Với chủ đề số thứ 3 “CÒ EVENT..!?” của Talkshow 8!Event vừa qua, tám giả cùng quý vị khán giả đã có buổi trò chuyện với chủ đề độc đáo và cách tiếp cận vấn đề mới mẻ, sâu lắng hẳn cũng đã giúp cho người xem phần nào hiểu hơn về góc “khó nhìn rõ” này.


Không phải tự nhiên lại có hình ảnh so sánh giữa “Cò” và nghề Event, bản chất có thể nói Event như Agency là đơn vị làm việc trung gian và rất có thể từ “trung gian” này chính là điểm “khó nhìn rõ” để tạo nên sự xuất hiện của cụm từ “CÒ EVENT..!?”


Cho nên buổi chia sẻ được bắt đầu với câu hỏi của anh Panda Lộc Nguyễn hiện là Giám đốc sản xuất VEG: Agency là gì? Và tạo sao cần phải có agency?


Tám giả Loan Anh Nguyễn - CEO & Founder của Công ty TNHH Giải pháp quảng cáo Bloom chia sẻ rằng: ‘Agency Là 1 ngành dịch vụ, có vai trò kết nối toàn bộ ý tưởng từ khách hàng đi đến thực tiễn, toát lên đầy đủ mong muốn của KH và sau đó event sẽ như 1 công cụ đo lường hiệu quả cho chiến dịch Marketing của khách hàng. Nhấn mạnh Agency có thiên hướng chính là Marketing Consulting – tư vấn về mặt chiến lược cho khách hàng.

“Vậy khách hàng cần Agency khi nào?” - Anh Panda tiếp tục vấn đề.


Để trả lời cho câu hỏi này tám giả Nguyễn Tử Anh - CEO Nexus Sport Event cho rằng: “Khách hàng cần ý tưởng, công việc của họ cần đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường, họ không phải là đơn vị chuyên nghiệp về tổ chức sự kiện và chiến lược Marketing, hay có thể nói là họ thiếu sự chuyên môn hóa trong mảng tiếp thị nên họ cần đến các Agency


Lại nói đến một chút về việc tại sao 8!Event lại chọn chủ đề tuần này. Bởi 8!Event nhận thấy đâu đó vẫn có rất nhiều người, thậm chí trên cả giảng đường nhận định rằng Agency là trung gian đứng gọi giữa nhà cung cấp và khách hàng để nhận hoa hồng mà không làm gì cả. Trên thực tế điều này là không thể khẳng định một chiều như vậy và để làm rõ hơn thì anh Panda đã quyết định “mở” nó trên livestream tuần này để chúng ta cùng nhìn nhận kĩ càng vấn đề này.


Cảm nhận của chị Loan Anh về vấn đề này: “Khi nhận được chủ đề, bản thân Loan Anh thấy nó rất là lạ trong suốt 13 năm làm nghề dịch vụ, trước hết nên nhìn nhận góc nhìn này đến từ đâu và tại sao nó lại len lỏi từ giảng đường của những bạn trẻ đang là thực tập sinh tại các Agency. Thực tế khi làm thực chúng ta có thể thấy rằng, công việc của Agency nó cao cấp hơn từ “cò” rất nhiều. “Cò” thường chỉ những người ăn cái đầu mối ở giữa thường trong lĩnh vực bất động sản và Agency chúng ta hoàn toàn không phải là “cò”, chúng ta có kiến thức và kỹ năng chuyên môn để giúp khách hàng tìm ra giải pháp hay chiến lược tốt nhất cho họ”.


Còn ý kiến của anh Tử Anh thì: “Người ta còn có những suy nghĩ có sức sát thương cao hơn cả “cò event” đối với người làm nghề truyền thông và sự kiện, nhưng đó chỉ là góc nhìn có thể là lệch lạc, có thể là hờ hững của những người chưa thấu hiểu nghề này thôi. Khi tiếp xúc vấn đề này, anh cảm thấy khá chạnh lòng vì tại sao mọi người nghĩ nó đơn giản quá, tiếp đến là việc mình không ngăn suy nghĩ của người ta được vì trong nghề vẫn còn những vết đen khó xóa. Chủ đề này tại 8!Event giúp cho những người làm chân chính cảm thấy được tôn vinh và xứng đáng với tâm huyết làm nghề, việc bàn luận về những vấn đề khó thấy trong nghề để làm ít đi những cái nhìn không đúng về nghề. Nói đơn giản là nghề nào cũng có cái đạo nghề của nó và mình chỉ cần giữ đúng đạo nghề mình sẽ làm đúng làm đàng hoàng”.

Suy nghĩ của những người làm nghề lâu năm trên sóng 8!Event hiện tại đều thiên hướng việc phủ nhận về cụm từ “CÒ EVENT” này và để tiếp tục phân tích vấn đề thì Host chương trình đã mang đến một vấn đề tiếp theo: 

Nếu làm event thì gọi công ty event giá sẽ rẻ hơn (thường bị cho rằng đây là giá sỉ) gọi từng công ty cung cấp thiết bị (ATAS hay sản xuất..) khác có đúng không?


Đối với câu hỏi này anh Tử Anh thẳng thắn chia sẻ rằng: “Mây tầng nào ắt gặp gió tầng đó, Tử Anh thì đọc vị khách hàng rất nhanh và chúng ta nên đọc vị khách hàng một cách nhanh chóng để phân biệt được khách hàng đang theo đuổi điều gì (giá rẻ hay chất lượng), nhìn ra nhu cầu của khách hàng là gì? Nếu họ cần những nhà sản xuất banner, lắp ráp thì mình từ chối vì giá của mình cao hơn nên sẵn sàng giới thiệu cho khách bên cung ứng của mình. Nhưng với những khách hàng lâu năm, họ hiểu rằng với những đơn vị đó sẽ không biết được chất lượng như thế nào và họ cần một đơn vị có kinh nghiệm đứng ra kiểm soát chất lượng cho họ, thêm nữa nếu có sự cố xảy ra họ sẽ không xử lý được do không có kinh nghiệm. Nên cần thiết phải biết được giá trị của mình và nắm bắt cách khai thác hiệu quả nó.”


Agency như cánh tay nối dài của khách hàng và giúp đỡ tạo nên sự thành công của họ. Vì nếu không có Agency thì ai sẽ là người kết nối cả đường dây từ Suppliers về ATAS, màn hình LED, MC… và tất tần tật những thứ khác. Quan trọng hơn nữa chính là phần hồn của Event đó có thành công hay không? Khán giả có rời bỏ hay không? Đều được quyết định bởi kịch bản của đội Planner trong Agency làm nên toàn bộ từ A-Z, từ concept đến execution để có được chất lượng thỏa mãn mong muốn của khách hàng. Tóm lại về mặt sáng tạo và tư vấn chiến lược phát triển thì Agency tự tin là đơn vị đáp ứng tốt nhất cho khách hàng” - chị Loan Anh chia sẻ thêm.



Anh Panda cũng “tám” tiếp về vấn đề này, rằng làm “Cò” thì trách nhiệm ít hơn vì chỉ đơn thuần làm thao tác giới thiệu, còn đối với những người làm Agency họ mang theo nhiều trách nhiệm hơn từ việc lên ý tưởng, giám sát thi công, vận hành hoạt động và cả nghiệm thu. Vì thế anh còn nói vui rằng người làm nghề nên có thêm phí “tổn hao tinh thần” (vì là trung gian bị khách hàng phàn nàn là phải hứng hết) cho đáng công đứng giữa. Trên thực tế có thể nói đây như là chi phí đảm bảo về chất lượng mà Agency đã trải nghiệm và cam kết đến khách hàng.


Đến với câu hỏi đầu tiên từ phía khán giả, bạn Tuyền Genie thổ lộ: ”Sau khi làm event một thời gian, em nhận được nhiều lời hỏi thăm về đơn vị in thư mời / banner / standee / thuê MC.... Bạn bè gần gũi xung quanh hỏi thì em chia sẻ bình thường, nhưng đến khi các khách hàng vừa qua của mình hỏi mình thì em rất phân vân. Nên giới thiệu cho người ta supplier của mình không hay vẫn sẽ làm "cò" trung gian để giữ vai trò agency của mình?”


Chị Loan Anh chia sẻ cách xử lý của chị ở trường hợp này là: “Nếu khách hàng liên hệ em vì cần đến các Supplier (giữ một vai trò nhỏ trong chuỗi hoạt động), thì em vẫn sẽ hỗ trợ khách để giữ tương tác với khách hàng”. Bởi vì chị hiểu rõ giá trị của Agency đem lại có điểm nào nổi bật hơn Supplier. Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà chúng ta nên linh động đưa ra các giải pháp phù hợp thuận tiện cho mối quan hệ đôi bên. 


Đến với câu hỏi thú vị tiếp theo từ anh Bill Nguyễn rằng: “Cò” thường không có những chi phí dịch vụ nhiều nhưng làm Event luôn có một loại phí dịch vụ là Agency fee? Và tại sao loại phí này luôn là phần bị cò kè, mặc cả?”


Với quan điểm của Founder Nexus - anh Tử Anh trực tiếp chia sẻ: “Câu trả của Nexus cho vấn đề này là không bàn luận, vì bàn luận chính là không tôn trọng chất xám và công sức của Agency. Bất kỳ ngành nghề nào cũng có một sự tiến hóa trong nghề đó, từ cơ bản đến nâng cao và đỉnh cao của nghề, vậy bạn ở nấc nào thì bạn phải khẳng định giá trị tương xứng để khách buộc phải tôn trọng và trả tiền cho bạn vì lợi ích mà bạn đem lại”.


Đi qua gần ⅔ thời gian của buổi chia sẻ, 8!Event đưa người xem tiếp xúc với khía cạnh của từ “Cò” nhưng bên cạnh đó vẫn còn các khía cạnh khai thác rất thú vị khác có liên quan như là hình ảnh của một chú cò thực kiếm ăn trên đồng ruộng. Thường ta thấy những chú cò rất siêng năng và kiên trì, trùng hợp người làm Event cũng thế, hay nói đến hình ảnh của những chú cò này rất khẳng khiu nhưng lại đầy nội lực bền bỉ và cũng trùng hợp người làm Event (xem như trừ cái “khẳng khiu” ra thì giống y chang đó). Cho dù Eventers có vướng bận vấn đề cá nhân, áp lực từ gia đình, mệt mỏi của cuộc sống thì một khi đã bước vào công việc, tiếp xúc với khách hàng thì họ luôn gạt bỏ những điều không liên quan để thể hiện trọn vẹn thái độ chuyên nghiệp và nhanh nhẹn của mình.


Tiếp theo, buổi chia sẻ tiếp tục mổ xẻ về quan điểm: khi Suppliers chuyển thành Agency lên tranh thầu, thậm chí còn có trường hợp khách chuyển cả proposal cho họ?


Anh Tử Anh cho rằng: Nó là một mặt của thị trường. Thị trường phát triển sẽ tạo nên một khung cảnh hỗn độn, “trăm hoa đua nở” nhưng sau đó sẽ lại “gạn đục khơi trong”. Khách hàng cần rẻ, cần làm đúng theo ý người ta thì cũng sẽ có người phục vụ đúng phân khúc khách hàng đó. Quan trọng là mình định vị là một môi giới cho tỷ phú hay môi giới cho nhà bán lẻ bằng những cách thức không đúng đắn. Với anh thì bây giờ anh đã luyện được “mặt dày tâm đen”, anh không quan tâm đến những trái khuấy trong nghề, mà anh chỉ quan tâm là đừng ảnh hưởng tới những cái mà mình đang làm. Anh nghĩ là hãy trả lại bản chất của Agency và hãy luôn luôn trân trọng nghề mình. Agency là đơn vị mà khách hàng buộc phải sử dụng vì những giá trị liên quan đến chất xám, sự sáng tạo, thành công trong kinh doanh của họ. Còn nếu khách hàng chỉ muốn làm một sự kiện cho có để không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh doanh thì cũng sẽ có những người làm điều đó cho họ. Chúng ta có thể gọi những người đó là “cò” cũng được, còn mình là “cò cao cấp”.



Tóm lại, với câu hỏi trong chủ đề tuần này, host cũng như các tám giả không đưa ra một định nghĩa, một kết luận cho câu hỏi “Event có là cò?”, mà những chia sẻ này dựa vào quan điểm và cái tâm khi làm nghề của mỗi người.


Anh Tử Anh không bàn về chuyện có là “cò” hay không mà anh nói về niềm tự hào, về lẽ sống của nghề. “Rằng là mình có tự hào với cái nghề mà mình đang làm hay không? Sự tự hào đó được thể hiện qua tính tận tâm, sự sáng tạo, tôn trọng và thể hiện được hệ giá trị riêng của mỗi người làm sự kiện. Muốn người khác tôn trọng giá trị của mình thì hãy làm nghề như những gì mình sống.”


Host Panda Lộc tiếp lời và gật đầu thể hiện quan điểm: “Event có là “cò” nhưng cò ở đây là cò súng. Khi bóp cò sẽ bắt đầu câu chuyện của sự kiện, từ ý tưởng đến tập luyện, dàn dựng để tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Ngoài ra cò còn thể hiện cho sự cực khổ, siêng năng, cần mẫn đúng như hình ảnh của một con cò ngoài đời thực.”


Cuối cùng nữ tám giả cũng đưa ra quan điểm của mình để kết thúc chương trình. Chị chia sẻ: với chị cò là sự chắp cánh, chắp cánh từ ý tưởng đến hiện thực, càng có nhiều người chắp cánh càng có nhiều những ý tưởng sự kiện mới mẻ và độc đáo. Và mong rằng chúng ta có thể làm tốt nhất, đem những công nghệ mới nhất về để thỏa mãn sự trông đợi, nhu cầu của những người tham dự và càng ngày chất lượng của sự kiện tại Việt nam sẽ phát triển ngang tầm quốc tế. Và nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, chị cũng gửi lời chúc đến những người phụ nữ đang làm trong ngành sự kiện sẽ luôn đẹp rạng ngời, có sức khỏe tốt để cống hiến cho nghề.

Đi đến cuối buổi chia sẻ của số thứ “Bar” vừa rồi hẳn là người xem đều có được câu trả lời về chủ đề “CÒ EVENT..!?” tuần này hoặc ít nhất chúng ta đã có thể nhìn rõ hơn về góc “khó nhìn rõ” này. Có thể tạm đưa ra một lời khuyên rằng bất cứ ngành nghề nào cũng sẽ có mặt tối và sáng của nó, nhưng nếu bạn nắm bắt được cái “đạo trong nghề” và giữ đúng nó bạn sẽ nhận được vinh quang và thành công xứng đáng với nghề.


Các bạn có thể xem lại số thứ “Bar” trên link Youtube dưới đây hoặc truy cập vào fanpage Stage!VietNam để xem lại buổi phát sóng. Hẹn gặp lại mọi người ở số tiếp theo nhé!


Link:


Kiều Quyên - Như Quỳnh