Một thiết kế được đánh giá đẹp và bắt mắt khi nó hội tụ được nhiều yếu tố, mà một trong đó là yếu tố của thị giác. Để đáp ứng được yêu cầu này này, bạn phải tuân theo nguyên lý thị giác - tập hợp các nguyên tắc khi thiết kế nhằm đảm bảo sự hài hòa về bố cục cho tác phẩm và thu hút người xem. Vậy thì chúng ta có các nguyên lý thị giác cơ bản nào? Hãy cùng Stage!Vietnam tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!


1. Nguyên lý thị giác hợp nhất 


Đây là nguyên lý phổ biến và cơ bản trong thiết kế hiện đại. Thường người ta sử dụng nguyên lý này để đáp ứng yêu cầu thống nhất giữa màu sắc, hình dạng, đối tượng giống nhau xuyên suốt bản thiết kế. Chính vì vậy chúng sẽ giúp bạn tăng cường sự liên kết giữa các yếu tố thiết kế và các yếu tố liên quan đến chủ đề chính được thể hiện.


Tuy nhiên, khi áp dụng nguyên lý này, bạn khó làm nổi bật được nội dung mà bạn muốn thể hiện. Do đó, đa phần các nhà thiết kế áp dụng nguyên lý này cho thiết kế nội thất hay kiến trúc.



2. Nguyên lý thị giác cân bằng


Nguyên lý thị giác cân bằng được định nghĩa là sự cân đối giữa các yếu tố trong thiết kế đồ họa. Nó không chỉ dừng lại ở việc áp dụng trong bố cục mà còn cân bằng về màu sắc, hình dạng, kiểu chữ, … Tính nguyên lý thị giác cân bằng được tạo bởi 3 hình thức thông dụng: đối xứng và bất đối xứng 


  • Cân bằng đối xứng là cách làm phổ biến trong thiết kế bởi bạn từ lâu đã quen thuộc với chúng và có thể dễ dàng bắt gặp nguyên lý này ở bất kì đâu. Ví dụ trên cơ thể bạn có 2 tay, 2 chân, 2 tai, 2 mắt, … Nguyên tắc này áp dụng vào hội họa cũng không khác gì mấy. Thường tất cả các yếu tố hình (chiều rộng, chiều cao) được đặt đối với nhau qua trục, qua tâm và tất cả những gì liên quan được xếp cân xứng trong một bố cục, như thể có một tấm gương vô hình đặt ở giữa các thiết kế. Cân bằng đối xứng có thể theo chiều từ trái qua phải, trên xuống dưới, hoặc cả hai.
  • Cân bằng bất đối xứng là thuật ngữ để chỉ một thiết có cách sắp xếp mà trong đó các thành phần không nằm “đối diện” nhau qua trục. Kiểu cân bằng này cho phép điều hướng thị giác người xem theo một cách “tự do” hơn, trong khi vẫn đạt được sự hài hòa về tổng thể.



3. Nguyên lý thị giác tương phản


Nguyên lý thị giác tương phản là cách chúng ta tạo nên sự đối nghịch giữa các thành phần trong thiết kế nhằm mục tiêu nhấn mạnh nội dung bạn muốn truyền tải hoặc đơn giản chỉ là muốn tạo nên sự thú vị. Nguyên lý thị giác này được tạo ra bằng cách sử dụng màu sắc (nóng - lạnh), kích cỡ (to - nhỏ), đường nét (thẳng - cong - đứng,...), không gian (rộng - hẹp), nhịp điệu (nhanh - chậm), …


Ưu điểm của nguyên lý này chính là tính dễ đọc mà nó mang đến. Người có thị lực kém có thể sẽ không gặp quá nhiều khó khăn để đọc trên màn hình máy tính quá nhỏ hoặc hiển thị kém. Ngoài ra, các thiết kế áp dụng nguyên lý này còn dễ nhìn từ xa nên thường được áp dụng trên các poster hay billboard,...


Vấn đề ở nguyên lý thị giác tương phản đó là bạn phải biết sử dụng một cách vừa phải và hợp lý bởi bản thiết kế sẽ gây cảm giác nhàm chán nếu không có sự tương phản nhưng cũng trở nên rối mắt nếu sử dụng quá nhiều.



4. Nguyên lý thị giác phân cấp


Nguyên lý thị giác phân cấp là thuật ngữ dùng để chỉ sự phân chia rõ ràng các nội dung chính và phụ trong thiết kế. Đây là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng mà mỗi nhà thiết kế nào cũng phải tuân theo. Nếu mọi thành phần trong bản thiết kế của bạn đều giống nhau hoặc không có gì được làm nổi bật thì người xem khó nắm bắt được chủ đề chính mà bạn muốn truyền tải. Hơn nữa sẽ gây cảm giác nhàm chán và khô khan cho bản thiết kế của bạn.


Có nhiều cách để tạo ra sự phân cấp, bạn có thể sử dụng màu sắc khác nhau hoặc đa dạng kiểu chữ. Ví dụ dùng sắc độ màu sắc khác nhau với chủ đề chính là tông màu đậm.



5. Nguyên lý thị giác lặp lại


Nguyên lý thị giác lặp lại là sử dụng lại các thành phần có các yếu tố giống nhau như màu sắc, hình dạng,.. nhiều lần trong bản thiết kế. Nó được sử dụng để mang lại tính đồng điệu và liên tục, đồng thời tạo nhịp điệu cho sản phẩm của bạn. Cách sử dụng nguyên lý này khá đơn giản. Chẳng hạn, bạn có thể thống nhất sử dụng chung phông chữ, hoa văn, màu sắc khi thiết kế. 


Sự nhất quán sẽ giúp tác phẩm dễ nhận biết hơn đối với người xem. Không chỉ trong thiết kế, mà khi xây dựng thương hiệu, lặp lại cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng giúp phát triển hình ảnh của doanh nghiệp.



Kết luận


Trên đây là 5 nguyên lý cơ bản trong thiết kế. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu thêm về các nguyên lý và áp dụng chúng vào các sản phẩm của bạn. Tuy nhiên, hãy coi các nguyên lý này là công cụ để bạn dễ dàng phác họa những bước đầu trong thiết kế, đừng xem chúng là nguyên tắc bắt buộc phải có trong bản thiết kế nhé!

Biên tập: Đỗ Thanh

Nguồn: Tổng hợp