Kịch bản đường dây là một loại công cụ cực kỳ hữu ích để bạn biết được chương trình bao gồm những tiết mục nào và bao giờ sẽ diễn ra. Yếu tố nào tạo thành và cách tốt nhất để áp dụng nó sẽ được chia sẻ ngay sau đây.


Điều cơ bản


Về cơ bản, kịch bản đường dây cho biết tại thời điểm đó, những gì sẽ xảy ra. Nó thường được điều hành bởi đạo diễn chương trình. Đạo diễn chương trình là người điều khiển toàn bộ chương trình, trao đổi và điều phối toàn bộ những bên liên quan thông qua bộ đàm, bao gồm những vị trí ở khu kỹ thuật, sân khấu, hậu đài... Ekip thực hiện chương trình cần có trí nhớ tốt và độ logic cao nhưng chúng ta không thể ghi nhớ tất cả hàng triệu điều diễn ra trong chương trình. Vì vậy, việc xây dựng điều này sẽ giúp bạn dễ nhớ hơn và đạt hiệu quả công việc cao hơn.



Công cụ thực hiện


Một công cụ mà có lẽ tất cả những người lập kế hoạch sự kiện sẽ chọn cho kịch bản đường dây đó chính là Excel hay Google trang tính. Những công cụ này thật sự hữu ích và dễ dàng sử dụng. 

Điều cần lưu ý là trong kịch bản đường dây không chỉ thể hiện tiết mục tiếp theo của ca sĩ nào hay phần trao thưởng của ai, mà nó còn bao gồm tất cả mọi thứ về âm thanh, ánh sáng, hậu đài... 



Xây dựng kịch bản đường dây


Dưới đây là những mục cần có trong kịch bản đường dây. Từng mục nhỏ liệt kê sẽ tương ứng với từng cột tính từ trái sang phải trong Excel hay Google trang tính.


Số thứ tự


Đây là một trong những yếu tố quan trọng. Hãy đánh dấu số thứ tự ở cột đầu tiên bên trái, điều này sẽ cực kỳ hữu ích trong trường hợp cần trao đổi thông tin nhanh.


Thời gian


Cột tiếp theo là thời gian. Điều này rất hữu ích để bạn biết liệu bạn có bắt đầu đúng giờ hay không. Cột thời gian này mang lại cho bạn một vài lợi ích sau.

Nó cho biết sự kiện bắt đầu khi nào? Khi nào chúng ta phải "câu giờ" hay đẩy nhanh tiến độ? Vì vậy, theo cách đó, nếu bạn đang trễ hơn thời gian dự kiến, bạn sẽ biết được mục tiêu là gì để trở lại đúng giờ. Đặc biệt với những sự kiện bắt buộc phải đúng tiến độ thời gian như sự kiện Countdown hay khung giờ trình diễn của diễn giả hay ca sĩ nổi tiếng thì việc bám sát thời gian này cần phải được đặt lên trên hết.

Mặc dù vậy, cũng đừng cố sống chết để giữ nó đúng thời gian như bạn đã đề ra, vì chúng ta hiểu được không phải sự kiện nào cũng diễn ra cũng đúng giờ và đúng từng mốc trong kịch bản.


Thời lượng


Cột thời lượng sẽ cho biết được phần hiện tại kéo dài bao lâu và thời gian còn lại chính xác để chuẩn bị cho phần tiếp theo. Điều này thuận tiện cho cả ekip chủ động được từng công việc của mình.


Nội dung


Đây là cột mà bạn sẽ gọi tên từng hoạt động trong đường dây chương trình. Hãy đặt tên ngắn gọn và đầy đủ nghĩa của hoạt động đó. Ví dụ trong lễ khai mạc sẽ có những nội dung như: Biểu diễn khai mạc, Chào mừng và giới thiệu đại biểu...


Mô tả


Sát bên cột Nội dung cần có cột mô tả. Về cơ bản, nó cho phép bạn có một cái nhìn nhanh để biết vào thời điểm cụ thể đó có những gì đang xảy ra. Bạn cần tóm tắt ngắn gọn và đầy đủ những hoạt động, những diễn biến tại mục đó. 


Sân khấu


Những phần sau đây là những cột mà bạn nên đưa vào kịch bản đường dây bên cạnh những cột chủ yếu. 

Về sân khấu, điều gì đang xảy ra trên sân khấu? Ca sĩ trình diễn như thế nào, những gì xuất hiện cùng với ca sĩ, diễn giả khi nào cần chờ sẵn (stand by) ở hậu đài...? Đó là những diễn biến ngay tại sân khấu mà chúng ta cần liệt kê.


Màn hình/Visual


Ở mỗi mục hoạt động, bạn cần ghi rõ thứ tự những visual sẽ lần lượt xuất hiện trên màn hình LED. Ví dụ tại mục Clip giới thiệu dự án, thứ tự những visual sẽ là: 1 - Key Visual; 2 - Clip dự án


Ánh sáng


Ánh sáng đúng thời điểm hay phù hợp với khoảnh khắc là một phần tạo nên sự thành công của sự kiện. Bạn nên mô tả màu sắc, chuyển động của ánh sáng hoặc bật - tắt tất cả đèn trong từng thời điểm phù hợp.


Âm thanh


Bên cạnh cột ánh sáng là cột âm thanh. Những thứ bạn cần ghi chú có thể bao gồm: số lượng mic, âm nhạc gì, lúc nào cần lên nhạc, âm thanh lớn hay nhỏ... và bất kỳ điều gì liên quan đến âm thanh.


Ghi chú


Đây là cột cuối cùng trong kịch bản đường dây. Điều này sẽ rất cần thiết cho bất cứ ai trong ekip chương trình muốn ghi chú cá nhân về phần việc mà họ thực hiện hay nhắc nhở chung từ đạo diễn chương trình cho một mục hoạt động nào đó.



Mở rộng


Hãy đưa kịch bản đường dây đến với toàn bộ ekip khi on-site càng sớm càng tốt, để từng bộ phận có thể nắm được phần việc của mình và ghi chú thêm những thứ cần thiết.

Ngoài ra, hãy ghi chú thật kỹ từng phiên bản được chỉnh sửa, in ra phát và thông báo cho ekip biết sự thay đổi để tránh những nhầm lẫn không đáng có. 



Trên đây là những phần cần có của một kịch bản đường dây cho sự kiện. Bạn có thể thêm hoặc bớt những cột khác tùy vào loại hình sự kiện và mức độ sáng tạo của riêng bạn. Hãy thật chi tiết và cẩn trọng trong việc thực hiện kịch bản đường dây để nó trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực khi on-site, bạn nhé! 



Biên dịch: Như Quỳnh

Nguồn: Endless