Khán giả thường bị lôi cuốn vào những câu chuyện vì họ muốn được tham gia vào cuộc hành trình cùng nhân vật. Một sự kiện thành công có thể được đánh giá bằng hiệu ứng trải nghiệm của khán giả và cách câu chuyện được truyền tải như thế nào. Người tổ chức sự kiện giống như mở ra một quyển sách và từ từ dẫn dắt khán giả đến với những “trang" tiết tấu, cung bậc cảm xúc trong câu chuyện của mình. Ngày nay, nhiều nhà tổ chức sự kiện đầu tư rất nhiều vào giá trị, thông điệp của sự kiện để mang lại cho khán giả trải nghiệm trọn vẹn nhất.
Nghệ thuật kể chuyện trong sự kiện
Điều quan trọng khiến cho một sự kiện thu hút người xem đến phút cuối và không thể rời mắt khỏi sân khấu chính là nghệ thuật kể chuyện. Để tạo ra một câu chuyện sự kiện không chỉ cần sự lôi cuốn và hấp dẫn mà cần có sự liên kết chặt chẽ với thông điệp và giá trị của doanh nghiệp tổ chức.
Kể chuyện giống như một hình thức giao tiếp đã có từ rất lâu, từ những bức tranh trên các hang động thời tiền sử phát triển thành một ngành công nghiệp có giá trị to lớn. Bản thân câu chuyện thì không được rao bán, nhưng nó được sử dụng như một phương thức truyền tải thông điệp trong sự kiện này nay.
Cách kể chuyện bằng hình ảnh
Ngoài việc khán giả có thể trực tiếp chiêm ngưỡng được những hình ảnh hoành tráng của sự kiện bằng tất cả giác quan. Bên cạnh đó, cũng có một cách để lưu giữ được những nét đẹp ấy, đó chính là một bức ảnh biết “kể chuyện” và nhiếp ảnh gia thực hiện bức ảnh này sẽ là người tạo nên câu chuyện.
Sự kiện có rất nhiều chuỗi hoạt động diễn ra liên tục, để bắt trọn được những khoảnh khắc đắt giá và ấn tượng không hề dễ dàng. Việc chụp một bức ảnh có nội dung không đơn giản ở việc đưa máy lên và chụp những thứ diễn ra trước mắt mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số lưu ý để hình chụp sự kiện vừa ấn tượng về phần nhìn cũng như phần ý nghĩa:
Hiểu sơ lược được ý nghĩa của chương trình/sự kiện
Hiểu biết trước về chủ đề và thể loại của sự kiện cũng là một yếu tố rất quan trọng, đây có thể là sự kiện thương hiệu ra mắt sản phẩm hoành tráng, một đêm âm nhạc hay một sự kiện hội nghị trang trọng,... Khi đã hiểu được ý nghĩa của chương trình thì người chụp ảnh sự kiện sẽ biết cách tập trung vào chủ thể nào hơn: màn trình diễn, nhân vật khách mời, hiệu ứng sân khấu, cảm xúc khán giả,....
Nắm bắt tiết mục key moment
Các tiết mục key moment là màn biểu diễn ấn tượng nhất trong bất kỳ sự kiện nào, đặc biệt là những sự kiện thương hiệu hay các sự kiện ra mắt sản phẩm mới. Mục tiêu của tiết mục này là gây ấn tượng với khán giả, khiến khán giả nhớ mãi thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải. Thường các nhiếp ảnh gia cần có sự tìm hiểu và chuẩn bị trước về tiết mục này vì đây sẽ là khoảnh khắc “cao trào" và hoành tráng nhất của câu chuyện chúng ta đang kể.
Lựa chọn góc chụp
Vị trí và góc chụp ảnh không những đóng góp cho nội dung bố cục, mà chúng còn làm cho bức ảnh trông có chiều sâu hơn và cảm giác thật hơn, việc tư duy ở thay đổi góc máy chúng sẽ giúp dễ có được một hiệu ứng độc đáo trong bức ảnh.
Trước khi quyết định bấm máy, nhiếp ảnh gia cần quan sát kỹ chủ thể và tiết mục đang diễn ra. Góc chụp chính diện tuy đầy đủ và hoàn hảo nhưng đôi khi hãy thử gear máy ở những vị trí đặc biệt khác như từ trên cao hay sau sân khấu. Vì ở những vị trí này thường có khoảng sáng và khoảng tối khá rõ nhờ vào hiệu ứng đèn sân khấu nên sẽ tạo ra được những góc nhìn lạ mắt và kích thích sự ấn tượng cho người chiêm ngưỡng.
Tại sao ảnh lại “tĩnh” như tranh?
Nói về cách gọi này có lẽ ý nghĩa nằm ở một bức ảnh không chỉ dừng lại ở phần nhìn mà còn phải làm lay động được đến cảm xúc của người xem. Cảm giác “tĩnh" làm người xem bức ảnh có tâm trạng lắng đọng lại để quan sát như chiêm nghiệm một bức tranh nghệ thuật.
Điểm quan trọng nhất của cách chụp này là ảnh phải có chiều sâu. Tương tự như một bức tranh, bức ảnh có chiều sâu cần chứa đựng nhiều yếu tố bao gồm nội dung của sự kiện diễn ra trong khung hình, từ đó thấy được ý nghĩa câu chuyện sự kiện ở đây và cảm xúc - góc nhìn của nhiếp ảnh khi bắt khung hình đó. Điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào gu thẩm mỹ và kinh nghiệm của nhiếp ảnh gia chụp ảnh sự kiện.
Các tips để tạo ra được một “bức tranh" có nội dung ?
Theo chia sẻ của nhiếp ảnh gia sự kiện Nguyễn Hà Anh Tú. Có hai yếu tố chính cần chú ý đến:
Đầu tiên là chất lượng hình ảnh: Hình chụp ra phải rõ nét không bị rung lắc, sắc độ sáng tối rõ ràng. Nếu cần, có thể hạ khẩu độ hay lùi độ mở để hạn chế trường nét lại, thủ thuật này sẽ tạo ra một sự tương phản giữa một vùng nét và vùng không nét, khiến cho vùng nét trông sẽ lại càng nét hơn. Nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ như chân máy và đầu nối chắc chắn để tránh bị rung tay hoặc ảnh bất cân xứng.
Yếu tố còn lại là nội dung câu chuyện:
Chụp ảnh sự kiện khác với chụp ảnh thông thường ở chỗ là bức ảnh phải toát lên được ý tưởng của agency. Trong chụp ảnh sự kiện, nhiếp ảnh gia cần xác định rõ chủ thể và nội dung mình muốn chụp, tránh tình trạng chụp những bức ảnh “trống rỗng" lãng phí. Tư duy góc chụp cũng là cách thể hiện phong cách riêng của mình, tuy nhiên vẫn phải đáp ứng bố cục đầy đủ. Những điều này cần phải trải qua rèn luyện và tích cóp kinh nghiệm.
Khán giả thường sẽ ít nhận thấy được bằng mắt các chi tiết tỉ mỉ của người tổ chức, mỗi một hình dáng, chuyển động trong chương trình đều có ý tưởng của riêng nó. Do đó, nhiếp ảnh gia nên để ý các chi tiết khác như ánh đèn, hiệu ứng, màn hình LED, khói lạnh,.... Thông thường các tiết mục mở màn, phần trình diễn của nghệ sĩ và key moment của chương trình là có nhiều hiệu ứng phức tạp và hoành tráng nhất.
Mọi khoảnh khắc trong sự kiện đều liên tục diễn ra và trôi qua rất nhanh. Nếu muốn bắt được các khoảnh khắc trọn vẹn nhất, nhiếp ảnh gia nên chủ động tìm hiểu, trao đổi kỹ brief cũng như timeline của chương trình với đối tác agency để có sự di chuyển cũng như chuẩn bị cho phù hợp. Lưu ý nhỏ là nên có mặt trước khi chương trình bắt đầu từ 1-2 tiếng nhằm quan sát và xác định rõ khung cảnh xung quanh để chủ động lựa chọn nơi tác nghiệp phù hợp và ưng ý nhất.
Anh Nguyễn Hà Anh Tú hiện đang là nhiếp ảnh gia sự kiện với hơn 6 năm kinh nghiệm, anh từng hợp tác với các thương hiệu tên tuổi như Manulife, Sunlife, Samsung, LG, Honda, Sony, Adidas, Uniqlo, TP Bank, Dior, Sheraton… và gần đây nhất là Chanel. Bên cạnh đó, anh còn là photo event đầu tiên tại Việt Nam đạt con số hơn 130 nghìn project view trên nền tảng sáng tạo Behance với thư viện Finn Studio của mình.
Nhờ vào sở thích đi tìm cái đẹp và khả năng nhạy bén với màu sắc, các bức ảnh do anh thực hiện đều như những bức danh họa mang phong cách của mình, lột tả được hầu hết các góc nhìn nghệ thuật trong một sự kiện.Không đơn thuần là những cú bấm máy, nhiếp ảnh gia chính là người kể câu chuyện nghệ thuật và truyền cảm hứng của thương hiệu đến với người xem thông qua lăng kính máy ảnh. Đó chính là lý do mà anh đang ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình hơn trong nghề này.
Biên tập: Lê Nhật Lam
Nguồn: Tổng hợp