FYRE: Bữa tiệc đáng thất vọng là một bộ phim tài liệu kể về quá trình hai thanh niên là Billy và Ja Rule không hề có kinh nghiệm về tổ chức sự kiện âm nhạc nhưng lại đứng ra công bố 10/2017 sẽ có sự kiện âm nhạc Fyre Festival vô cùng hoành tráng. Hãy cùng mình tìm hiểu xem liệu đại nhạc hội này có thành công không và cần lưu ý những điều gì khi bắt đầu tổ chức một sự kiện tầm cỡ nhé!


Những bữa tiệc đến từ… Ekip sản xuất chính


Ban Tổ chức của Fyre Festival là những con người có chuyên môn, thế nhưng có lẽ vì tin nhầm vào những lãnh đạo nơi đầu tàu, hầu hết vào khoảng thời gian quan trọng nhất, họ chơi tới bến cùng với những nhân vật tài năng - những người thậm chí không hiểu mục đích mình đến đây để làm gì, và rồi họ cũng mặc kệ luôn vấn đề và tiếp tục vui vẻ bên thức ăn và rượu.


Ekip là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của sự kiện. Ngay từ khi bắt đầu, chúng ta cần một kế hoạch rõ ràng và có tính kỷ luật tuân thủ deadline đã được đề ra.




Chỉ đầu tư marketing thôi liệu đã đủ?


Trong khoảng thời gian ăn chơi quên ngày tháng, ekip đã kịp thời ghi lại những khoảnh khắc để đời đó và làm bùng nổ Instagram bằng hashtag về Fyre và những tấm ảnh biển trong nắng vàng đầy thơ mộng, càng gây chú ý hơn khi những điều đó xuất hiện trên trang cá nhân của những siêu mẫu và diễn viên nổi tiếng. Thậm chí influencer nổi tiếng Kendall Jenner đã được trả $250,000 chỉ để đăng một post Instagram. Nếu xét về góc độ marketing, quả thực đây là một chiến lược độc nhất vô nhị, toàn bộ giới truyền thông ở New York cùng hướng mắt về Fyre Festival. Ngay sau đó, vé của Fyre đã được mở bán và thành công đem về doanh thu 95% của số vé - một con số khủng đủ để làm choáng tinh thần những ai từng cười nhạo Fyre Festival sẽ là một thảm họa.


Nhưng đáng buồn thay, việc họ làm là bán ảo vọng cho những kẻ thèm muốn nó, họ đang cố khai thác một nền văn hóa, một hệ tư tưởng mà họ muốn theo đuổi, và họ vung tiền vào hoạt động marketing để đạt được điều đó. Bởi lẽ hiện thực không hề giống như những gì được hứa hẹn.


Marketing là một trong những yếu tố quan trọng để đánh tiếng sự kiện đến với công chúng, nhưng trước khi thực hiện một màn quảng bá đặc sắc, hãy suy nghĩ về tính khả thi và cân đo đong điếm việc một khi khách hàng không có được trải nghiệm như họ được cho kỳ vọng, thì hậu quả sẽ rất đáng sợ!




Những con người đầu tàu đang thiếu mục tiêu nghiêm trọng


Kể cả Billy hay Ja Rule - hai người nắm vai trò quan trọng nhất của sự kiện , họ chưa từng cùng ngồi xuống và bàn xem cần có những đầu việc gì cần hoàn thành, thị trường mục tiêu là gì, những vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, nguồn nước cũng như hệ thống xử lí nước thải thì bị bỏ mặc bơ vơ dù chỉ còn vỏn vẹn 2 tháng nữa là sự kiện chính thức diễn ra. 


Trong vòng hai tháng này số vấn đề xảy ra còn nhiều hơn gấp nhiều lần những tháng trước. Bao nhiêu chuyện khôi hài được khơi ra: còn 2 tháng trước khi sự kiện diễn ra thì Billy đuổi bên đạo diễn sự kiện vì không đáp ứng được yêu cầu vô lí, rồi đổi địa điểm vì vi phạm thỏa thuận với chủ đảo, không đàm phán được với bên cho thuê toilet vì quá gấp gáp, rồi không kịp xây dựng cơ sở vật chất nên phải đi trưng dụng lều cứu hộ. Người xem phải kinh ngạc vì sự thiếu kiến thức cơ bản khi họ mua một lô hàng lớn nước Evian để rồi kẹt ở hải quan vì số tiền thuế phải đóng khổng lồ. 


45…17…1…BUM!


Đếm ngược đến ngày diễn ra sự kiện, từng ngày trôi qua báo hiệu lượng công việc cần hoàn thành càng tăng, từng giờ là một vấn đề mới, từng phút từng giây là nỗi lo sợ về hậu quả. Còn 45 ngày, Ban Tổ chức nhận ra ngày tổ chức rơi vào tuần lễ đông đúc nhất tại Great Exuma vì có giải đua thuyền buồm quốc gia, dân số trên đảo sẽ tăng gấp đôi, khách sạn đã cháy phòng từ bao giờ. Tinh thần của từng người lần lượt rơi vào nốt trầm, họ bắt đầu lo sợ về tiền lương, về sự kiện - những hậu quả to lớn tiềm tàng sẽ khiến họ thêm gánh nặng và mệt mỏi. 17 ngày đếm ngược, một lần nữa vấn đề tiền bạc lại bị đào lên, ngân sách cho thức ăn bị cắt từ 6 triệu còn 1 triệu cho số miệng ăn tính bằng nghìn. Và 1 ngày trước, một cơn mưa đổ xuống như cuốn trôi tất cả, toàn bộ mọi thứ chìm trong nước mưa và bùn lầy, quang cảnh sự kiện bị hiện thực lột trần một cách tàn khốc. 


Khi sự việc đã quá mức nghiêm trọng, thì khâu xử lí phản hồi khách hàng của phía sự kiện lại càng thảm hại hơn, họ từ chối giải quyết và chọn cách xóa những phản hồi tiêu cực khiến làn sóng phẫn nộ dâng cao đỉnh điểm. 




Đôi lúc đừng cố tìm giải pháp thay thế mà hãy dũng cảm đối mặt và giải quyết vấn đề


Đến lúc này, mọi thứ dường như đã đi đến hồi không thể làm gì ngoài thú nhận và tìm cách giải quyết cho tất cả mớ hỗn độn, thế nhưng thật đáng lên án khi những con người đầu tàu lại vẫn khăng khăng những việc tồi tệ xảy ra chỉ là chuyện không thể lường trước, nực cười là làm sao có chuyện sự kiện này thất bại do yếu tố khách quan khi ngay đầu nó đã vô tổ chức và không kế hoạch rõ ràng. Giá như lúc này Ban Tổ chức có một cuộc họp bàn phương án giải quyết, dũng cảm đứng ra chịu trách nhiệm thì có lẽ làn sóng bức xúc sẽ không dâng trào đến thế.


Kết luận


Để một sự kiện diễn ra thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ khâu kế hoạch, quản lí ngân sách chặt chẽ và thực thi có tính toán và khoa học,... Đây cũng chính là một “cú vả” cho những ai quá lậm vào những câu chuyện thành công hào nhoáng được đăng tải trên mạng xã hội. Phải chăng nhiều người đang vẫn có suy nghĩ, chỉ cần tự tin, lạc quan, tin vào điều mình muốn làm thì sẽ mang lại một kết quả mỹ mãn, “dễ ăn” đến thế sao? Không hề, để thực hiện được một sự kiện, đó là cả một quá trình dài và đòi hỏi rất nhiều về mặt thời gian, công sức và trí não, vì thế ekip của sự kiện xem đây chính là đứa con tinh thần của mình, luôn sát sao dõi theo và mỗi khi vấn đề xảy ra, họ chính ra người đứng ra giải quyết. Lời cuối, tôi mong rằng, những ai có ý định bước trên con đường này sẽ có một góc nhìn nghiêm túc, dành thời gian nghiên cứu và có thể trở thành một người làm sự kiện có tâm và có tầm!


Biên tập: Phan Minh Thư