Trong những năm gần đây, làng Hoa Hậu Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tích ấn tượng trên sàn đấu quốc tế, công chúng trong nước cũng đang ngày càng đổ dồn sự quan tâm vào các cuộc thi hoa hậu. Nhận thấy Việt Nam cũng là một trong những thị trường ưa chuộng Hoa Hậu nên từ đầu năm nay, hàng loạt các cuộc thi sắc đẹp công bố tổ chức. Không thể phủ nhận việc "nở rộ" các cuộc thi có góp phần giúp nhan sắc Việt thăng hạng trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, việc xuất hiện quá nhiều các sự kiện này có mang lại những lợi ích cộng đồng hay không vẫn là chuyện đáng bàn…


Sự xuất hiện của hàng loạt các cuộc thi sắc đẹp mới 


Các cuộc thi như Miss Universe Việt Nam, Miss Grand Việt Nam hay Miss World Việt Nam là những cái tên không còn xa lạ với khán giả bởi nó là sàn đấu cần thiết để tìm kiếm người xứng đáng đại diện cho đất nước đi thi quốc tế. Tuy nhiên, gần đây nhiều người cũng cảm thấy hoang mang khi nghe thấy những cái tên cuộc thi Hoa hậu thể thao, Hoa hậu biển, Hoa hậu du lịch hay sự ra đời của Miss Peace tạo nên sự nhầm lẫn với Miss Grand,.… 


Theo thống kê 6 tháng đầu năm, làng giải trí có gần 20 cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Trong đó, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã chung kết ngày 25/6. Tháng 7 có chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam.



Từ nay đến cuối năm, còn thêm hàng loạt sân chơi như: Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12/8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12), Miss Peace Vietnam (11/9), Miss Grand Vietnam (25/9), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22/10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30/12)... Bên cạnh các cuộc thi quy mô lớn, một loạt sự kiện do các đơn vị hội ngành, các công ty giải trí thực hiện như: Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu…



Nguyên nhân vì sao “phong trào” tổ chức các cuộc thi sắc đẹp lại rầm rộ


Lý do khả quan đầu tiên là theo nghị định 144/2020/NĐ-CP 2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành về việc không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm. Do đó, chỉ cần kêu gọi được nhà tài trợ thì cuộc thi có thể được tổ chức.


Lý do thứ hai là khán giả Việt Nam đang ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực hoa hậu. Điều này giống các quốc gia khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Dựa trên quan sát từ các cuộc thi quốc tế như Miss Universe, Miss World, Miss Grand International hay Miss Earth, thí sinh Đông Nam Á luôn nhận được sự theo dõi sát sao, ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả nước nhà. Các bài đăng, hình ảnh về thí sinh Philippines, Việt Nam, Thái Lan thường có lượt "like" và tương tác rất cao.


Minh hoạ cụ thể là trong các cuộc bình chọn để giành tấm vé vào thẳng top, nhiều đại diện Việt Nam từng may mắn chiến thắng. Đó là trường hợp của Đỗ Thị Hà (top 12 Miss World 2021), Kim Duyên (top 16 Miss Universe 2021), Khánh Vân (top 21 Miss Universe 2020), Phương Nga (top10 Miss Grand International 2018), Lan Khuê (top 11 Miss World 2015)....


Thậm chí, tại cuộc thi Miss Universe 2021, Khánh Vân được công bố là thí sinh sở hữu lượng vote cao nhất lịch sử Miss Universe. Những thành tích này một lần nữa cho thấy khán giả Việt thuộc top đầu chuộng xem hoa hậu, dù chưa được gắn mác "đam mê" hay "cuồng tín" như người Philippines.



Lý do cuối cùng có thể nói tại thị trường Việt Nam, thi hoa hậu là cánh cửa để dễ dàng bước chân vào showbiz. Hoa hậu, á hậu sau khi đăng quang đắt show không kém các ngôi sao, xuất hiện ở mọi sự kiện giải trí. Đặc biệt trong lĩnh vực thời trang, các người đẹp còn được ưu tiên diễn vedette hoặc mở màn, khán giả không ít lần từng chứng kiến sự đổ bộ của dàn hoa hậu trên sàn catwalk như một đặc quyền.



Khán giả đang dần trở nên “bội thực" cuộc thi sắc đẹp


Ngoài các cuộc thi hoa hậu uy tín hàng năm, thời gian qua có rất nhiều cuộc thi tự tổ chức nghe rất "sang" như: Hoa hậu Trang sức Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới, Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt, Hoa hậu Quý bà Việt Nam thế giới... Quá nhiều cuộc thi mang danh nghĩa "thế giới" nhưng được tổ chức qua loa trong nước. Liệu khi đem ra so sánh trên mặt bằng chung, các Hoa Hậu này có được công chúng công nhận ?


Mặc dù mang tên gọi khác nhau với nhiều tầm nhìn to lớn nhưng một số cuộc thi không có nhiều sự khác biệt. Các danh hiệu, giải thưởng cũng tương tự nhau: Người đẹp tài năng, Người đẹp nhân ái, Người đẹp thể thao… Và trên thực tế đã từng có không ít cuộc thi được quảng cáo rầm rộ nhưng khi tổ chức thì tạm bợ, kém chất lượng và bị xếp vào hàng "cuộc thi ao làng". Và liệu có phải các cuộc thi đang được tổ chức ra như một bước đệm để nhiều cô gái dấn thân vào showbiz nhanh hơn thay vì thực sự đi đúng định hướng của cuộc thi sắc đẹp?



Nâng cao chất lượng cuộc thi người đẹp là điều cần thiết


Các cuộc thi hoa hậu, người đẹp tổ chức liên tục dẫn đến tình trạng "ra ngõ gặp hoa hậu", làm cho giá trị của danh vị Hoa Hậu bị giảm đi. Đặc biệt, sự nhạt nhòa, thiếu tự tin và kinh nghiệm non nớt của các thí sinh khi tham gia là điều đáng quan ngại, điều này cũng một phần ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thi rất nhiều. Ở cuộc thi hoa hậu chính thống, thí sinh phải qua rất nhiều vòng kiểm tra kỹ lưỡng, quy trình thi cũng rất khắc nghiệt… mới chọn được đại diện xứng đáng. Các thí sinh có nhiều hoạt động cộng đồng truyền năng lượng tích cực. 



Ý nghĩa khác của hành trình tìm kiếm hoa hậu là góp phần quảng bá hình ảnh con người và đất nước Việt Nam. Sau đăng quang, các hoa hậu thường hướng đến hoạt động cộng đồng, thiện nguyện. Càng nhiều hoa hậu, những thông điệp tích cực càng được lan tỏa rộng rãi và truyền cảm hứng đến nhiều người. Tuy nhiên, khi quá nhiều cuộc thi và hoa hậu danh xưng ra đời, công chúng sẽ hoài nghi đâu là giá trị thật và đâu là giá trị ảo.


Công chúng nên có mắt nhìn chính xác và sự đánh giá công tâm hơn về những vấn đề này. Trước đây từng có những cuộc thi chui diễn ra nhằm mục đích mua bán, trao đổi quyền lợi giữa BTC và hoa hậu, khiến khán giả mất niềm tin vào danh hiệu. Nhưng theo thời gian, cuộc thi nào uy tín sẽ có sức sống lâu bền, còn cuộc thi ít giá trị cũng tự động biến mất.

Biên tập: Lê Nhật Lam

Nguồn: Tổng hợp