nhảy việc tiếp theo. 


(Timeline of Event Director)


Tóm lại, trên đây là cách mình đã làm và nó giúp mình định hướng khá ổn, nên mình cũng muốn chia sẻ lại cho những bạn nào cần. Những khi mình hoang mang, nghi ngờ vào sự lựa chọn của mình, mình sẽ nhìn lại kế hoạch chi tiết mỗi năm mình cần học thêm gì, cần đạt được điều gì để biết mình đang ở đâu trên con đường phát triển sự nghiệp. Thời đại dịch đúng là sẽ làm chúng ta hoang mang nhiều hơn, nhưng thay vì ngồi đó lo sợ thì bạn hãy tận dụng thời gian này để học tập và trau dồi thêm kiến thức đi vì xây dựng một sự nghiệp cần một quá trình. Một chút chia sẻ với các bạn hy vọng mang lại giá trị gì đó trong quá trình định hướng sự nghiệp của các bạn nhé.  


By #M.E.L