Trước ngày sự kiện luôn luôn có một buổi diễn tập cho các nhân sự trình diễn, đội ngũ hậu cần, kĩ thuật... để cho tất cả các bộ phận nắm rõ được những hoạt động diễn ra trên sân khấu cũng như nắm rõ được nhiệm vụ của mình. Thuật ngữ nước ngoài thường gọi là cue-to-cue hay ở Việt Nam chúng ta thường gọi là rehearsal hoặc diễn tập... tùy theo cách gọi của mỗi công ty.

Vậy cue-to-cue là gì và làm thế nào để thực hiện tốt điều này, hãy cùng tìm hiểu nhé.



1. CUE-TO-CUE là sự phối hợp của toàn bộ ekip

Những hoạt động diễn ra trên sân khấu thông thường sẽ được điều phối bởi Show Caller - tùy theo chương trình có thể là Đạo Diễn hoặc Stage Manager. Họ sẽ đứng ở vị trí có thể quan sát được toàn bộ những hoạt động diễn ra trên sân khấu và đến những thời điểm thích hợp họ sẽ đưa ra những hiệu lệnh để những bộ phận liên quan cùng nhau thực hiện. 



Ngoài ra còn có các hiệu lệnh để điều phối cho bộ phận kĩ thuật, thời điểm nào nhạc sẽ lên, ánh sáng sẽ như thế nào, visual ra sao, hiệu ứng trình diễn là gì... Thông thường sẽ có thêm một người quản lí chung về kĩ thuật sẽ là người lo việc này. Và tất cả các bộ phận sẽ cùng trao đổi thống nhất thông tin và phối hợp với nhau để có được một buổi trình diễn hoàn hảo và tốt nhất.



2. VỚI NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH NHỎ THÌ SẼ NHƯ THẾ NÀO

Dĩ nhiên với những chương trình các lớn, càng phức tạp thì sẽ càng có nhiều bộ phận hoạt động và phối hợp với nhau, chính vì thế việc cue-to-cue cũng sẽ rất quan trọng, chiếm khá nhiều thời gian và có nhiều hơn 1 Show Caller. Còn với những chương trình quy mô nhỏ hơn và đơn giản hơn thì sẽ như thế nào? Đối với tôi thì vẫn cần phải có ít nhất 1 buổi tập dợt trước ngày sự kiện để các bộ phận có một cái nhìn tổng quan về chương trình và nắm rõ nhiệm vụ của mình là gì.



3. THỜI GIAN DÀNH CHO CUE-TO-CUE

Thông thường sẽ tùy vào quy mô và thời gian diễn ra sự kiện, có thể là trước thời gian bắt đầu vài tiếng, 1 buổi, 1 ngày hay thậm chí là hơn. Tuy nhiên việc chúng ta mong muốn nhất là làm sao để mọi người nhớ được vị trí, thời điểm, công việc... càng nhiều càng tốt và ăn sâu vào trong tâm trí của mỗi người.

Honda Youth Fest 2019 – Thời gian tập luyện là 2 ngày


Ngoài ra trong quá trình diễn tập, người quản lí cần phải theo dõi xuyên suốt và tính được thời gian diễn ra của từng hoạt động trên sân khấu và xem thời gian diễn ra ngắn hay dài hơn so với kế hoạch để có thể đưa ra điều chỉnh hợp lí. Vì nó sẽ liên quan đến nhiều vấn đề với địa điểm tổ chức như chi phí, dịch vụ liên quan...


Nếu không có những buổi diễn tập như vậy thì khả năng xảy ra sự cố trong chương trình sẽ rất cao. Vì thế tất cả các bộ phận nhân sự, hậu cần, kĩ thuật... đều phải tham gia và không được vắng mặt để nắm rõ được các hoạt động diễn ra trên sân khấu và nhiệm vụ của mình. Và Show Caller sẽ là người đưa ra tín hiệu kết nối với các bên để có sự phối hợp hoàn hảo và tốt nhất. Dù sự kiện đơn giản hay phức tạp, dễ hay khó thì vẫn cần có những buổi diễn tập. Hy vọng chia sẽ này sẽ giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của những buổi diễn tập và sẽ luôn sắp xếp một khung thời gian cho việc này nhé.


Lương Nguyễn

Operations Supervisor – VEG – Vietnam Event Group