“Không đơn thuần là những cú bấm máy, nhiếp ảnh gia chính là người kể câu chuyện nghệ thuật và truyền cảm hứng của thương hiệu đến với người xem thông qua lăng kính máy ảnh.”


Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hà Anh Tú – Founder của Finn Studio.

Về sự phát triển nhanh chóng của ngành marketing kéo theo tần suất sự kiện tăng vọt khiến “mật độ” các nhiếp ảnh gia sự kiện cũng ngày càng đông đảo. Sau đây là 5 tiêu chí để xác định chất lượng đội ngũ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp dành cho các doanh nghiệp, cũng như những mẹo hữu ích giúp các nhiếp ảnh gia sáng tạo nên sản phẩm chất lượng, theo anh Anh Tú.


1. Nắm bắt và ứng biến linh hoạt giữa các yếu tố ngoại cảnh



Có thể nói, sự kiện tổ chức trong nhà sở hữu điều kiện lý tưởng khi ánh sáng được căn chỉnh cố định và số người tham dự vừa vặn. Mặt khác, sự kiện ngoài trời với luồng sáng tự nhiên có khuynh hướng thay đổi liên tục và với mật độ khán giả đông đúc thì khó tránh khỏi việc chen lấn và tình trạng “photobomb” khiến việc chụp ảnh phức tạp hơn rất nhiều.


Triển lãm trong nhà với bộ đèn chiếu được cố định


Vì vậy, người chụp cần nắm rõ địa hình, xử lý thao tác thành thục và không quên trang bị bộ “kit” gồm đầy đủ pin dự phòng, nước uống cùng đôi giày thể thao êm ái để giữ năng suất ở mức cao nhất. Kiểm tra dự báo thời tiết trước ngày chụp cũng là điều cần thiết để chuẩn bị đồ bảo hộ cho máy kịp thời. Đặc biệt, đối với sự kiện buổi tối, thay vì dùng flash, hãy tận dụng ánh đèn sân khấu để có những tấm ảnh kỳ ảo, hoành tráng.


2. Áp dụng bố cục hợp lý và nêu bật nội dung bức ảnh



“Hình đẹp nhưng không có nội dung” là trường hợp thường gặp đối với những ai mới bước vào nghề. Sản phẩm phải có khả năng khái quát tình hình để người xem hiểu được sự việc và mục tiêu của chương trình – đồng thời là yêu cầu cho nhiếp ảnh gia phải đặt cảm xúc vào bức hình khi chụp.


Phút nghĩ ngợi của ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh


Ngoài các quy tắc bố cục được các nhiếp ảnh gia thuộc “nằm lòng” và áp dụng nhiều như bố cục trung tâm, đối xứng, đường chéo, bố cục ⅓... thì việc phân chia các mảng chính và phụ rõ ràng sẽ giúp người xem bao quát được toàn cảnh bức hình.


3. Xác định nhân vật chính và yếu tố thương hiệu của bức ảnh



Đối với các sự kiện âm nhạc, cần ghi nhớ rằng bên cạnh ca sĩ thì thương hiệu cũng là nhân vật chính của bức hình. Nếu thiếu mất sự xuất hiện của thương hiệu thì đôi khi những bức ảnh đẹp cũng trở thành sản phẩm không đạt yêu cầu. Source hình cần bao quát toàn cảnh sự kiện từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, không nên bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào.


Màn biểu diễn của ca sĩ Isaac trong chương trình ‘The Origami’


Linh hoạt sử dụng ống kính toàn cảnh và Tele (cận cảnh) kết hợp với việc di chuyển liên tục sẽ giúp các phó nháy có những bức ảnh đa góc đầy thú vị. Với các sự kiện sử dụng máy quay toàn, người chụp sẽ phải quỳ thấp, đây cũng là một trong những thử thách khi tác nghiệp.


4. Tác phong chuyên nghiệp và những “quy tắc ngầm” của nghề nhiếp ảnh



Một khi đã nắm rõ các yếu tố cần và đủ, nhiếp ảnh gia nên hiểu những yêu cầu “ngầm” của khách hàng và chủ động yêu cầu thêm các thông tin cụ thể như hình 3D toàn khu vực, các tiết mục và mục tiêu cốt lõi của chương trình. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc hình dung bối cảnh, chuẩn bị ống kính phù hợp và nuôi cảm xúc dần đến ngày diễn ra sự kiện.



Lời khuyên hữu ích tiếp theo chính là hãy có mặt trước giờ G từ 1-2 tiếng nhằm cảm nhận rõ khung cảnh từ ngoài cổng vào trong khán phòng và nắm bắt phần trình diễn của nghệ sĩ để tạo ra những bức hình ưng ý. Hơn nữa, việc này còn giúp người chụp thoát khỏi thế bị động và có thời gian vừa đủ để ứng biến kịp thời.


Nếu không muốn biến “đứa con tinh thần” của mình trở thành sản phẩm truyền tải năng lượng xấu, nhiếp ảnh gia cần chuẩn bị tinh thần vững chãi, minh mẫn và thái độ tích cực để tránh những lời nói hay phản ứng đôi khi có phần gay gắt làm ảnh hưởng đến tâm trạng của mình. Ngoài ra, trang phục chỉn chu cũng là một điểm cộng rất lớn vì điều đó thể hiện tính chuyên nghiệp, sự tôn trọng đối với người tham dự, khách hàng và đồng nghiệp.


5. Nắm bắt khoảnh khắc cảm xúc



Để sở hữu tấm hình “để đời” có 1-0-2 thật không phải dễ. Ngoài yếu tố may mắn, nhiếp ảnh gia nên có sự tinh tế: không tiến sát lại nhân vật, tránh gây loãng cảm xúc bằng cách dùng ống kính tele để chụp từ xa, hạn chế đèn flash... và cũng nên tinh ý tránh các khoảnh khắc không đẹp của nhân vật trong lúc ăn uống, hoặc những giây phút cá nhân riêng tư...


Để bắt được ngay khoảnh khắc trong tích tắc chỉ với một lần bấm máy và truyền tải trọn vẹn cảm xúc qua bức ảnh thì sự cảm nhận tinh tế, nhạy bén của nhiếp ảnh gia là yếu tố tiên quyết. Thay vì quá tập trung vào sân khấu, hãy cảm nhận mạch chương trình và cả khán giả vì đâu đó sẽ có những khoảnh khắc đắt giá, gián tiếp truyền tải và đẩy cảm xúc kèm nội dung sự kiện.

 

Về anh Nguyễn Hà Anh Tú – Founder của Finn Studio



Với 6 năm kinh nghiệm là nhiếp ảnh gia sự kiện, anh Tú từng hợp tác với các thương hiệu tên tuổi như Honda, Sony, Adidas, Uniqlo, AIA, Generali, TP Bank, Sheraton… và gần đây nhất là DIOR. Trước những định kiến nghề nghiệp như “chụp hình event mà, sao cũng được”…, anh quyết định dấn thân vào nghề để chứng minh khả năng và khẳng định con đường của mình bằng chất lượng và các giá trị thông qua sản phẩm mang lại. Dù đã từng đối mặt với “vùng xám” của nghề nhưng anh chưa bao giờ nản lòng. Cảm xúc dâng trào mỗi khi cầm máy tác nghiệp chính là nguồn sức mạnh giúp anh không cảm thấy mệt mỏi mà càng hăng hái thực hiện đam mê của mình.


Theo Nguyễn Hà Anh Tú

Nguồn: BrandsVietnam - Châu Nhi