Việc sở hữu cho mình lối tư duy đầy mới mẻ để tạo ra các ý tưởng về hoạt động cho sự kiện là một điều vô cùng cần thiết đối với những người làm trong ngành này. Trong bài viết dưới đây, Stage!Vietnam sẽ giới thiệu phương pháp “6 chiếc mũ tư duy” để giúp bạn có góc nhìn mới lạ hơn nhé!


Đây là phương pháp độc đáo khi hướng mọi người tập trung vào một vấn đề từ cùng một góc độ. Bằng cách này, người tổ chức sự kiện sẽ có thể khám phá và tìm hiểu một vấn đề từ nhiều khía cạnh khác khác nhau nhưng theo một cách rõ ràng và cụ thể hơn. 6 chiếc mũ tượng trưng cho 6 hình thức tư duy, qua đó chúng ta có thể tiếp cận vấn đề và giải quyết một cách tối ưu nhất. Khi chọn một màu mũ đồng nghĩa với việc bạn chọn cách suy nghĩ tương ứng với màu mũ đó.


Mũ trắng (Fact)


Chiếc mũ này tượng trưng cho lối suy nghĩ khách quan. Khi nghĩ theo lối tư duy này, bạn sẽ tập trung vào các số liệu, nhu cầu, thông tin, dữ liệu thực tế và các vấn đề khách quan khác của vấn đề. Các chuyên gia tổ chức sự kiện khi lựa chọn màu mũ này có thể đặt ra các câu hỏi nhằm xác định vấn đề cần giải quyết cho sự kiện mình tổ chức.



Ví dụ: Mình cần có những thông tin gì về việc tổ chức sự kiện này? Những yêu cầu nào liên quan đến sự kiện? Bằng những câu hỏi này, bạn sẽ nắm được những thông tin dựa trên thực tế và từ đó đưa ra những ý kiến, phương hướng tổ chức từ góc độ cá nhân của mình.


Mũ xanh lá (Creativity)


Màu mũ này tượng trưng cho khả năng tư duy sáng tạo. Sáng tạo là một trong những công việc ưu tiên hàng đầu đối với người tổ chức sự kiện bởi mỗi sự kiện luôn đòi hỏi những điều mới mẻ, mang nét đặc trưng riêng. 



Khi chọn chiếc mũ xanh lá, bạn sẽ phải đưa ra những giải pháp, ý tưởng cho sự kiện cần tổ chức. Sau khi đã có những thông tin cần thiết cho việc tổ chức sự kiện từ chiếc mũ trắng, lúc này bạn sẽ bắt đầu đi tìm các ý tưởng, nguồn cảm hứng để brainstorm những điều mới lạ cho sự kiện như thiết kế sân khấu, concept chương trình, những trải nghiệm độc đáo cho người tham gia.


Để có những ý tưởng sáng tạo dồi dào và luôn mới mẻ, người làm sự kiện có thể rèn luyện hằng ngày thông qua việc tìm nguồn cảm hứng từ những đồng nghiệp, học hỏi kiến thức mới để có thêm những cách giải quyết công việc từ nhiều khía cạnh khác nhau. 



Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử thay đổi chu trình làm việc, tạo cho bản thân những sự thay đổi mới mẻ cũng như thử thách bản thân dám thử những điều trước đây mình chưa từng làm. Bằng những hoạt động như vậy, bạn sẽ có thể vận dụng tối đa khả năng sáng tạo của mình để hoàn thành công việc một cách nhanh chóng. 


Mũ vàng (Benefits)



Trong 6 chiếc mũ tư duy thì đây là chiếc mũ tượng trưng cho lối tư duy tích cực nhất. Khi lựa chọn chiếc mũ này, người làm nghề sự kiện sẽ phải đưa ra những ý kiến lạc quan, logic, những khía cạnh tích cực, tính khả thi của phương án tổ chức. Việc lựa chọn tư duy này sẽ giúp bạn và những người đồng nghiệp có thêm tự tin, từ đó tận dụng tối đa những cơ hội có được nếu tổ chức thành công sự kiện này. Bạn có thể đặt một số câu hỏi khi tư duy theo mũ vàng như: Ưu điểm của phương án này là gì? Kế hoạch tổ chức như vậy có khả thi không? 


Mũ đen (Cautions)



Chiếc mũ này đại diện cho lối tư duy phân tích và tìm ra lỗi sai, rủi ro, sự bất hợp lý của vấn đề trao đổi về sự kiện. Việc tư duy theo mũ đen sẽ giúp người tổ chức sự kiện tìm ra được những điểm yếu trong phương hướng, việc lên kế hoạch, vấn đề tài chính cũng như mức độ rủi ro của các hạng mục có thể xảy ra trong sự kiện. Từ những thông tin được tìm thấy, bạn có thể tiến hành điều chỉnh các hạng mục hoặc lên kế hoạch nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra. 


Mũ đỏ (Feelings)



Nếu như chiếc mũ trắng đại diện cho những gì dựa trên thực tế thì chiếc mũ đỏ lại là sự tượng trưng cho trực giác, cảm tính. Lúc này, người tổ chức sự kiện sẽ đánh giá sự việc dựa trên những cảm giác, cảm xúc của bản thân mà không cần bất kỳ dữ liệu thực tế nào. Các bạn có thể đặt ra các câu hỏi như: Mình có thích ý kiến này không?, Mình có cảm giác gì khi xem phương hướng tổ chức sự kiện được đưa ra?


Mũ xanh da trời (Process, Control)



Đây là chiếc mũ cuối cùng trong 6 chiếc mũ và đóng vai trò điều phối và kiểm soát các chiếc mũ khác trong quá trình tư duy. Cuối cùng, chiếc mũ này sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp, phân tích các ý kiến từ đó chọn ra những phương án tổ chức tối ưu và phù hợp nhất cho sự kiện. 


Kết luận


“6 chiếc mũ tư duy” là một trong những phương pháp tư duy mà bất kỳ người tổ chức sự kiện nào cũng có thể áp dụng để rèn luyện kỹ năng cũng như mang lại hiệu suất cao khi làm việc. Stage!Vietnam hi vọng qua bài viết trên, các bạn sẽ có thể có cho mình những lối tư duy phù hợp nhất cho bản thân. 


Biên tập: Diệu Linh

Nguồn: Tổng hợp