Rigging là thuật ngữ chuyên ngành được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà được biết đến nhiều nhất trong sản xuất phim hoạt hình. Nhưng trong lĩnh vực sản xuất sự kiện thì đây lại là một thuật ngữ khá mới. Và trong bài viết này thì rigging được đề cập đến trong sự kiện. Rigging đã là một lĩnh vực phát triển rất lâu trên thế giới như một nghề chính thức. Hiểu nôm na thì Rigging là quá trình đặt và giữ đồ vật (mà cụ thể ở đây là các thiết bị âm thanh, ánh sáng, trình chiếu,...) ở đúng những vị trí để đáp ứng nhu cầu đặt ra. Nó cũng để phục vụ cho những màn trình diễn bay, nâng,... Tất tần tật những kiến thức căn bản về rigging như định nghĩa, phân loại, khi nào cần,... chúng ta đều có thể tìm hiểu ở website của SXS - một đơn vị cung cấp dịch vụ rigging trên thế giới.
Hệ thống dây neo
Trong bài viết này, mình sẽ chỉ đề cập đến những lợi ích của rigging mang lại trong quá trình sản xuất sự kiện. Điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất khi tham gia các event được sử dụng rigging trong quá trình sản xuất chính là giải phóng được diện tích. Với tính chất căn bản của nó, rigging giúp chúng ta mang tất cả những thứ "xấu nhất" trong sản xuất "bay" lên trời, lên trên đầu khán giả - nơi mà khó lọt vào tầm mắt người nhìn nhất. Chắc những ai từng tham gia các sự kiện đặc biệt sự kiện indoor đều ít nhất gặp trường hợp đứng ở vị trí xấu không nhìn được những gì diễn ra trên sân khấu do vướng phải cột trụ truss, dàn không gian che mất. Lý do đơn giản là vì hiện tại, các sự kiện của chúng ta khi set up luôn phải sử dụng dàn truss, layer truss để có thể treo được các thiết bị âm thanh, ánh sáng lên cao nên việc có cột trụ chân giữ là không tránh khỏi. Đương nhiên, khi có những chân truss như vậy kéo theo việc chúng ta cần những chân choãi để có thể đối trọng cho hệ thống đấy. Lúc đấy, không ít thì nhiều dù đã cố gắng giảm số lượng chân choãi thì vẫn sẽ có những phần diện tích không gian bị chiếm, đôi khi gây cản trở di chuyển. Và điều dĩ nhiên, nếu sử dụng biện pháp rigging ta có thể hoàn toàn loại bỏ điều đấy do tất cả đều sẽ được cố định từ trên xuống bằng hệ thống rigging.
Điều thứ hai, rigging giúp cho hệ thống sân khấu được tùy biến một cách linh hoạt. Điều đó giúp cho người thiết kế sân khấu dễ dàng sáng tạo để tạo nên những sân khấu độc nhất vô nhị. Cá nhân mình tin những sân khấu đỉnh nhất từng nhìn thấy sẽ rất khó thực hiện gấp nhiều lần nếu không nhờ vào hệ thống rigging dù vẫn có thể có cách thực hiện được. Dựa vào nguyên lý hoạt động dựa trên việc cố định những điểm trên hệ thống khung sân khấu bằng cáp treo thì ta hoàn toàn tùy biến được. Nhờ vào nguyên lý đấy, đôi khi ta chỉ cần thay đổi điểm neo, độ dài dây neo là đã tạo ra vô số thiết kế sân khấu khác nhau.
Điểm thứ ba mình muốn nhắc đến chính là tính linh động thực tế của hệ thống rigging.
Những ngày đầu phát triển, rigging chỉ bị giới hạn tính linh động khi chỉ được neo 2 điểm là kết cấu khung của địa điểm với điểm neo trên các khung truss bằng dây cáp. Thì đến nay, nhờ vào các hệ thống điều khiển tự động (stage control system - có thể tìm hiểu ở post trước của mình) thì tính linh động của nó còn cao hơn rất nhiều. Việc sử dụng các palang kèm với hệ thống nâng hạ được lập trình thì việc thay đổi độ dài dây neo là hoàn toàn linh hoạt. Ngày nay, không khó bắt gặp những màn biểu diễn mà ta thấy cả hệ thống sân khấu, ánh sáng, màn led,... lúc nâng lên lúc hạ xuống tạo cảm giác rất tốt cho người xem. Vậy tất cả những điều đấy có được đều là nhờ hệ thống rigging.
Màn Kinetic nhờ vào hệ thống nâng hạ
Cuối cùng, vấn đề mà cá nhân mình nghĩ quan trọng không kém trong sản xuất sự kiện chính là tính thẩm mỹ. Nhờ vào việc tất cả hệ thống khung sân khấu được cho "bay" lên trời thì đồng nghĩa các hệ thống dây tín hiệu, dây điện,... cũng đều được hoàn toàn biến mất trước mắt người xem giúp tạo nên sự gọn gàng, an toàn đối với người tham gia. Sẽ không còn những cảnh hàng đống dây tín hiệu chạy lộn xộn giữa sàn, sau backstage. Cũng không còn phải sử dụng các hệ thống ống gen đi dây lồi lõm trên mặt sàn. Mình đã từng thấy có những hệ thống rigging mà đến toàn bộ hệ thống server của màn LED, tủ điện, công suất của âm thanh, ánh sáng đều được “bay” trên không trung, được đặt hoàn toàn trên hệ thống rigging.
Đa số cáp tín hiệu, dây điện, nguồn được đưa lên cao
Vậy thì nói đi nói lại, kể ra lắm lợi ích như vậy, cho thấy rigging là hệ thống hoàn hảo như vậy cho sản xuất sự kiện thì tại sao ở Việt Nam chúng ta lại ít khi thấy được những điều đấy. Một trong những lý do đầu tiên phải kể đến chính là kết cấu của venue tại VN đa số đều chưa đủ tiêu chuẩn đáp ứng. Các khung dầm, khung xà của các venue tại VN hiện nay được thiết kế vừa đủ chỉ để phục vụ cho việc chịu tải trọng của các kết cấu mái, trần của địa điểm ấy. Do đó ít nơi mà khung dầm có còn dư tải trọng để neo thêm bất cứ gì khác chứ đừng nói đến hệ thống sân khấu đến cả vài tấn. Thực tế hiện nay cũng ít venue nào có thể đưa ra được những thông số kỹ thuật về hệ thống khung xà, dầm của họ dù điểm treo là hoàn toàn có. Mình đã từng làm ở 1 vài địa điểm diện tích không được lớn và lúc tính phương án lắp đặt hệ thống loa line-array thì gặp phải vấn đề là nếu dựng thêm truss hay lồng ở 2 bên sẽ bị vướng, mất rất nhiều diện tích. Khi đề xuất phương án treo trực tiếp lên khung xà của địa điểm (vì nơi đây có thiết kế mái vòng nên có hệ thống khung đỡ) với quản lý địa điểm thì câu trả lời ban đầu là KHÔNG.
Lý do đơn giản là hệ thống khung dầm này lúc làm chỉ để đỡ hệ thống mái cũng như đơn vị quản lý không chắc chắn được về tải trọng mà nó có thể chịu được. Bên cạnh đấy vì là hệ thống loa nên khó đảm bảo trong quá trình sử dụng hiện tượng rung của loa sẽ tác động thêm các lực khác. Cũng vì mục đích thiết kế ban đầu nên các điểm treo không có được những điểm chốt, níu để tránh việc dây cáp bị dịch chuyển khi loa rung. May mắn là sau khi tính toán lại nhờ 1 vài thông số đo được được cộng thêm sự liều lĩnh kèm chút may mắn thì bên mình vẫn treo được và sử dụng an toàn sau nhiều lần test trước đó.
Hệ thống tải trọng khung dầm của venue là điều kiện tiên quyết
Lý do thứ 2 nữa chính là về thiết bị tại thị trường Việt Nam là không nhiều. Như hiện nay, mỗi đơn vị productions, suplier về âm thanh, ánh sáng, màn LED,... tại nước ngoài đều có những đội riggers riêng cũng như đầy đủ trang thiết bị như PRG, SXS, Tait,... được đào tạo theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kỹ năng chuyên môn về leo trèo, sử dụng thiết bị, tính toán khả năng chịu lực, kết cấu hạ tầng,... hay kỹ năng mềm chịu áp lực trên cao, sơ cứu y tế, phối hợp nhóm... trước khi được cấp chứng chỉ trở thành rigger hoạt động trong lĩnh vực rigging. Trong khi đó ở nước ta là hoàn toàn không có, đôi khi ta vẫn thấy những công nhân leo trèo trên các dàn truss, layer truss cao lắp các thiết bị cũng là những công nhân ít được đào tạo đúng chuẩn cũng như số đơn vị trang bị đầy đủ bảo hộ lao động không nhiều chứ chưa nói đến trang thiết bị phục vụ.
Ví dụ: Ròng rọc dành cho các rigger có đến vài loại từ có khóa đến không khóa, từ phanh tay đến phanh tự động. Hay là móc khóa cũng có loại có chốt, loại không chốt; rồi thì có chốt có khóa, không có khóa. Tương tự thì dây cũng rất nhiều loại phục vụ cho các mục đích khác nhau. Vân vân và mây mây các loại trang thiết bị khác nữa. Nếu như đa số trên thế giới ngày nay sử dụng pa-lang được xử lý trực tiếp qua các hệ thống điều khiển tự động vi tính, thì ở VN vẫn chỉ là hệ thống ròng rọc kéo tay hay hiện đại hơn là pa-lang điện.
Thiết bị rigging
Lý do cuối cùng chắc có lẽ là nằm ở các đơn vị sản xuất sự kiện, các agency. Vì chúng ta vẫn chưa thể phát triển những điều ấy lên nền công nghiệp sự kiện ở nước ta. Không nhiều đơn vị dám chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để có được những công nghệ, hệ thống sản xuất tốt hơn. Không nhiều đơn vị dám đi tiên phong áp dụng những hệ thống như vậy vào các sự kiện của mình. Và cũng không nhiều đơn vị đưa ra những đơn đặt hàng về hệ thống rigging cho các đơn vị supplier thành ra không nhiều bên dám nhập thiết bị về. Và dù nói gì đi nữa, thì tất cả các bên sản xuất nên một sự kiện đều sẽ tác động trực tiếp lên những bên còn lại. Không nhiều venue tiêu chuẩn làm cho đơn vị sản xuất không thể áp dụng, kéo theo các đơn vị supplier không dám nhập thiết bị đầu tư, cũng vì ít đơn vị sản xuất dám đầu tư nên các venue không dám đầu tư những tiêu chuẩn đáp ứng được tiêu chuẩn rigging. Quanh đi quảnh lại vẫn là một vòng tuần hoàn mà các bên đều tác động lên lẫn nhau.
Vậy thì nền công nghiệp sự kiện ở VN muốn sớm bắt kịp thế giới hiện tại, muốn nhanh chóng áp dụng những công nghệ trên thế giới chắc chắn là cần sự hợp tác cùng phát triển từ tất cả các bên. Tuy nhiên, cũng cần những đơn vị dám đi tiên phong đưa những phát triển đấy vào dần thì mới mong nền công nghiệp này có thể phát triển nhanh nhất có thể.
Muốn phát triển cần sự bắt tay của tất cả các bên
Nguồn ảnh: Internet