Như bất cứ ngành nghề nào khác, Event cũng có rất nhiều các câu chuyện trong nghề với các sắc thái vô cùng đa dạng. Những điều được nhìn nhận về ngành sự kiện mà không phải bởi người trong nghề thì đó chỉ là một phần nổi rất nhỏ của tảng băng trôi này.


Để giúp ngành event có được một nhận định cụ thể và rõ ràng hơn từ những góc nhìn tự nhiên nhất, chân thật nhất và “đời” nhất thì chuỗi workshop 8!Event đã ra đời và đem đến những câu chuyện thực tế mà chưa từng được đề cập đến trên những trang giáo án. Ở số thứ hai vừa diễn ra, 8!Event đã mang đến câu chuyện: “Làm Event có…?!” nói về những điều mà mọi người vẫn còn đang băn khoăn khi bước vào nghề: Làm event có giàu? Có khó? Có hào quang? Hay có ế không??


Bây giờ hãy cùng xem lại về những điều được các “tám giả” chia sẻ trong kỳ này nhé.



Làm event có đam mê!?  


Câu chuyện đầu tiên được chia sẻ đó chính là “Làm event có đam mê hay không?”.


Đam mê nghề có thể xuất phát từ nhiều giai đoạn trong tuổi trẻ của mỗi người. Có thể là từ lúc bạn học cấp ba trong giai đoạn định hướng tương lai, có thể là khi bạn học đại học hoặc khi đã lăn lộn trường đời vài năm và bén duyên với nghề. Như các “tám giả” của chúng tôi, họ đến với nghề bằng cái duyên và để có được 8 năm, 11 năm hay 13 năm làm nghề thì họ khẳng định rằng đam mê chính là tiền tố quyết định để họ sống tiếp với nghề.


Đối với anh Đinh Văn Định - Giám đốc Vũ đoàn Sài Gòn: “Thực ra Định làm trái ngành, tay ngang vào nghề. Ban đầu Định đam mê nhảy, yêu sân khấu và ánh đèn sân khấu nên tham gia đi diễn tại các show. Tốt nghiệp đại học xong thì tham gia vào vũ đoàn Sài Gòn và nhờ đam mê nên học hỏi, phấn đấu rất nhiều. May mắn Định được nghề chọn và đãi ngộ nhiều nên có được ngày hôm nay”.


Anh Quỳnh Lê - Freelancer với vị trí Stage Manager: “Đam mê thì chắc chắn phải có, có rất nhiều. Nó phải bắt đầu từ những năm vừa vào nghề kéo dài cho tới tận thời điểm này thì mình mới có thể duy trì được, vì thị trường event rất khắc nghiệt.”



Làm event có khó!?


Đời thường không như là mơ nên liệu đam mê có đủ để vượt qua khó khăn trong nghề? Câu hỏi “Làm event có khó không!?” là một trong những câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm nhất. Nhìn thì có vẻ mọi thứ không quá phức tạp nhưng thực chất đằng sau đó chính là những bản kế hoạch tỉ mỉ, kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất để một sự kiện diễn ra thành công.


Anh Lộc Nguyễn (host) - giám đốc sản xuất VEG cho rằng: “Ngày xưa thấy hay là vô làm thôi rồi mới bắt đầu học hỏi chứ ngay từ đầu có biết gì là gì đâu… Ngày chưa vào nghề anh còn nghĩ âm thanh, ánh sáng cứ lên hết cây, chạy hết cỡ là hay là tuyệt. Sau khoảng thời gian va vào nghề thì nó lại khác, mỗi việc từ lớn đến nhỏ đều cần phải có kế hoạch, có hệ thống rõ ràng chứ không phải cứ làm đại mà ra.” Anh chia sẻ thêm: “Ngày trước nghĩ làm event dễ lắm nhưng càng làm thấy càng khó, càng biết nhiều càng thấy khó”.


“Event thì không có nào giống nhau, mỗi sự kiện là một điều mới mẻ và tất nhiên là khó. Nhưng với chị, hiện tại dễ hơn, vì chị làm nhiều nghề có bề dày hơn nên có backup plan cho những trường hợp xấu nên chị cảm thấy hiện tại dễ dàng nhiều hơn so với trước.” - Chị Sue Phạm - Account Manager của WOW Communications tiếp lời.


Còn với góc nhìn của anh Quỳnh Lê: “Mình thấy dễ, tại ngày xưa không biết gì nên thấy nó dễ mà càng làm càng thấy nó khó” - anh cười.



Làm Event có cần học!?


Vậy câu hỏi tiếp theo là “Làm Event có cần học không? Bất kì ngành nghề nào cũng vậy, chỉ có luôn không ngừng học hỏi mới giúp bạn đi xa đi lâu với nghề hơn. Đặc biệt Event là tích hợp của nhiều ngành nghề nên chuyện bạn “phải” học gần như là mỗi ngày, mỗi sự kiện. Việc học hỏi từ mọi khâu trong sự kiện, học mọi lúc mọi nơi và không ngừng cập nhật kiến thức mới thì bạn mới nâng cao được giá trị bản thân mình.


Chia sẻ từ anh Quỳnh Lê đến với các bạn đã, đang và có dự định trở thành một người làm sự kiện, rằng: “Luôn luôn phải học, học mỗi ngày. Ngày trước mình làm helper cho chương trình nên muốn phát triển phải biết nhiều, phải học từ nhiều nguồn, nhiều anh chị em trong nghề để có thêm kinh nghiệm. Từ 2014 đến bây giờ mình học được nhiều thứ và làm được nhiều vị trí lớn qua mỗi chương trình. Ngày trước mình còn không biết PP, hiflex là gì, sau khoảng thời gian làm việc, mình trau dồi được nhiều kiến thức, học từ thực tiễn từ anh em làm chung.” Anh bật mí thêm, dù bao nhiêu đấy năm kinh nghiệm nhưng đến tận bây giờ vẫn còn học. 



Làm Event có hào quang!?


“Làm Event có hào quang không!?” Do đặc tính công việc được tiếp xúc thường xuyên với các nhân vật nổi tiếng tại các địa điểm sang trọng nên người ta vẫn hay mặc định Event đi liền với từ hào quang. Nhưng thực tế có phải vậy? Chị Sue Phạm chia sẻ rằng: “Hào quang, hạnh phúc nhất của người làm sự kiện là đã tự tay vẽ nên sự kiện và hoàn thành nó đúng mục tiêu đặt ra.” “Hào quang là khi mình đã làm xong show, đi diễn suôn sẻ. Tự sướng về hào quang của mình chứ không mong chờ từ người khác” là một ý kiến về vấn đề này được chia sẻ bởi anh Đinh Văn Định. 



Làm Event có giàu!?


Liệu bạn có thắc mắc về việc “Làm Event có giàu?!”. Từ sự chia sẻ chân thực của ba vị “tám giả” trong chương trình, bạn có thể nhận thấy rằng có một sự thật khắc nghiệt là nhìn chung lương tính trên giờ lao động mỗi ngày thì không cao. Các “tám giả” đùa với nhau rằng Event có giờ làm “rất thoải mái” vì hầu như làm cả ngày và không có lương overtime. “Ngày người ta nghỉ, mình đi làm. Ngày người ta đi làm, chắc chắn mình cũng đi làm” - anh Lộc Nguyễn vui vẻ chia sẻ. Tuy nhiên mức lương sẽ thể hiện cho năng lực, kinh nghiệm cũng như vị trí làm việc của bạn. Hơn nữa trong công việc sẽ có lúc này, lúc kia quan trọng là bạn cảm thấy xứng đáng với công sức mình bỏ ra.


Làm Event có khóc!?


Vậy “Làm Event có khóc không!?”. Mỗi nghề sẽ có những áp lực riêng mà chính “người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt”. Event cũng vậy. Những cảm xúc của bản thân sẽ được bộc lộ trong suốt quá trình lên kế hoạch và vận hành sự kiện, trong đó những giọt nước mắt chính là một gia vị không thể thiếu. Sẽ có những giọt nước mắt vì ấm ức, vì áp lực, vì vỡ òa hay những giọt nước mắt hạnh phúc khi sự kiện thành công rực rỡ, tất cả chúng đều là một bài học, một kỉ niệm khó quên trong sự nghiệp của mỗi Eventer.


Làm Event có ế? Có nghiệp? Có tàn?


Buổi trò chuyện tại 8!Event luôn mang một không khí rất thoải mái và ấm cúng như một không gian thư giãn để những anh em làm nghề có dịp hội họp và “tám” cùng nhau. Những vị hàng xóm của “xóm tám” cũng đề cập đến những câu hỏi rất “trend và trẻ” như “Làm Event có ế? Có nghiệp? Có tàn?


Anh làng trên Quỳnh Lê khẳng định: “Làm event không ế mà còn có nhiều người yêu. Bởi người làm event vừa có duyên vừa khéo léo lại hội tụ nhiều yếu tố đôi khi còn đa nhiệm. Gặp tình huống là giải quyết nhanh chóng, không ngại giao tiếp”, điều này 8!Event thấy Eventer chúng ta xứng đáng có (nhiều) người yêu.



Chị xóm nhỏ Sue Phạm chia sẻ rằng: “Làm account thường được ví “dâu trăm họ”. Account có sướng có khổ, đôi khi phải nghe tai này bỏ tai kia hoặc bỏ bụng để đó rồi tiếp tục làm. Khách hàng đôi khi cũng người này người kia, mỗi người một tính cách bởi vậy làm Account phải biết điều tiết cảm xúc, xử lý mọi việc nhanh nhẹn để tạo ra một event hoàn hảo”.


Anh xóm dưới Đinh Văn Định với câu hỏi “Làm Event có tàn không?” thì anh chỉ nhẹ nhàng trả lời: “Sức khỏe cũng xuống mà nhan sắc cũng tàn. Bên cạnh đó, làm kịch bản ban đêm nhiều, hút thuốc nhiều nên tàn thuốc cũng nhiều”. 


Quả thật các anh chị trẻ của “xóm tám” đã giúp đem đến những câu chuyện nghề thật dí dỏm và nhẹ nhàng tiếp cận đến người xem để mọi người có được cái nhìn chân thật về cái nghề “tưởng vậy mà không vậy” này.



Câu hỏi của các khách mời đặc biệt


Điều đặc biệt của chương trình tuần này là có khách mời tham gia trực tiếp được lựa chọn từ khán giả xem livestream. Đã có ba vị khán giả được lên sóng và trở thành hàng xóm của “xóm tám ì-den” để đặt các câu hỏi cho những “tám giả”. Những câu hỏi thú vị mà họ đem đến đã góp phần tạo nên chủ đề thảo luận cho mọi người và nói lên những thắc mắc chưa được giải đáp về nghề Event. 


Khách mời đầu tiên là anh Đỗ Tấn Nghĩa với câu hỏi dành riêng cho “tám giả” Sue: “Trong cuộc đời làm nghề của chị, chị có phương án nào để giải được phương án khách hàng cái gì cũng muốn nhưng chốt lại không biết muốn gì không?” Câu trả lời từ vị trí Account Manager là phải cố gắng khai thác thông tin từ khách hàng, “bày” ra cho họ những phương án mà bạn dự định sẽ giải quyết “bài toán” đó. Khi đó khách sẽ đưa ra suy nghĩ của họ và việc của bạn là “đào sâu” vào suy nghĩ đó. Và nhiệm vụ của account là giao tiếp hiệu quả để hiểu khách hàng. Bạn có càng nhiều thông tin thì proposal của bạn càng gần với mong muốn của khách và xác suất thắng sẽ càng cao.


Khách mời tiếp theo là cô giáo Thủy Tiên, hiện đang là giảng viên dạy sự kiện của trường Du lịch Đại học Huế, cô mang đến câu hỏi rằng: “Làm Event lương có cao không?”. Đây là câu hỏi nằm trong nội dung “Làm Event có giàu!?”. Với câu hỏi này, các “tám giả” đã trải lòng: “Tùy vào vị trí mà có mức lương sẽ cao hay thấp. Thời gian làm việc dành cho một dự án event thường gấp 5 7 lần so với công việc văn phòng khác. Vậy nên so với công sức bỏ ra thì mức thu nhập có lẽ thấp hơn.”, anh Quỳnh Lê tâm sự và có thể tóm lại như cách của anh Lộc Nguyễn rằng: “Năng lực tới đâu, lương cao tới đó.


Cuối cùng là một vị khách ghé thăm ở cuối chương trình anh Đào Minh vũ , câu hỏi của anh là: “Vậy tuổi nào sẽ bị nghề event đào thải?”. Có lẽ đây là câu hỏi mà bất cứ ai đang có suy nghĩ bước vào nghề đều từng bận tâm. Câu trả lời từ các “hàng xóm” của 8!Event cho vấn đề này là: không có một con số nào là xác định cụ thể cả. “Nếu lớn tuổi thì vẫn có thể làm nhiều vị trí trong event. Không độ tuổi nào là quá trẻ hay quá già, tùy vào vị trí mình chọn”, anh Định chia sẻ, hoặc như chị Sue thì “làm đến khi hết đam mê”. Ngoài ra, host chương trình cũng chia sẻ nếu vẫn còn đam mê tùy theo độ tuổi, tuy theo kinh nghiệm và năng lực thì vẫn còn nhiều vị trí làm việc tương ứng trong nghề.



Tóm lại về số thứ “high” của chuỗi Workshop 8!Event chúng ta có thể nhận thấy rằng phần lớn những bước chân đầu tiên vào nghề thường mang theo sự tò mò, thích thú vì môi trường năng động và có phần rực rỡ này. Nhưng như bất cứ ngành nghề nào khác, Event luôn mang trong mình những khó khăn và khốc liệt khó tránh nên để đi được lâu dài chắc chắn ở mỗi cá nhân đều phải có tiền đề là sự đam mê, luôn luôn bùng cháy với nghề. Vì sức mạnh tinh thần chính là nguồn cội cho sức mạnh thể chất, phải có đam mê thì mới chấp nhận được đánh đổi và gắn bó với cái nghề “tuy cực nhưng sướng” này. Event cũng sẽ đem đến cho bạn những vinh quang và thành công tương xứng với nỗ lực bạn bỏ ra, quan trọng là bạn cần luôn theo đuổi, học hỏi, trau dồi cho bản thân ngày càng tốt hơn thì tất cả sẽ được đền đáp.


Cuối cùng, các bạn có thể xem lại trên link Youtube dưới đây hoặc truy cập vào fanpage Stage!VietNam để xem lại buổi phát sóng. Hẹn gặp lại mọi người ở số tiếp theo nhé!

 

Link Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=ZUaJYoey1VQ



Kiều Quyên - Huỳnh Như