Các bạn còn nhớ những trò chơi “Quay số trúng thưởng”, “Bốc thăm trúng thưởng” hoặc “Phóng phi tiêu trúng thưởng” ở những gian hàng triển lãm hoặc tại những sự kiện ra mắt sản phẩm không? Mục tiêu của những trò chơi đó là gì chắc các bạn biết chứ? Đó chính là để tăng sự hào hứng, sự kết nối và trải nghiệm của người tham gia với nhãn hàng. 


Mặc dù mang lại hiệu quả tương tác cao, nhưng những trò chơi đó chỉ có thể giới hạn ở một số hình thức sự kiện nhất định và diễn ra ở một khung giờ và địa điểm được định sẵn, nếu người tham gia bỏ lỡ thì sẽ khó có cơ hội tham dự lại. Vậy thì với những hình thức sự kiện khác như hội nghị, meeting, workshop hoặc training thì chúng ta có thể game-hoá để tăng kết nối với người tham gia được không? Người tham gia toàn quyền kiểm soát thời gian và cách thức chơi được không?


Câu trả lời là: trong thời đại kỹ thuật số, mọi thứ đều có thể xảy ra. 


Vậy thì Gamification (trò chơi hoá, game hoá) tại sự kiện là gì?


Game ở đây không phải là một trò chơi trên máy điện thoại mà có thể hiểu đơn giản là phần mềm tương tác sử dụng cơ chế trò chơi để thu hút người tham dự, nâng cao trải nghiệm và hành vi của người tham gia và đồng thời đạt được mục tiêu sự kiện.


Các trò chơi này được thiết kế theo dạng competition (cuộc thi đấu, tranh tài), tích luỹ điểm, nhập vai, scavenger hunt (săn kho báu), v.v. Đi kèm sẽ là những phần thưởng hiện vật hoặc hiện kim, tuỳ vào ban tổ chức hoặc nhà tài trợ, cho những người thắng cuộc. 


Lợi ích của Gamification là gì?


Tăng sự trải nghiệm nói chung

Gamification được sử dụng để tăng mức độ tương tác của người tham dự, tăng doanh số bán hàng, tạo bầu không khí thoải mái hơn, cải thiện phương thức quản lý sự kiện, v.v. Do đó, các nhà tổ chức sự kiện trong ngành tổ chức sự kiện hiện đại đừng bỏ qua việc cân nhắc sử dụng gamification trong sự kiện của mình. 


Tăng sự tập trung 

Đối với sự kiện online như workshop hoặc seminar, Gamification còn có lợi ích khá hay ho là tăng khả năng duy trì sự tập trung. Trong các sự kiện online, việc giữ cho người tham gia tập trung là một thử thách khó khăn, vì thế, việc game hoá bao gồm các hoạt động trải nghiệm yêu cầu những người tham gia sự kiện làm việc cùng nhau để giải quyết một vấn đề hoặc đạt được một kết quả chung sẽ giúp họ tăng hứng thú học tập, nâng cao sự tập trung và từ đó tiếp thu thông tin tốt hơn và chất lượng của sự trải nghiệm. 


Tăng sự kết nối

Việc tạo ra những kết nối ngẫu nhiên giữa những người tham gia diễn ra rất tự nhiên, từ việc cạnh tranh điểm lẫn nhau, hoặc từ những yêu cầu kết nối chỉ để lấy điểm cho đến việc có cùng đáp án cho một câu hỏi nào đó cũng có thể kết nối con người rất nhanh. Không ít người ngại đến sự kiện vì họ không giỏi giao tiếp hoặc không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào, thì chính việc tham gia trò chơi cùng nhau là tiền đề cho những mối quan hệ giá trị sau đó. 


Năm 2017, thị trường Gamification toàn cầu được định giá 2,17 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 19,39 tỷ USD vào năm 2023. Khi trọng tâm trong ngành sự kiện chuyển sang trải nghiệm tương tác, thực hành, game hoá sự kiện sẽ ngày càng phổ biến. Việc này cũng không có gì lạ, vì ngoài việc thêm Gamification vào các sự kiện, các công ty lớn cũng đã thử nghiệm nó việc đào tạo nhân viên trở nên thú vị hơn, để xây dựng và duy trì văn hóa nơi làm việc và để tăng sự hài lòng của nhân viên. Một số trong số đó một số công ty bao gồm MLB, Adobe, NBC và Salesforce.



Làm thế nào thúc đẩy hành vi người tham gia?

Để thúc đẩy các hành vi của người tham gia, trước tiên người tổ chức sự kiện phải được rằng những hành vi nào nên được khuyến khích. Ở vai trò người tổ chức, chúng ta có thể có thể khuyến khích người tham dự thực hiện các nhiệm vụ mà họ coi là ưu tiên như đăng ký sớm, tham gia thảo luận, giải quyết vấn đề, ghé xem các gian hàng triển lãm, network, tham gia các bài tập xây dựng nhóm, truy cập thông tin, hoàn thành khảo sát, thu thập kiến thức hoặc tìm hiểu về các mục tiêu của công ty. 


Động lực để thúc đẩy hành vi hiệu quả đó là phần thưởng. Ví dụ, từ những ngày đầu khi ra mắt sự kiện với công chúng, chúng ta có thể kết hợp game tích luỹ điểm với một to-do list (danh sách việc cần làm) để kích thích tương tác với người tham gia như sau: 


Trước sự kiện:

  • Đăng ký tham gia: 1 điểm
  • Mời 1 bạn tham gia: 1 điểm
  • Chia sẻ trên mạng xã hội (MXH): 1 điểm


Trong sự kiện:

  • Check in trên MXH: 1 điểm
  • Đăng story trên MXH: 1 điểm
  • Selfie với 1 người lạ: 1 điểm

 

Sau sự kiện: 

  • Đánh giá sự kiện trên website: 1 điểm
  • Trả lời survey: 1 điểm


Sau khi hoàn thành xong list này, người tham gia sẽ được tặng một phần quà hoặc giảm giá vé cho lần tham dự sau. Điều này sẽ kích thích sự tương tác và kết nối giữa đối tượng tham gia và người tổ chức. Vì thế, khả năng họ quay trở lại cũng sẽ cao hơn. 


Gamification hoạt động như thế nào? 


Gamification là các phần mềm, được tiếp cận qua nền tảng website hoặc ứng dụng điện thoại. Các bạn không cần lo lắng là chúng ta phải tự vắt óc suy nghĩ viết ra những ứng dụng này. Vì với công nghệ mới hiện nay, nhiều nhà cung cấp dịch vụ đã viết sẵn nền tảng ứng dụng cho Gamification dành riêng cho sự kiện. Họ còn tạo điều kiện cho người tổ chức sự kiện cá nhân hoá ứng dụng trò chơi thông qua nền tảng ứng dụng sẵn có. Người tổ chức có thể tùy chọn những hoạt động họ cho là sẽ kết nối với người tham dự tốt hơn với chi phí phải chăng hơn so với việc viết hẳn một chương trình ứng dụng riêng cho sự kiện. 


Các trò chơi trên ứng dụng có sẵn này đã được thiết kế dựa trên việc nghiên cứu hành vi tương tác của người dùng với mục đích mang lại hiệu quả cao nhất khi sử dụng. Do đó, những người tổ chức hoàn toàn tự tin là mình đã được tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Gamification trong các sự kiện của mình. 


Một số nhà cung cấp Gamification có tiếng trên thị trường hiện nay có thể kể đến là Eventmobi, MeetingPlay, Socio, Glueup, Scavify, Alternate Experiences, v.v.


Kết luận


Tóm lại, Gamification càng ngày càng khẳng định chỗ đứng trong ngành event thời số hoá qua những hiệu quả nó mang lại. Dù hiện tại, ngân sách dành cho Gamification là không nhỏ nếu như bạn tìm những nhà cung cấp có tiếng. Tuy nhiên, một nhà cung cấp chuyên nghiệp sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các mục tiêu của sự kiện, mang lại tư duy đổi mới và sáng tạo, đồng thời cho bạn động lực tạo ra trải nghiệm thực sự hấp dẫn cho những người tham dự. Chất lượng event cũng từ đây mà được đánh giá cao hơn vì happy attendee, successful event (người tham gia vui thì event thành công).