Là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) và 136 năm Ngày quốc tế lao động (01/05/1886 - 01-/05/2022).


Chương trình nghệ thuật do Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM thực hiện, NSƯT Thanh Thúy chỉ đạo nghệ thuật.


Tối 29/4, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức chương trình nghệ thuật “Bài ca thống nhất, khát vọng vươn cao” nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975-30/4/2022) và 136 năm Ngày quốc tế lao động (01/05/1886-01/05/2022)

.

Nhóm ca múa mở màn chương trình bằng ca khúc "Non sông gấm vóc" – nguồn: tuoitre.vn


Chương trình Bài ca thống nhất, khát vọng vươn cao được xây dựng thành 3 phần: Vì miền Nam thân yêu, Miền Nam thành đồng và Thành phố niềm tin với sự tham gia biểu diễn của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Quang Thọ, Trọng Hữu, Thoại Miêu, NSƯT Lam Tuyền, Vân Khánh, ca sĩ Quốc Đại, Thanh Sử, Cao Công Nghĩa, Hiền Thục, Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng, nhóm Mắt Ngọc, Nhật Nguyệt, Lạc Việt, nhóm FM, nhóm 135...


NSƯT Vân Khánh và nhóm múa trình diễn ca khúc "Câu hò bên bờ Hiền Lương" – nguồn: tuoitre.vn


Các tiết mục trong phần 1 có chủ đề Vì miền Nam thân yêu được dàn dựng thành hoạt cảnh, có câu chuyện rõ ràng, kết nối với nhau, tạo nên sức cuốn hút cho người xem. Đó là trang sử hào hùng, một dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Mở màn là ca khúc Non sông gấm vóc (Lưu Hữu Phước) qua phần biểu diễn của Quốc Đại, Cao Công Nghĩa, Thùy Trinh và NSƯT Tạ Thùy Chi.


Thanh Sử, Thành Tâm, Minh Sang hát Miền Nam ơi chúng tôi đã sẵn sàng (Lưu Cầu); nhóm Lạc Việt và nhóm FM trình bày liên khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân - Đường Hồ Chí Minh trên biển (Huy Thục - Đỗ Hòa An). Điểm nhấn phần này là ca khúc Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh - Hoàng Trung Thông) do NSND Quang Thọ thể hiện, mang đến không khí sôi nổi, hào hùng.


Tốp ca múa trình diễn liên khúc "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" và "Đường Hồ Chí Minh trên biển" – nguồn: tuoitre.vn


Phần 2 của chương trình có chủ đề Miền Nam thành đồng. Ở phần này, đạo diễn dàn dựng chương trình Binh Hùng sắp xếp các ca cảnh, ca cổ và các liên khúc tân nhạc một cách hợp lý, gây ấn tượng cho người xem.


Tam ca và nhóm múa trình diễn tiết mục "Miền Nam ơi chúng tôi đã sẵn sàng" – nguồn: tuoitre.vn


Đó là ca cảnh Son sắt một niềm tin, ca cổ Sài Gòn quật khởi tiến về Sài Gòn... qua tiếng hát của các nghệ sĩ gạo cội cùng các nghệ sĩ trẻ như Trọng Hữu, Thoại Miêu, Lam Tuyền, Nhã Thy...


Các nghệ sĩ trình diễn tiết mục ca cảnh "Son sắt một niềm tin" dưới cơn mưa nặng hạt – nguồn: tuoitre.vn


Trời mưa nặng hạt, đa số khán giả tìm chỗ trú do mưa lớn nhưng các văn nghệ sĩ, vũ đoàn vẫn hát, biểu diễn trên sân khấu. Và điều khiến nhiều người xúc động là hình ảnh nghệ sĩ bất chấp trời mưa đứng trên sân khấu hoàn thành trọn vẹn 2/3 chương trình. mặc cho mưa, gió táp thẳng vào mặt. 


Liên khúc ''Đồng Khởi" và "Giải phóng miền Nam" – nguồn: tuoitre.vn


Nhiều khán giả đã ở lại, trú tạm trong những chiếc áo mưa, chiếc ô để tiếp tục theo dõi cổ vũ sự hi sinh vì nghệ thuật của những người nghệ sĩ.



Hình ảnh khán giả trước và sau khi cơn mưa lớn kéo đến – nguồn: tuoitre.vn


Các đại biểu dự trong mưa cho đến cuối chương trình – nguồn: tuoitre.vn


Có thể nói, sự hết mình của các nghệ sĩ trên sân khấu, và phần trình diễn của mình đã định danh một cách chính xác giá trị nghệ thuật đúng nghĩa mà khán giả mong đợi.

Cuối cùng vì cơn mưa càng lúc càng lớn, Ban tổ chức đã quyết định dừng chương trình để đảm bảo sức khỏe của văn nghệ sĩ và các vũ công…Dù thời tiết đã khiến chương trình không thể diễn hết như kịch bản ban đầu, nhưng khán giả vẫn cảm nhận được sự hết mình của ban tổ chức và các nghệ sĩ.



Nguồn: Báo Tuổi trẻ - Báo mới