Từ việc mang tính trình diễn, fashion show dần được đơn giản hóa giúp người xem cảm nhận trọn vẹn tính sáng tạo và thẩm mỹ của các thiết kế thời trang, từ đó kích thích nhu cầu sở hữu sản phẩm. Học hỏi và chắt lọc từ tinh hoa của các sàn diễn quốc tế, fashion show của Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã đạt được những thành công nhất định.
Trong bài viết này, hãy cùng STAGE!VIETNAM đi qua những cột mốc phát triển fashion show của thế giới và nhìn xem ngành thời trang Việt Nam đã phát triển rực rỡ như thế nào nhé!
Khởi đầu từ những show nhỏ, mang tính riêng tư
Fashion show đầu tiên trên thế giới “nhen nhóm” từ những năm 1860, khi nhà thiết kế thời trang người Anh có tầm nhìn xa trông rộng - Charles Frederick Worth, lựa chọn sử dụng người thật để làm mẫu cho bộ sưu tập của ông tại Paris (Pháp). Hành động này có thể được xem như một cuộc cách mạng của ngành công nghiệp thời trang, khi trước đây, những nhà thiết kế chủ yếu trình bày tác phẩm của họ trên các ma-nơ-canh. Hình thức này dần trở nên phổ biến và bắt đầu lan rộng đến các thành phố nhộn nhịp như London (Anh) và New York (Mỹ).
Charles Frederick Worth - “cha đẻ” của fashion show thời kỳ đầu.
Tuy nhiên, những show diễn này vào ban đầu còn khá nhỏ và chủ yếu dành riêng cho những người có nhu cầu mua sản phẩm. Thậm chí, việc chụp ảnh tại dạng sự kiện này từng bị nghiêm cấm vì những nhà thiết kế lo ngại rằng ý tưởng của mình sẽ bị sao chép.
Những fashion show đầu tiên có quy mô nhỏ, chỉ dành riêng cho một nhóm khách hàng.
Phát triển thành sự kiện tầm cỡ và có quy mô toàn cầu
Bối cảnh thời trang thế giới trải qua một bước ngoặt quan trọng sau Thế chiến thứ hai, với các hãng thời trang dần mở rộng đối tượng khán giả tham dự show và hướng đến công chúng nhiều hơn. Christian Dior nổi lên như một biểu tượng kinh điển trong kỷ nguyên này, để lại dấu ấn không thể phai mờ bằng buổi trình diễn thời trang đầu tiên của ông tại Paris vào năm 1947. Bộ sưu tập có tên gọi “New Look” với những chiếc váy bồng bềnh, xòe ra một cách trang nhã từ phần thắt eo được cắt may tỉ mỉ, thể hiện một phong cách thẩm mỹ đột phá của thời đại.
BST New Look của Dior làm thay đổi lịch sử thời trang.
Ngành công nghiệp thời trang tiếp tục trải qua một cuộc thay đổi lớn vào những năm 1960 với sự ra đời của quần áo may sẵn (ready-to-wear). Bên cạnh đó, sự phát triển của văn hoá giới trẻ là yếu tố khiến các buổi trình diễn thời trang dần “lột bỏ” sự sang trọng thông thường. Ảnh hưởng ngày càng tăng của chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng đã thúc đẩy mong muốn cá nhân hóa, khiến các buổi biểu diễn ngày càng trở nên độc đáo và xoá nhoà ranh giới giữa nghệ thuật và thời trang vào những năm 1980.
Sàn diễn những năm 1960 giới thiệu các thiết kế hướng đến khách hàng trẻ.
Đến những năm 1980, các fashion show dần trở nên độc đáo hơn.
Sau đó, các fashion show bắt đầu leo thang cả về quy mô và số lượng. Các buổi trình diễn được quảng bá rầm rộ với thành phần khán giả đa dạng, từ biên tập viên thời trang, sao hạng A, blogger đến những nhân vật có sức ảnh hưởng truyền thông. Những sàn diễn thời trang chuyển đổi từ nền tảng bán hàng đơn thuần thành các sân khấu giải trí hấp dẫn, thu hút.
Hàng ghế đầu tại các fashion show hiện đại là nơi hội tụ các gương mặt quyền lực, có sức ảnh hưởng đối với công chúng.
Sàn runway trở nên đa dạng với nhiều biến tấu thú vị, đem đến trải nghiệm khó quên.
Rất nhiều hình ảnh trên sàn diễn được truyền thông rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội.
Trong những năm gần đây, các buổi trình diễn thời trang đã phát triển thành những chương trình biểu diễn sân khấu đầy tham vọng, kết hợp hoàn hảo giữa lĩnh vực nghệ thuật và thương mại. Một ví dụ đáng chú ý là nhà thiết kế quá cố người Anh Alexander McQueen, người đã vượt qua ranh giới của sự sáng tạo bằng cách kết hợp các yếu tố “dị biệt”, gây bất ngờ giới mộ điệu. Trong số đó, màn kết show diễn giới thiệu bộ sưu tập “Joan” của ông với hình ảnh người mẫu giấu mặt trong chiếc váy mang sắc đỏ của máu, đứng giữa vòng tròn rực lửa đã khiến khán giả hết sức kinh ngạc.
Màn kết show BST “Joan” của Alexander McQueen với hình ảnh có phần “quái dị” nhưng cực kì mãn nhãn.
Nhìn lại bức tranh thời trang Việt Nam
Theo dòng chảy phát triển, fashion show bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2000 - bước đầu đánh dấu vị trí của thời trang Việt trên bản đồ quốc tế. Mặc dù còn khá non trẻ nhưng ngành thời trang Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, thu hút khán giả bằng những show diễn chất lượng cao đến từ các thương hiệu nổi tiếng trong nước.
Đầu tiên phải kể đến Elle Fashion Show, ra đời với mục đích mang thời trang Việt tiệm cận với thế giới, tái định nghĩa về show diễn thời trang mang tính chất ready-to-wear thay vì giới thiệu những khái niệm trừu tượng. Phiên bản đáng chú ý nhất của Elle Fashion Show diễn ra vào năm 2022, là một sự kiện thời trang quy mô hoành tráng với sự đầu tư đáng kể.
Elle Fashion Show 2022 - không gian nghệ thuật tổng hòa giữa âm thanh và ánh sáng.
Elle Fashion Show 2022 đã thu hút hơn 1.000 khán giả và khách mời với sân khấu độc đáo kết hợp các màn trình diễn nghệ thuật ấn tượng. Không chỉ giới thiệu những bộ sưu tập đến từ các nhà thiết kế tài năng, sự kiện còn gây chú ý với chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết từ không gian sàn diễn, ánh sáng, hiệu ứng công nghệ 3D mapping kết hợp âm nhạc đương đại và nhạc nước. Tâm điểm của sàn catwalk đặc biệt này là một quả trứng 3D khổng lồ được làm thủ công, với chiều cao hơn 10 mét và chiều dài hơn 23 mét.
Sân khấu hoành tráng với màn trình diễn nhạc nước ngoạn mục.
Tâm điểm của sàn catwalk là hình ảnh quả trứng, được xem như cái nôi nuôi dưỡng và chắp cánh cho những thế hệ tiên phong.
Và không thể không nhắc đến sự bùng nổ lớn nhất của thời trang Việt Nam, đó là sự ra đời của Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam (VIFW). Từ sàn diễn VIFW, công chúng không chỉ yêu thích và hào hứng với các buổi trình diễn thời trang chuyên nghiệp mà còn giúp các thương hiệu hiểu được tầm quan trọng của fashion show trong việc xây dựng và khẳng định danh tiếng của mình.
Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam được đánh giá là fashion week có chất lượng cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tiếp nối thành công của các buổi trình diễn tại VIFW, các nhà thiết kế bắt tay thực hiện các show diễn của riêng mình. Một vài gương mặt thành công có thể kể đến như: Đỗ Mạnh Cường, Nguyễn Công Trí, Lê Thanh Hòa, Đỗ Long, Chung Thanh Phong,...
Show diễn SIXDO F/W 2022 của NTK Đỗ Mạnh Cường với sàn diễn được xây dựng hoành tráng, chia làm 3 đường catwalk.
BST Cong Tri Xuân – Hè 2022 của NTK Nguyễn Công Trí được tổ chức trong không gian xa hoa, tráng lệ tựa một buổi dạ tiệc. Điều đặc biệt là các người mẫu trình diễn cầm trên tay bảng số như những buổi fashion show thế kỷ 19 tại kinh đô thời trang Paris.
Private wedding fashion show LOVE No.3 của NTK Lê Thanh Hòa diễn ra ngoài trời, toàn bộ sàn runway được phủ màu xanh tươi mát, không gian thơ mộng với hoa tươi và những cánh bướm xinh đẹp.
BST Rhythm Resort 2023 của NTK Đỗ Long đem đến trải nghiệm mãn nhãn với sàn runway dài 70m uốn lượn dọc bờ biển, thể hiện rõ tinh thần của một kỳ nghỉ dưỡng lý tưởng.
Trong Fashion Voyage #5, bộ sưu tập CTP No.2 của NTK Chung Thanh Phong theo trường phái vị lai, được trình diễn trên sân khấu kết hợp giữa ánh sáng, nước, lửa, laser và âm nhạc.
Thời trang Việt đổ bộ sàn diễn quốc tế
Thời trang Việt đang bước vào một chương mới thú vị và đầy hứa hẹn. Bên cạnh sự nở rộ của những show diễn thời trang trong nước, nhiều nhà thiết kế Việt Nam đã nắm bắt cơ hội để giới thiệu sản phẩm của mình trên các sàn diễn quốc tế. Trong Tuần Lễ Thời trang London Xuân - Hè 2023, nhà thiết kế Trần Hùng đã cho ra mắt bộ sưu tập 39 mẫu trang phục thể hiện rõ nét phong cách cá nhân của mình. Loạt trang phục phom dáng đơn giản nhưng tinh xảo, hoàn toàn có tiềm năng sánh ngang với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Trong không gian cổ kính của khách sạn 114 tuổi tại nước Anh, các người mẫu tự tin trình diễn các bộ trang phục của NTK Trần Hùng.
Trong khi đó, nhà thiết kế Peter Do đem đến màn trình diễn tối giản theo hướng đương đại, đưa nguồn cảm hứng từ áo dài truyền thống Việt Nam vào bầu không khí đô thị sôi động của Tuần lễ Thời trang New York Xuân 2022 thông qua bộ sưu tập “Home” của anh.
NTK gốc Việt Peter Do đem đến hình ảnh tà áo dài với cách xử lý sáng tạo, phóng khoáng trên sàn diễn thời trang nước Mỹ.
Kết lại
Bằng cách kết hợp yếu tố sân khấu và nghệ thuật, các nhà thiết kế từng bước nâng trải nghiệm fashion show lên một tầm cao hoàn toàn mới, biến sàn diễn thành một hình thức kể chuyện sống động thay vì chỉ trưng bày quần áo. Thông qua sự sáng tạo không ngừng nghỉ, họ đã tạo ra các trải nghiệm hấp dẫn và khó quên cho khán giả. Không chỉ bó buộc ở những hình thức đã cũ, fashion show vẫn “tiến hoá” từng ngày, không chỉ là nơi giới thiệu các sản phẩm may mặc mà còn tạo nên một không gian giao thoa giữa thời trang, nghệ thuật và thương mại.
Fashion show đóng vai trò then chốt trong việc định hình những cột mốc quan trọng cho thời trang Việt Nam, thúc đẩy sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà thiết kế trẻ. Theo dòng chảy của thời gian và làn sóng thời trang không ngừng thay đổi, cơ hội phát triển của các nhà mốt Việt cũng trở nên rộng mở và tươi sáng hơn bao giờ hết. Sự phát triển trong ngành công nghiệp này không chỉ lan tỏa tầm ảnh hưởng trên thị trường của các thương hiệu trong nước mà còn là phương tiện quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Biên tập: Quỳnh Hương
Nguồn: Tổng hợp