Trong những sự kiện quan trọng và lễ hội lớn, thời tiết luôn là yếu tố khó lường, có thể ảnh hưởng lớn đến sự thành công hay thất bại của một sự kiện. Từ các buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời, các lễ hội văn hóa đến các sự kiện thể thao quốc tế, không ai muốn phải đối mặt với cơn mưa bất chợt. Chính vì vậy, công nghệ “ngăn mưa và tạo mưa” đã trở thành một công cụ đắc lực, giúp kiểm soát thời tiết và đảm bảo các sự kiện diễn ra suôn sẻ.
Từ các thành tựu khoa học tiên tiến đến những ứng dụng thực tiễn, công nghệ này đang mở ra những tiềm năng vô tận cho các nhà tổ chức sự kiện trên toàn thế giới. Cùng Stage!VietNam tìm hiểu thêm về công nghệ này nhé!
Sự xuất hiện của công nghệ ngăn mưa
Trong những năm gần đây, công nghệ ngăn mưa, tạo mưa đã trở thành một công cụ đắc lực để đảm bảo các sự kiện lớn không bị gián đoạn bởi thời tiết xấu. Từ những năm 1940, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển nhiều kỹ thuật như sử dụng đá khô, bột muối, iodide bạc (i-ốt), điện tích và xung laser hồng ngoại để can thiệp vào quá trình hình thành mưa.
Các ứng dụng đa dạng của công nghệ tạo mưa và ngăn mưa
Kỹ thuật này không chỉ dừng lại ở việc ngăn hay tạo những cơn mưa mà còn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực:
- Nông nghiệp: Tạo mưa nhân tạo giúp cung cấp nước cho các vùng khô hạn, hỗ trợ nông dân duy trì mùa màng trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các quốc gia như Mỹ, Ả Rập, Ấn Độ và Úc thường xuyên sử dụng công nghệ này để bảo vệ mùa màng.
- Công nghiệp: Trong các ngành công nghiệp như sản xuất năng lượng, việc điều khiển những cơn mưa mưa giúp quản lý lượng nước cho các dự án thủy điện.
- Đời sống: Cải thiện chất lượng không khí, giảm ô nhiễm khói bụi và giữ cho bầu không khí trong sạch.
- Sự kiện và lễ hội: Ngăn mưa trong các sự kiện ngoài trời giúp duy trì sự thoải mái và an toàn cho khán giả, đảm bảo sự thành công của sự kiện.
Ứng dụng công nghệ trong các sự kiện lớn
Một trong những ứng dụng nổi bật của công nghệ này là tại Nga, nơi chính quyền thường xuyên sử dụng cloud seeding để đảm bảo trời không mưa trong các dịp lễ quan trọng như Ngày Chiến thắng 9/5. Theo hãng thông tấn xã Nga TASS, năm 2016, Điện Kremlin đã chi gần 86 triệu rúp (1,3 triệu USD) để ngăn mưa trong lễ kỷ niệm ngày 1/5.
Tại Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đã tuyển mộ một lực lượng lớn nông dân để ngăn mưa, sử dụng các pháo phòng không bắn iodide bạc vào các đám mây. Đây là một phần của chiến lược bảo vệ thời tiết cho Thế vận hội, đảm bảo các sự kiện không bị gián đoạn bởi mưa.
Tomorrowland, lễ hội âm nhạc khiêu vũ điện tử (EDM) lớn nhất thế giới tại Bỉ, cũng đã thử nghiệm sử dụng súng thần công để ngăn mưa vào những năm 2012 - 2013. Mặc dù phương pháp này chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về hiệu quả, nhưng nó đã nhận được nhiều sự chú ý cũng như tranh cãi.
Thách thức và tiềm năng của công nghệ ngăn mưa tại Việt Nam
Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ ngăn mưa vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Trước đây, trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, TS Trần Duy Bình đã từng đề xuất sử dụng công nghệ này, nhưng do chi phí và thời gian chuẩn bị không đủ, kế hoạch đã không được thực hiện.
Theo TS Bình, chi phí thực tế cho việc ngăn mưa thấp hơn nhiều so với con số 1 tỷ USD được đề cập. Ông cho biết, công nghệ này không mới và đã được thử nghiệm thành công tại Việt Nam vào năm 1957 với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của công nghệ ngăn mưa trong việc ứng phó với các tình huống thời tiết bất lợi, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Tuy nhiên, để ứng dụng rộng rãi công nghệ này, Việt Nam cần tiếp nhận và làm chủ công nghệ từ các quốc gia tiên tiến. Đây là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư không chỉ về tài chính mà còn về nhân lực và cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia trong nước cần được đào tạo bài bản, có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học quốc tế để nắm vững kỹ thuật và công nghệ mới.
Trong tương lai, với sự đầu tư và phát triển đúng hướng, công nghệ ngăn mưa có thể trở thành một công cụ hữu hiệu giúp ứng phó với các thách thức về thời tiết, đảm bảo sự thành công của các sự kiện quan trọng và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Lời kết
Công nghệ ngăn mưa, tạo mưa đã chứng minh được tiềm năng to lớn trong việc đảm bảo sự kiện luôn suôn sẻ và không bị gián đoạn bởi thời tiết. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, việc kiểm soát thời tiết sẽ ngày càng trở nên khả thi, biến nắng mưa không còn là “chuyện của Trời”.
Biên tập: Mỹ Hạnh
Nguồn: Tổng hợp