KPI là một yếu tố cần thiết và cơ bản để đánh giá cũng như đo lường hiệu quả của sự kiện. Tùy vào mục tiêu mà bạn mong muốn đạt được sẽ có những KPI cụ thể kèm theo. Chính vì vậy, để xác định KPI, đầu tiên bạn cần đề ra các mục tiêu nhất định. Tiếp theo là những con số đo lường sự thành công. Tại bài viết này, Stage!Vietnam sẽ mang đến cho bạn vài chỉ số đo lường tiêu biểu để các bạn tham khảo nhé!


1. Hoạt động truyền thông trên mạng xã hội


Đây là một cách đơn giản giúp bạn đo lường hiệu quả của sự kiện. Với thời công nghệ 4.0 hiện nay, người ta có xu hướng chia sẻ, đăng các bài viết thể hiện cảm xúc đối với các vấn đề mà họ quan tâm trên các nền tảng mạng xã hội. Dựa vào đấy, các nhà tổ chức sự kiện có thể quan sát, theo dõi lượt tương tác của khán giả đối với sự kiện của mình thông qua lượt thích, chia sẻ và bình luận. 


Bằng cách đó, bạn có thể dễ dàng xem xét thái độ tích cực hay tiêu cực của người tham dự hay ý kiến của họ sau sự kiện. Tuy nhiên để đo lường được chỉ số này, bạn cần phải có những hoạt động truyền thông trên mạng xã hội ngay khi sự kiện kết thúc.



2. Khảo sát sau sự kiện


Cách tốt nhất để các nhà tổ chức sự kiện hiểu rõ cảm xúc, ý kiến của người tham dự là thực hiện các cuộc khảo sát. Để quá trình này diễn ra được hiệu quả, bạn hãy đưa ra những câu hỏi cụ thể theo thang điểm từ 1 đến 5 với KPI là tỷ lệ hài lòng mà bạn muốn đạt được trong từng khía cạnh sự kiện. Ví dụ như không gian địa điểm, chất lượng phục vụ, đồ ăn, … Bên cạnh đó bạn nên để thêm các câu trả lời trống, tạo cơ hội cho người tham dự đánh giá, đóng góp ý kiến để cải thiện cho các sự kiện tiếp theo.



3. Số lượng người đăng ký và tham dự


Đây là số liệu để bạn so sánh số lượng người đăng ký tham gia sự kiện so với số lượng người tham dự thực tế. Nếu việc quảng bá sự kiện và liên hệ, gắn kết khách hàng của bạn tốt thì hai con số này sẽ tương đối giống nhau. Tuy nhiên, nếu hai số lượng này chênh lệch cao, bạn cần xem xét lại toàn bộ quá trình và tìm ra đâu là nguyên nhân dẫn đến trường hợp này.



4. Số lượng người tham dự quay trở lại


Chỉ số tiếp theo để đo lường sự hiệu quả của sự kiện là số lượng người tham dự quay trở lại. Chỉ số đo lường này thể hiện mức độ hài lòng và sự tương thích của người tham dự đối với sự kiện của bạn. Bạn có thể yêu cầu điền thông tin trong các mẫu đăng ký và đo lường tỷ lệ phần trăm của những người tham dự là những người trở về.



5. ROI


Đây là một trong những chỉ số quan trong để đo lường hiệu quả của sự kiện. Lợi nhuận đầu tư cho bạn thấy sự kiện mang lại lợi nhuận như thế nào hay nói cách khác, mức độ thành công của các khoản đầu tư cụ thể. Bạn có thể tính ROI cơ bản bằng cách chia tổng chi tiêu cho tổng doanh thu được tạo sau sự kiện. Nếu chỉ số ROI là dương, có nghĩa tổng doanh thu lớn hơn tổng chi phí, đây chính là điều bạn cần đạt được. Bạn cũng có thể quan sát ROI cụ thể – ví dụ: liệu vé đã bán có bao gồm chi phí quảng cáo mà bạn đã bỏ ra để săn người tham dự hay không. Hãy nhớ đặt mục tiêu rõ ràng trước cho các khoản đầu tư cụ thể.



Kết luận


Tóm lại, tùy thuộc vào mục tiêu của bạn, có thể là tăng doanh thu sản phẩm, số lượng người tham dự hay tăng độ nhận diện thương hiệu mà bạn đề ra các KPI cụ thể và hợp lý để đạt được mục tiêu đó. Đây được coi là một việc làm vô cùng quan trọng để đánh giá sự kiện của bạn. Từ đó, rút kinh nghiệm và cải thiện tốt hơn trong tương lai.


Biên tập: Đỗ Thanh

Nguồn: Tổng hợp