Không thể phủ định rằng mạng xã hội ngày nay chính là trợ lý đắc lực để doanh nghiệp của bạn xây dựng mối quan hệ bền vững với đối tác, thể hiện được chuyên môn của công ty và thu hút tệp khách hàng tiềm năng. Thế nhưng, công cụ vạn năng này là 1 biến số thay đổi với tốc độ chóng mặt, những mạng xã hội hay các content từng “làm nên chuyện” ở năm nay chưa chắc có thể áp dụng được cho năm sau. Vậy đâu sẽ là “sân chơi” mà người làm Event chuyên nghiệp nên “chiếm sóng” để nâng tầm sự kiện của công ty? 


Biên tập: VietNam Event Group

Nguồn: Tổng hợp


Facebook


Với thống kê Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới, có thể nói Facebook và gần đây hơn là Linkedin, vẫn đang là 2 nền tảng thông dụng với không chỉ những người làm trong ngành event mà còn cả những ngành nghề khác. Fanpage có thể được tận dụng để người dùng mạng xã hội này thấy được những chương trình, sự kiện mà công ty đã thực hiện - như 1 cách để quảng bá hình ảnh và độ chuyên nghiệp của đội ngũ công ty. Xây dựng chiến lược branding cho doanh nghiệp trên Facebook chưa bao giờ là lỗi thời bởi đây là nền tảng duy nhất được sử dụng và ưa chuộng bởi cả những người lớn và trẻ, từ gen X, Y đến những bạn gen Z hay thậm chí là Alpha. 



Linkedin


Linkedin là nền tảng hữu ích để nhắm đến nhóm đối tượng khách hàng là B2B và đóng vai trò tuyệt vời để giới thiệu các bài báo, đề cử giải thưởng và những sự kiện nổi bật trong ngành. Các content được ưa chuộng trên nền tảng này có thể kể đến như việc chia sẻ kiến thức chuyên ngành, thúc đẩy cơ hội kết nối chuyên nghiệp và nhấn mạnh các hoạt động hợp tác với các đối tác lâu năm. Lưu ý rằng chúng ta cũng có thể tiết kiệm nguồn lực bằng cách chia sẻ những nội dung tương tự với kênh Facebook đồng thời gắn thẻ thêm những đơn vị liên quan để mở rộng được phạm vi tiếp cận của bài đăng. Đối với Linkedin, những nội dung hay và mang lại giá trị cao sẽ thường được các nhóm người đọc hiện là Executive hoặc Manager repost trên các kênh cá nhân, góp phần củng cố vị thế một đơn vị dẫn đầu trong ngành của công ty bạn. Xây dựng được một kênh Linkedin tốt sẽ giúp định vị doanh nghiệp mình là một đối tác quan trọng trong ngành, đồng thời xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia trên nền tảng này. 



Instagram


Instagram và TikTok là những mạng xã hội “trẻ” hơn tại Việt Nam. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng Instagram để đa dạng hóa nội dung, hướng đến cả đối tượng khách hàng doanh nghiệp (B2B) và cá nhân (B2C). Những bài đăng hấp dẫn về mặt hình ảnh, đẩy mạnh về tính chuyên môn cũng như nhấn mạnh vị thế dẫn đầu ngành sẽ thu hút được lượng người theo dõi rộng rãi hơn. Những nội dung theo phong cách 'góc nhìn cá nhân' (POV) thường được ưa chuộng hơn trên kênh này và đòi hỏi ít công cụ chuyên nghiệp để quay và dựng. Những nội dung càng nghiệp dư nhưng mang tính cá nhân hoá của doanh nghiệp bạn lại thường được yêu thích hơn các kênh có hình ảnh quá chuyên nghiệp, ví dụ như sử dụng iPhone quay video/ reels thay vì máy ảnh DSLR. Thông qua nền tảng này, việc xây dựng nhận diện thương hiệu và quan trọng nhất là thể hiện khía cạnh con người của công ty là tiêu chí được đánh giá rất cao. Trong thời đại kỹ thuật số, yếu tố con người thường dễ bị lãng quên, vì vậy việc thể hiện sự gần gũi và giới thiệu những con người đằng sau thương hiệu đến với khác hàng nhằm xây dựng niềm tin và sự yêu thích là vô cùng quan trọng. 



TikTok


Khác với 3 nền tảng trên, TikTok có thể được xem là mạng xã hội “mầm non” bởi không chỉ kênh social này sinh sau đẻ muộn mà còn bởi phần lớn users là những bạn trẻ thuộc gen Z. Chính vì thế. nội dung xây dựng trên TikTok sẽ cần tinh chỉnh để phù hợp hơn với nhóm người sử dụng. Các content liên quan đến người nổi tiếng, bắt trend thường là những nội dung nhận được tương tác cao và thịnh hành. Gần đây, nền tảng này đã phát triển trở thành một công cụ để mọi người tìm kiếm, chẳng hạn như review những địa điểm du lịch, những quán ăn ngon tại thành phố,...bởi tính chất sống động và chân thực hơn Google. Chính vì thế, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp nâng cao độ nhận diện thương hiệu, tuy nhiên, với sự cân nhắc kĩ càng rằng liệu nhóm đối tượng mục tiêu của công ty mình có hoạt động tích cực trên TikTok hay không. 



Lời kết


Nhìn chung, mạng xã hội ngày nay đã phát triển thành một không gian để duy trì các mối quan hệ và xây dựng lòng tin. Giữ vững một hình ảnh thương hiệu nhất quán và chân thực trên mạng xã hội là chiến lược chung của nhiều chuyên gia tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng mỗi nền tảng mạng xã hội đều có những đặc trưng riêng, nên việc điều chỉnh cách tiếp cận trên từng nền tảng khác nhau là vô cùng cần thiết. Hãy nhớ, đừng ngại cập nhật xu hướng và thử nghiệm đa dạng những content mới để tối đa hóa mức độ tương tác với khán giả. Quy trình lặp đi lặp lại giữa việc thử nghiệm chiến thuật mới - đo lường phản hồi từ khán giá - tinh chỉnh chiến lược phù hợp sẽ giúp mạng xã hội trở thành công cụ tuyệt vời để khuếch đại tiếng nói thương hiệu của bạn. Bằng cách sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, bạn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân, kết nối với khách hàng tiềm năng và thu hút khách hàng mới cho doanh nghiệp tổ chức sự kiện của mình.