Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các sự kiện trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng trong ngành sự kiện. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng chạy theo xu hướng sẽ đạt được thành công. Chúng ta hãy cùng nhau xem qua những ưu - khuyết điểm cho từng loại hình sự kiện, và khi nào nên áp dụng cho phù hợp.
1. Sự kiện trực tuyến là gì?
Sự kiện trực tuyến còn gọi là livestream, webinar, sự kiện ảo. Đây là loại hình sự kiện được phát trực tiếp trên môi trường trực tuyến. Người tham dự được kết nối, tương tác với đơn vị tổ chức thông qua Internet.
2. Lợi ích tổ chức sự kiện trực tuyến so với sự kiện truyền thống
- Sự kiện có thể tiếp cận và tương tác với nhiều người hơn. Điều này giúp làm tăng độ phủ và hiệu quả truyền thông cho doanh nghiệp;
- Tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc đi lại, địa điểm tổ chức, đơn vị cung ứng dịch vụ, đội ngũ nhân sự,...;
- Không giới hạn không gian.
3. Sức hút của sự kiện truyền thống mà trực tuyến chưa thể làm được
So với sự kiện trực tuyến, chắc chắn một điều rằng sự kiện truyền thống sẽ phải tốn kém chi phí hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự kiện truyền thống sẽ không phải gặp tình trạng đường truyền không ổn định như trực tuyến. Thêm nữa, các nhà tổ chức vẫn thường có kinh nghiệm xử lý sự cố event truyền thống hơn là online. Vì vậy, khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra, sự kiện online cũng sẽ khó kiểm soát hơn so với event truyền thống.
Chẳng hạn như, trong mùa dịch Covids-19, các nhà sản xuất show âm nhạc bắt buộc phải xoay chuyển tình thế tổ chức liveshow dưới dạng trực tuyến ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, hiệu ứng tại chương trình lại không cao, đơn giản vì gần như mỗi người đều ngồi trước màn hình và khó mà có được cảm giác quẩy nhiệt, hòa vào không khí âm nhạc, chưa kể có những lúc sẽ có những khu vực máy chủ bị mất kết nối, điều này cũng sẽ khiến người xem không có được cảm xúc trọn vẹn như khi tham gia trực tiếp tại các sân vận động trước đó.
4. Xác định loại hình sự kiện phù hợp
Vì tính chất, mục đích của các chương trình sự kiện khác nhau, vì vậy không phải loại sự kiện nào cũng có thể tổ chức trên không gian mạng trực tuyến. Bạn hoàn toàn có thể tổ chức hội thảo, hội nghị hay lớp học trực tiếp (hoặc trực tuyến) đều mang lại trải nghiệm giá trị như nhau. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn không thể thực hiện một sự kiện triển lãm trưng bày trực tuyến, bởi lẽ đôi khi để thực hiện được sự kiện này bạn phải bỏ ra một chi phí về công nghệ còn lớn hơn rất nhiều so với việc tổ chức một triển lãm thông thường.
Tương tự như vậy, đến thời điểm hiện tại sự kiện âm nhạc truyền thống, vẫn nhận được hưởng ứng tích cực từ khán giả hơn là so với hình thức online.
5. Sự kết hợp hoàn hảo
Một gợi ý an toàn cho các nhà tổ chức sự kiện, các bạn hoàn toàn có thể kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến cho một chương trình sự kiện mà mình tổ chức. Và hình thức này cũng đang được nhiều đơn vị tổ chức sự kiện áp dụng. Cụ thể, bạn vẫn sẽ triển khai một chương trình sự kiện như thông thường, nhưng sẽ kèm theo với đó là ghi hình lại nội dung chương trình đó hoặc đồng thời phát livestream trên các trang mạng xã hội để tất cả khán giả đều có thể xem. Điều này sẽ giải được bài toán những khán giả ở vị trí địa lý xa, vẫn có thể tham dự online cũng giảm tải được phần nào về việc số lượng truy cập quá đông dẫn đến đường truyền không ổn định, đồng thời thỏa mãn được những người mong muốn được tham dự trực tiếp hơn online.
Như vậy, giải pháp này vô cùng thông minh và hữu ích phải không nào?
Kết luận:
Dù là tổ chức sự kiện ở hình thức nào cũng sẽ có những ưu điểm, nhược điểm nhất định. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, chưa có một nhận định nào cho rằng sự kiện truyền thống đánh mất vị thế của mình trước sự kiện online. Ngược lại, thay vì phải mất thời gian đi so sánh, chạy theo xu hướng thì việc một người tổ chức sự kiện cần làm là phải chuẩn bị thật kỹ kịch bản nội dung chương trình, xác định loại hình phù hợp với mục tiêu của sự kiện mà mình tổ chức. Từ đó, có những phương án dự phòng để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Mong rằng với những nội dung chia sẻ phía trên, bạn sẽ có cái nhìn khách quan và tối ưu được cho loại hình sự kiện mà mình thực hiện.
Biên tập: Ngân Trương
Nguồn: Tổng hợp