Trong các chương trình sự kiện, có thể nói rằng sân khấu luôn là tâm điểm, là nơi tập trung mọi ánh nhìn của người tham gia. Bởi lẽ đây là nơi diễn ra các hoạt động chính xuyên suốt chương trình. Chính vì vậy, lựa chọn sân khấu phù hợp là vô cùng quan trọng và cần ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, mỗi sự kiện với nội dung và tính chất khác nhau thì sẽ quyết định loại sân khấu với những ưu, nhược điểm riêng biệt. Hôm nay, Stage!Vietnam sẽ giới thiệu cho các bạn 3 loại sân khấu phổ biến nhất nhé!


1. Sân khấu hình chữ U


Bạn có thể dễ dàng bắt gặp sân khấu hình chữ U tại các sàn diễn thời trang, các cuộc thi hoa hậu hay các sự kiện cần sự tương tác từ khán giả. Dạng sân khấu này tạo điểm nhấn với thiết kế nổi bật ở giữa hoặc ở hai bên lối đi. Với thiết kế đơn giản nhưng sang trọng, loại hình sân khấu này được ưa chuộng sử dụng tại các sàn diễn thời trang nổi tiếng. 


Ở dạng sân khấu hình chữ U, ghế sẽ được xếp dọc theo hai bên với chiều cao ngang tầm so với sân khấu để khán giả có thể dễ theo dõi chương trình. Khách mời VIP thường sẽ ngồi hàng ghế đầu và ở giữa để thấy hết tổng quan sân khấu.



2. Sân khấu hình chữ T

 

Đây là loại hình sân khấu phổ biến và sử dụng nhiều nhất. Được sử dụng đa dạng ở nhiều sự kiện như khai trương, talkshow, các chương trình nghệ thuật biểu diễn đơn giản, … Sân khấu hình chữ T được bố trí trong không gian vừa phải và có chỗ đứng.


Sân khấu này được thiết kế cao hơn so với chỗ ngồi của khán giả. Chính vì vậy, thường họ sẽ được bố trí ngồi cách xa sân khấu vài mét mới có thể nhìn thấy toàn bộ các góc nhìn. Các khách mời VIP sẽ được bố trí ngồi ở hàng ghế đầu bên trái hoặc ở giữa sân khấu.



3. Sân khấu 360 độ


Sân khấu 360 độ được sử dụng tại các chương trình âm nhạc lớn, music-liveshow hay diễn thuyết, … Bởi lẽ nhờ thiết kế độc đáo của sân khấu, khán giả thường có thể nhìn thấy toàn bộ mọi thứ diễn ra trong chương trình mà không có góc khuất. Loại sân khấu này không có cánh gà nên tất cả công cuộc chuẩn bị phải được chu toàn phía dưới sân khấu.


Ở sân khấu 360 độ, khán giả sẽ được bố trí ngồi xung quanh và thấp hơn sân khấu. Tuy nhiên đối với các sự kiện có quy mô khán giả lớn, họ sẽ được ngồi cao hơn như một khán đài tại sân vận động.



Kết luận


Tóm lại, trên đây là một số loại sân khấu phổ biến. Hãy cân nhắc và xem xét sự kiện của bạn thật kỹ trước khi đưa ra sự lựa chọn cho “tâm điểm” này. Bởi nếu lựa chọn sai loại sân khấu, sự kiện của bạn có thể hạn chế ánh nhìn của người xem. Hãy chia sẻ bài viết này nếu bạn cảm thấy hữu ích nhé!


Biên tập: Đỗ Thanh

Nguồn: Tổng hợp