Có thể thấy Việt Nam ít khi là sự lựa chọn cho các nghệ sĩ quốc tế “hạ cánh" dù cộng đồng fan hâm mộ các thần tượng USUK, K-Pop,... không hề kém cạnh so với các nước khác. Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng đưa thần tượng nước ngoài về Việt Nam nhưng các “phốt" huỷ show vẫn thường xảy ra khiến các fan hâm mộ đầu tư và chờ đợi thất vọng về khâu tổ chức. Điều đó có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của thị trường âm nhạc Việt Nam, tâm lý khán giả, tâm lý các ngôi sao quốc tế khác khiến họ phải cân nhắc khi chọn điểm đến là Việt Nam.


“Huỷ show" không còn xa lạ đối với Việt Nam


Ở Việt Nam đã có nhiều chương trình có sao quốc tế huỷ show, bùng nổ nhất như Ariana Grande thông báo không xuất hiện ngay phút 89 vì lý do sức khoẻ khiến nhiều khán giả và fan hâm mộ thất vọng một thời gian dài. Bên cạnh đó còn hàng loạt chuỗi hủy show tiếp nối như liveshow Lee Min Ho năm 2003, show diễn của PSY năm 2015, buổi fan meeting của ca sĩ Jessica cuối năm 2016, live show của Bad Boys Blue & Sandra đầu năm 2017... Ngoài nguyên nhân bất khả kháng có thể thông cảm được thì hầu hết các show khác hoặc không đưa ra lý do, hoặc đưa ra thông báo chung chung là do sức khỏe của nghệ sĩ.


Để mời nghệ sĩ nước ngoài về Việt Nam liệu có khó đến vậy ?


Theo ông Phan Khôi, Phó tổng giám đốc Công ty IB Group VN - đơn vị đã tổ chức hàng loạt show diễn của các ngôi sao quốc tế như Kenny G, Thomas Anders, Boney M, Chris Norman, Tsuyoshi Yamamoto tại VN - phân tích các rủi ro chính khi mời sao quốc tế đến Việt Nam. 


Cát sê triệu USD đẩy giá vé ngất ngưởng

Từng liên kết tổ chức show đưa sao ngoại về Việt Nam, nếu nhà tổ chức không khảo sát thị trường sẽ dễ dẫn đến thiệt hại kinh tế vì khó bán vé.Thông thường, cát sê sao ngoại ít nhất từ 1 triệu USD trong khi đó, đối tượng khán giả chấp nhận bỏ vài triệu ra để mua vé thưởng thức thường không hào hứng với địa điểm là sân vận động, còn khán giả mong muốn được xem show của các sao đang hot đa phần là người trẻ, cũng không tự bỏ tiền ra mua vé được.


Còn nhớ năm 2007, nhà tổ chức show Rain’s Coming đầu tư hơn 2 triệu USD để đưa diễn viên - ca sĩ xứ Hàn đang vô cùng “hot” tại thị trường châu Á lúc bấy giờ về Việt Nam. Tuy nhiên, giá vé quá cao (250.000 đồng - 2,5 triệu đồng) thời điểm đó đã khiến đêm diễn trở nên quá tầm đối với người hâm mộ, vốn chủ yếu thuộc lứa tuổi sinh viên, học sinh. Ban tổ chức sau đó đã phải giảm giá vé, và khi chương trình diễn ra khoảng 1/3 thì gần như “xả cửa” cho mọi người vào xem. Nhà tổ chức show này thừa nhận lỗ khoảng 1 triệu USD.


Dù không nói thẳng là vì lý do này, nhưng show Ariana Grande bị hủy mới đây cũng có giá vé cao ngất ngưởng (từ 790.000 đồng - 4,9 triệu đồng, vé VIP có giao lưu ca sĩ gần 16 triệu đồng).


Rủi ro làm việc với chính đối tác, nghệ sĩ nước ngoài. 

Nếu nghệ sĩ có lịch tour và nhận được offer cát xê hợp lý, quản lý và các bên liên quan của nghệ sĩ sẽ xét đến uy tín của nhà sản xuất, năng lực và kinh nghiệm tổ chức và khả năng đáp ứng các điều kiện kỹ thuật. 


Đối với show quốc tế nhà sản xuất phải trả 100% cát xê và các chi phí khác cho bên nghệ sĩ trước khi show diễn ra. Nhà sản xuất phải lo đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, bảo hiểm, ăn ở đi lại, truyền thông, bản quyền, tác quyền, quảng cáo mà trong rất nhiều trường hợp con số cộng lại cao gấp nhiều lần cát xê. Nhiều nghệ sĩ quốc tế còn muốn kiểm soát cả giá vé (nếu là show có bán vé) nhằm đảm bảo uy tín của mình. Có nhiều show trên thế giới từng bị hủy vì không đáp ứng được 1 trong vô vàn tiểu tiết này. 


Đó là rủi ro về tổ chức. Các rủi ro về thời tiết và những trường hợp bất khả kháng cũng là những yếu tố rình rập khiến cho nhiều show bị hủy. Cuối cùng, kể cả khi nhà sản xuất đáp ứng được tất cả các điều kiện trên và thời tiết hoàn toàn ủng hộ thì vẫn còn những rủi ro phát sinh khác. 


Hệ quả của huỷ show


Không bàn đến nguyên nhân hay đúng sai từ bên nào, hậu quả của việc show bị hủy là rất lớn. Khi show bị hủy thì người lãnh đủ nặng nhất chính là nhà sản xuất, tiếp theo là khán giả. Nghệ sĩ rất ít khi chịu hậu quả bởi đã nhận đủ cát xê. Tổn thất sẽ nặng hơn nếu show bị hủy sát giờ bởi nó đồng nghĩa chi phí đã được chi ra là toàn bộ bởi lúc đó đã phải chi đủ cho truyền thông và tiếp thị. Ngoài việc hai bên phải thương lượng chia sẻ rủi ro với nhau thì những ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu tài trợ là rõ ràng. 


Tiếp theo nữa là cảm xúc của công chúng. Việt Nam vẫn đang ở áp chót về thị trường giải trí quốc tế trong khu vực. Khán giả tiềm năng cho các show nhạc quốc tế tại Việt Nam vừa nhiều vừa ít. Nhiều vì ai cũng khát bởi ít có cơ hội được xem, ít vì không phải ai cũng có khả năng tài chính để mua vé. Khán giả Việt Nam đang rất cần những cú huých thực sự để có thêm thói quen hướng đến giải trí quốc tế nói chung và Âu Mỹ nói riêng, thay vì chỉ biết đến VBiz hay KPOP như hiện nay. Những vụ hủy show như vậy tác động không nhỏ đến tâm lý của khán giả, khiến cho thói quen này càng khó khăn hơn


Cuối cùng là các tác động đến hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ điểm đến của giải trí Âu Mỹ. Hàng năm có hàng trăm show lớn nhỏ diễn ra tại Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, nhưng Việt Nam thì vẫn lặng lẽ nằm ngoài. Không phải bởi các nhà sản xuất không muốn nhưng vì nhiều lý do (trong đó có yếu tố tài chính) mà khán giả Việt vẫn phải chấp nhận đứng xa mà nhìn.


Kết luận


Có thể nhìn thấy trước mắt việc sao hủy show gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, khi hủy show không có lý do rõ ràng còn kéo theo nhiều hệ lụy. Cho dù như vậy nhưng các nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ không nản chí, bởi xét cho cùng thị trường giải trí âm nhạc quốc tế mới đang hình thành. Chắc chắn rằng tới đây Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đón các gương mặt mới và khán giả vẫn sẽ tiếp tục được thỏa mãn cơn khát của mình. Chỉ có điều chúng ta cần phải lớn hơn nữa trong năng lực và kinh nghiệm “deal” trong cuộc chơi của “cỗ máy” khổng lồ này.


Biên tập: Lê Nhật Lam

Nguồn: Tổng hợp