Vạch ra hành trình cảm xúc của khán giả là phương pháp sử dụng sự kết hợp giữa giải trí, màu sắc, kiến ​​trúc và âm thanh để đánh vào các giác quan của khách hàng nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng của sự kiện và hy vọng sẽ khiến khách hàng “nổi da gà” trong quá trình này. 

Bạn có nên vạch ra hành trình cảm xúc của người tham dự sự kiện? Bạn nên làm thế nào để vạch ra chiến lược cảm xúc của những người tham dự để xây dựng sự kiện? Hôm nay hãy cùng Stage!Vietnam giải đáp những câu hỏi này nhé!


1. Cung cấp nhiều “điểm va chạm” cảm xúc trong suốt sự kiện


Trước khi vạch ra hành trình cảm xúc, bạn cần phải sắp xếp dòng thời gian của sự kiện theo thực tế và đặt ra câu hỏi “Khi nào họ sẽ có những cảm xúc đó?” để hiểu rõ hơn suy nghĩ của khán giả trong toàn bộ quá trình.


Ví dụ khi bạn chào đón người tham dự, đây có thể không phải là thời điểm thích hợp để áp đặt bất kỳ cảm xúc lớn nào lên họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi cảm xúc nên bị bỏ qua trong những khoảnh khắc nhỏ này. Thay vào đó hãy nở một nụ cười trên khuôn mặt bạn, điều đó sẽ để lại cho họ một tâm trạng tốt và một ấn tượng đẹp. Cảm xúc vui vẻ đó có thể quyết định cả cảm nhận của họ về sự kiện.


Sau đó, hãy tiếp tục tạo nhiều cơ hội hơn để “va chạm” cảm xúc với người tham dự, khiến sự kết nối giữa họ và sự kiện trở nên sâu sắc hơn.




2. Xem xét sự tác động giữa cảm xúc cá nhân và tập thể


Bạn cũng cần phải lưu ý sự khác biệt giữa cảm xúc cá nhân và tập thể, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của mỗi cảm xúc và sự tác động lên nhau giữa hai cảm xúc này. Ví dụ tại một buổi lễ hội âm nhạc, bạn đang có vẻ hào hứng, muốn quẩy cùng tiếng nhạc. Nhưng lúc này xung quanh bạn mọi người đều “im lặng”, bạn sẽ có cảm giác ngại ngùng và e dè, cuối cùng là bạn sẽ rơi vào trạng thái mất hứng. 


Chính vì vậy, khi tổ chức sự kiện, các Eventors cần lập mức độ phấn khích mà bạn muốn mang lại cho khán giả trong suốt quá trình diễn ra sự kiện. Sau đó, dung hòa, cân bằng hai cảm xúc dường như tách biệt nhưng lại gắn kết chặt chẽ với nhau này. 



3. Cân nhắc về việc tạo các hoạt động chủ động thay vì thụ động và suy nghĩ cẩn thận về những gì phù hợp với đối tượng mục tiêu của bạn


Trong khi nghiên cứu cảm xúc của khán giả, bạn cũng cần cân nhắc rằng bạn nên tìm kiếm sự tham gia tích cực, hăng hái thay vì thụ động, chỉ lắng nghe. Hãy cố gắng tạo nhiều hoạt động, giúp khán giả tương tác nhiều hơn với sự kiện. Điều quan trọng là bạn phải hiểu khách hàng lẫn khán giả để chắc chắn rằng họ cảm thấy thoải mái với các hoạt động bạn tạo nên.


Trong một ví dụ gần đây, tại bữa trưa của một thương hiệu trang sức cao cấp, nhà tổ chức sự kiện đã tổ chức một lớp học về trang sức cao cấp thay vì chỉ tổ chức các hoạt động giải trí bình thường khác, giúp khách hàng tiếp cận gần hơn với thương hiệu.



4. Đảm bảo nghiên cứu nhân khẩu học đối tượng của bạn


Chúng ta cũng cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu rằng những người tham dự là ai, bao gồm nhóm tuổi, sở thích, quốc gia xuất xứ của họ, … Bạn không thể tổ chức một buổi tiệc hoành tráng nhưng kết thúc trễ cho những người phải về trước 22h tối hay tổ chức một sự kiện quá nhiều hoạt động thể chất cho lứa tuổi U40.


Bên cạnh đó, chúng ta phải hiểu biết về sự khác biệt văn hóa. Ví dụ rằng Exclamation Group làm việc với nhiều thương hiệu Pháp, nhưng thường tổ chức những sự kiện đó cho khán giả Mỹ. Vậy thì chúng ta phải đặt câu hỏi rằng làm thế nào để bạn làm cho nó phù hợp với một thương hiệu Pháp hoặc Ý, nhưng nó lại gây được tiếng vang với khán giả Mỹ?



5. Dựa vào những thứ tạo ra cảm xúc như nghệ thuật và âm nhạc


Có một cách dễ dàng mà bạn nên làm để tạo ra cảm xúc và truyền tải thương hiệu là thông qua nghệ thuật, từ hội họa và tác phẩm điêu khắc đến âm nhạc và điện ảnh. Ví dụ bạn có thể trình chiếu một bức tranh kiến ​​trúc đẹp đẽ trong khi dàn nhạc biểu diễn một số bản nhạc cổ điển, khi các vị khách đang nhâm nhi ly cocktail mới mà bạn pha riêng cho họ. Chính sự kết hợp sáng tạo đó đã làm cho sự kiện trở nên độc đáo.


Hoặc bạn có thể tạo nên một sự kiện mà khán giả ngồi ngay giữa dàn nhạc hoặc một sự kiện mà các vũ công chuyên nghiệp biểu diễn cách nơi khán giả đứng chỉ vài bước chân.



6. Luôn gắn nó với thông điệp của thương hiệu hoặc người tổ chức sự kiện


Tất nhiên, những khoảnh khắc tuyệt vời này phải luôn gắn liền với mục tiêu chính của sự kiện. Hãy đảm bảo rằng mọi thứ bạn truyền tải dưới dạng cảm xúc đều liên quan đến thông điệp mà bạn muốn gửi gắm đến khán giả bởi việc đánh vào cảm xúc không chỉ nhằm mục đích khiến mọi người phấn khích và vui vẻ. 



Kết luận


Trên đây là 6 cách để bạn có thể vạch ra hành trình thay đổi cảm xúc của khán giả và giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lên kế hoạch tổ chức sự kiện. Mong rằng qua bài viết này, bạn lại có thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ năng, mang lại cho sự kiện của bạn nhiều cung bậc cảm xúc hơn nhé!


Biên dịch: Đỗ Thanh

Nguồn: Bizbash