Trong thiết kế, màu sắc luôn đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến sự quan sát của người nhìn. Một thiết kế đẹp và bắt mắt là khi màu sắc trong đó được phối hợp một cách hài hòa và cân bằng. Để làm được điều đó, hãy cùng Stage!Vietnam tìm hiểu về các quy tắc phối màu cơ bản trong bài viết này nhé!


1. Phối màu đơn sắc (Monochromatic)


Phối màu đơn sắc là phương pháp phối màu đơn giản và cơ bản nhất, được nhiều người thiết kế nghiệp dư quan tâm và sử dụng. Hiểu một cách đơn giản, cách phối màu này là dùng một màu sắc nhất định để làm tông màu chủ đạo cho một thiết kế nào đó. Sau khi xác định được sắc màu cơ bản, các nhà thiết kế sẽ sử dụng chúng với các sắc độ khác nhau và kết hợp hài hòa tạo thành một bản thiết kế hoàn chỉnh. 

Phối màu đơn sắc thường được sử dụng trong các thiết kế tối giản, tạo cho người nhìn cảm giác dễ chịu, không cầu kì. Tuy nhiên, chính vì sự đơn giản ấy mà bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tạo điểm nhấn cho thiết kế của bạn.



Để cách phối màu này được tận dụng tối đa nhất, bạn nên sử dụng quy tắc 60:30:10. Các con số này có ý nghĩa là màu sắc trong bản thiết kế sẽ có 60% là màu chủ đạo, 30% nên là màu phụ và 10% là màu điểm nhấn. Ví dụ, các bạn chọn màu đỏ, thì 60% sẽ là màu đỏ đậm, 30% màu đỏ nhạt, và 10% màu đỏ nhạt nhất. 


2. Phối màu tương đồng (Analogous)


Phối màu tương đồng là cách sử dụng các màu sắc nằm cạnh nhau trên vòng tròn màu sắc. Thường các nhà thiết kế sẽ dùng tối đa là 3 màu để tạo nên mẫu thiết kế nhã nhặn, dễ nhìn. So với phối màu đơn sắc, cách phối màu này sẽ phong phú hơn về màu. Qua đó, dễ dàng phân biệt các nội dung khác nhau trên một thiết kế. 



Vậy làm cách nào để sử dụng phối màu tương đồng? Đầu tiên, bạn hãy chọn một màu sắc để làm màu chủ đạo. Tiếp theo, sử dụng màu thứ 2 để nhấn mạnh các nội dung quan trọng cần phải truyền tải. Cuối cùng, màu thứ 3 được sử dụng để trang trí bản thiết kế.


3. Phối màu bổ túc trực tiếp (Complementary)


Nguyên tắc phối màu bổ trực tiếp là dùng 2 cặp màu đối xứng nhau trên vòng tròn màu sắc. Thông qua cách phối màu này, bạn có thể tạo điểm nhấn cho các chi tiết quan trọng. Tuy nhiên, chính vì sự phối màu giữa các màu đối lập nên cách này hoàn toàn không phù hợp nếu bạn muốn thiết kế sản phẩm đơn giản và nhẹ nhàng. 



Giống với cách phối màu tương đồng, điều đầu tiên là bạn phải chọn ra một màu sắc chủ đạo. Sau đó, dùng màu đối xứng nó để làm màu phụ. Điểm đặc biệt cần lưu ý ở đây là bạn không nên sử dụng các màu có sắc độ nhạt hay còn gọi là Desaturated Color trong cách phối màu này bởi vì chúng sẽ làm mất đi tính tương phản cao.


4. Phối màu bổ túc bộ 3 (Triadic)


Nguyên tắc phối màu bổ túc bộ 3 là nguyên tắc an toàn nhất trong tất cả cách phối màu mà các nhà thiết sử dụng. Kiểu phối màu này sử dụng 3 màu sắc mà chúng tạo thành hình tam giác đều trên vòng tròn màu sắc. Chính nhờ sự kết hợp màu ở 3 góc khác nhau mà sản phẩm của bạn sẽ được cân bằng một cách đồng điệu. 



Tuy nhiên, đôi lúc người ta cho rằng, cách phối màu này khó sử dụng bởi chúng đơn điệu và có thể thiếu sáng trong một vài thiết kế. Do đó, sẽ khó tạo điểm nhấn hay làm nổi bật nội dung chính của bạn. Nhưng nhìn tổng quan thì cách phối màu này vẫn mang đến sản phẩm hài hòa và cân bằng giữa các màu với nhau. 


5. Phối màu bổ túc xen kẽ (Split-complementary)


Đây là cách phối màu tạo ấn tượng ngay cho người nhìn từ lần xem đầu tiên. Phối màu bổ túc xen kẽ là phương pháp sử dụng 3 màu trên vòng tròn màu làm sao để tạo thành một hình tam giác cân. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng thêm màu thứ 4 nhưng phải đảm bảo rằng nó đối xứng với 1 trong 2 màu tạo thành đáy tam giác đó. 



Phối màu bổ túc xen kẽ giúp người thiết kế có thể phát huy khả năng sáng tạo, khám phá ra 

các cặp màu mới lạ nhưng phù hợp cho sản phẩm của mình. Thường thì các nhà thiết kế sẽ sử dụng màu đen và trắng làm màu chủ đạo. Còn màu thứ 3 sẽ dùng để tô các chi tiết phụ và thường sẽ là màu bắt mắt như xanh, đỏ, vàng, …


6. Phối màu bổ túc bộ bốn (Rectangular Tetradic)


Theo nhận định của nhiều chuyên gia thiết kế, phối màu bổ túc bộ bốn là cách phối màu khó và phức tạp nhất trong tất cả các cách. Đây là cách phối màu phối hợp giữa 2 cặp màu bổ túc trực tiếp, tức là 2 cặp màu đối xứng nhau tạo thành hình chữ nhật. Điểm mạnh của cách phối màu này là sự đối lập và bổ sung giữa 2 cặp màu khác nhau. Chính vì vậy, bạn sẽ tạo nên được những sản phẩm tuyệt vời và độc đáo nếu chịu khó lựa chọn màu sắc. Cách tốt nhất để chọn được màu và áp dụng cho sản phẩm của bạn là chú ý cân bằng giữa gam màu nóng và lạnh.



Kết luận


Trên đây là 6 quy tắc phối màu phổ biến nhất mà bạn có thể dễ dàng ứng dụng ngay vào thiết kế của mình để tạo nên các sản phẩm nghệ thuật độc đáo đấy! Hãy follow Stage!Vietnam để đón chờ nhiểu kiến thức bổ ích hơn nhé!


Biên tập: Đỗ Thanh

Nguồn: Tổng hợp