Lễ hội âm nhạc Astroworld 2021 diễn ra tại Công viên NRG, thành phố Houston, bang Texas (Mỹ) vào tối 5/11 đã gây ra thảm kịch, nhà chức trách địa phương xác nhận có ít nhất 8 người chết, hàng trăm người bị thương trong số 50.000 khán giả tham gia sự kiện này.
Theo nhiều trang báo đã đưa tin trước đó, hơn chục vụ kiện đã đệ trình và một cuộc điều tra hình sự được thực hiện sau khi 8 người chết và hàng chục người bị thương tại lễ hội âm nhạc Astroworld diễn ra tối 5/11/2021 (giờ Mỹ).
Chuỗi sự kiện lễ hội âm nhạc Astroworld được nam rapper Travis Scott khởi xướng từ năm 2018 và năm nay là năm thứ ba. Lễ hội đặc biệt có sức hút khi diễn ra trong hai ngày và đã hoàn toàn bán sạch vé trên trang web của sự kiện. Các nhạc sĩ và nghệ sĩ dự kiến xuất hiện bao gồm Young Thug và YSL, Bad Bunny, Chief Keef, Tame Impala, Earth Wind & Fire và những người khác. Drake đã tham gia cùng Travis Scott trên sân khấu tại buổi hòa nhạc được phát trực tiếp bởi Apple Music và đăng ảnh lên Instagram sau buổi biểu diễn.
Trái ngược với kì vọng trở thành một lễ hội âm nhạc đậm phong cách đường phố với tiếng reo hò hào hứng của khán giả, Astroworld năm nay là một “nỗi ám ảnh” mà có lẽ sẽ không bao giờ quên đối với những người tham dự, đặc biệt là gia đình của những nạn nhân đã có mặt trong sự kiện. Cụ thể tình huống diễn ra thảm cảnh là ngay từ khi nam rapper Travis Scott tiến lên trình diễn thì đám đông đã bắt đầu đổ dồn về phía sân khấu tạo nên sự chèn ép khủng hoảng. Để rồi kết quả nhận được là những con số gây nên thảm kịch Astroworld: 75 phút trình diễn trong kinh hoàng của người tham dự (ngày thứ 2 của sự kiện, tức buổi trình diễn ngày 6/11 đã bị hủy bỏ ngay sau đó), 8 người thiệt mạng, hơn 300 trăm người bị thương, 50000 người tham dự bị ảnh hưởng tâm lý, hàng triệu đô tiền bồi thường, ít nhất là 15 đơn khởi kiện và các cáo buộc có liên quan đến trách nhiệm của ngôi sao như Travis Scott và Drake kèm theo trách nhiệm về các vấn đề như đảm bảo an toàn cho người tham dự từ đơn vị tổ chức lễ hội.
Theo các trang tin đại phương thì hồ sơ điều tra của cơ quan cảnh sát cho thấy rất nhiều người bị thương, ít nhân viên cấp cứu có mặt tại thời điểm xảy ra thảm kịch. Tuy nhiên, họ vẫn để chương trình diễn ra bất chấp nguy cơ gây hại cho người xem. Trích đoạn trong một đơn kiện của người tham dự: “Khi Drake lên sân khấu cùng với Travis Scott, anh ấy đã góp phần kích động đám đông mặc dù anh ấy biết về hành vi trước đó của Travis Scott. Nam rapper vẫn tiếp tục biểu diễn trong khi đám đông đang hỗn loạn”. Đồng thời các đơn kiện cũng cáo buộc rằng Live Nation Entertainment Inc (đơn vị tổ chức) đã hành động cẩu thả khi không thiết lập sự an toàn thích hợp cho đêm nhạc, không cung cấp an ninh đầy đủ và không duy trì kiểm soát đám đông thích hợp.
Đến đây chắc hẳn bạn sẽ có thắc mắc rằng: Tại sao xảy ra tử vong khi đi dự concert của thần tượng?
Sau đây hãy cùng lắng nghe vấn đề từ góc độ của những chuyên gia trong ngành về nguyên nhân của việc người tham gia thiệt mạng một cách đáng tiếc tại những sự kiện như thế này và tham khảo những giải pháp để ngăn chặn sự tái diễn trong tương lai.
Theo trang Billboard VN, nhiều ý kiến khẳng định rằng những nạn nhân này mất mạng là do bị đám đông giẫm đạp. Trên thực tế, chỉ cần họ bị những người xung quanh ép sát, lực ép có thể chặt đến mức họ không thể thở do thiếu oxy. Khi một đám đông dồn lực đẩy về cùng một phía, lực ép này thậm chí có thể đủ mạnh để bẻ cong cả thép. Trong tình huống một người đứng giữa đám đông tại một sự kiện, người này có lúc phải chịu hai sự chèn ép cùng lúc, đó là một lực đến từ đám đông phía sau đang cố đẩy lên và một lực từ những người xung quanh đang cố thoát khỏi đó. Nếu có một người bị ngã, tình huống này sẽ còn nguy hiểm hơn khi có thể kéo nhiều người khác ngã theo cũng như tạo ra thêm một lực ép khác khi họ đè lên nhau.
Tại sân vận động Hillsborough ở Anh, một vụ chèn ép vào năm 1989 đã dẫn đến cái chết của gần 100 người sau khi hơn 50.000 người hâm mộ đổ vào sân vận động để xem một trận đấu bóng đá. Một cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng ngạt thở là nguyên nhân chủ yếu của phần lớn các trường hợp tử vong. Một số nạn nhân đã bị dòng người ép chặt đến nỗi gương mặt họ bị biến dạng bởi lưới rào xung quanh. “Họ nhận thức được rằng mọi người đang chết và họ bất lực trong việc tự cứu mình”, một báo cáo vào thời điểm đó cho biết.
Nguyên nhân dẫn đến thương vong hàng đầu là thiết kế khuôn viên sự kiện đã không thể đảm bảo được việc mật độ đám đông không vượt quá các nguyên tắc do hiệp hội phòng cháy chữa cháy quốc gia và các tổ chức khác đặt ra. Việc này dẫn đến tình trạng không có đủ không gian cho tất cả mọi người và thiếu khoảng trống để khán giả di chuyển hoặc thoát hiểm. Ngoài ra, yếu tố tâm lý của người tham dự khi họ cùng tập trung đổ dồn về một phía chính là tác nhân trực tiếp gây ra thảm cảnh.
Vậy các nhà tổ chức sự kiện nên chú ý điều gì?
Theo những chuyên gia trong ngành thì các nhà tổ chức sự kiện nên lường trước được tình huống sẽ có những đám đông đầy năng lượng tham gia sự kiện của mình và có biện pháp bảo vệ an toàn. Một trong những giải pháp khả thi nhất đó là bố trí, chia khu vực khán giả ra thành các cụm nhỏ, đồng thời tạo lối đi cho các nhân viên an ninh cũng như lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Các hệ thống quản lý đám đông kém và các nhà tổ chức sự kiện không có các quy trình chặt chẽ để báo động nguy hiểm cho người tham gia là một điều dễ bắt gặp, do đó việc theo dõi đám đông luôn là điều rất quan trọng trong một chương trình có nhiều khán giả tham dự. Chuyên gia khuyến nghị rằng các sự kiện nên đào tạo những người theo dõi đám đông với tai nghe khử tiếng ồn để giao tiếp trực tiếp với các nhân viên ở gần sân khấu biểu diễn. Các nhân viên này phải sẵn sàng tạm dừng sự kiện nếu có tình huống nguy hiểm đến tính mạng khán giả.
Về phía người tham dự thì các bạn nên làm gì để bảo vệ mình?
Người tham dự nên cố gắng không nên quá khích trong tình huống này, khi bạn gặp được thần tượng trong không khí tràn đầy sự phấn khích và hiệu ứng đám đông cổ vũ bạn thì rất dễ dàng dẫn đến sự mất kiểm soát. Nhưng xin hãy lưu ý rằng mục đích chính khi bạn tham dự vào sự kiện âm nhạc này chỉ là để giải trí, để thư giãn và tạo những khoảnh khắc đẹp cho mình nên sự an toàn cho bản thân bạn là điều quan trọng.
Không sử dụng các chất kích thích mạnh thuộc loại ma túy. Có nhiều thông tin cho rằng thảm kịch Astroworld đến từ việc người tham dự đã sử dụng chất kích thích, tuy nhiên vấn đề trên vẫn đang được tiến hành điều tra. Ở yếu tố này thì các nhà tổ chức cũng có thể tham khảo về các biện pháp kiểm tra và phòng ngừa vấn đề này có thể xảy ra.
Người tham dự nên chuẩn bị nước cho mình để tránh bị mất nước. Việc bạn liên tục vận động tại một khu vực quá đông người sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh chóng, do nhiệt độ cao và cường độ hô hấp mạnh nên lượng Oxy trong không khí cũng sẽ giảm nên việc uống nước sẽ giúp bạn bù nước và cung cấp thêm Oxy cho cơ thể để tránh tình trạng kiệt sức hoặc đột quỵ có thể xảy ra.
Tóm lại, với những nhà tổ chức sự kiện họ sẽ không sử dụng những từ ngữ như “giẫm đạp”, “dồn ép”, “quá khích” vì chúng chỉ thể hiện rằng nguyên nhân là từ phía người tham dự và thể hiện sự vô trách nhiệm của đơn vị tổ chức khi đã không đem đến được một môi trường giải trí an toàn, lành mạnh cho người tham dự. Thảm kịch Astroworld không phải là thảm kịch âm nhạc gây chết người đầu tiên nhưng không chắc sẽ là cuối cùng. Hậu quả sau những thảm kịch này là vô cùng to lớn về cả mặt sức khỏe, của cải, sự nghiệp… vì thế hãy làm tốt từ công tác chuẩn bị, tổ chức, dự báo rủi ro cho sự kiện theo như đúng trách nhiệm của một nhà tổ chức sự kiện nên có.
Đừng khiến những sự kiện âm nhạc từ thiên đường giải trí thành những thảm cảnh bi kịch trong lịch sử.
Kiều Quyên