Cạnh tranh có thể là một yếu tố đặc biệt và hữu ích khi được kết hợp vào chiến lược sự kiện của bạn bởi nó sẽ góp phần tạo nên sự phấn khích đến từ phía người tham dự, có thể giúp các sự kiện của bạn đạt đến tầm cao mới và mang lại kết quả tốt hơn. Từ việc tăng mức độ tương tác của người tham dự đến tăng mức độ hiển thị thương hiệu, hãy cùng Stage!Vietnam tìm hiểu về 5 lý do mà bạn nên kết hợp cạnh tranh vào chiến lược sự kiện của mình nhé!


1. Tăng mức độ tương tác của người tham dự 


Những người tương tác với các hoạt động cạnh tranh có nhiều khả năng hình thành mối liên hệ gắn bó với thương hiệu, dần trở thành khách hàng quen thuộc bởi trải nghiệm mang tính tích cực này có thể dẫn đến tăng lòng trung thành, giúp cho sự kiện của bạn được “truyền miệng” rộng rãi và thậm chí là lôi kéo thêm nhiều người tham dự trong tương lai. Cạnh tranh làm tăng mức độ tương tác của sự kiện bằng cách khai thác bản năng tự nhiên của con người chúng ta là cạnh tranh và giành chiến thắng. Bạn có thể thực hiện điều này bằng việc kết hợp các thử thách, trò chơi vào sự kiện của bạn. Tuy nhiên, người lập kế hoạch cần lồng ghép chúng làm sao để có thể khiến quá trình tương tác của người tham dự trở nên tự nhiên hơn. 



2. Tận dụng tác dụng của Dopamine


Dopamine là một hóa chất hữu cơ được tạo ra từ chất tyrosine, có chức năng vừa là hormone vừa là chất dẫn truyền thần kinh và đóng vai trò quan trọng trong não và cơ thể. Nhiều người gọi Dopamine là “hormone hạnh phúc” bởi chúng có nhiều tác dụng tốt đối với tinh thần và thể chất của con người. Khi “hormone hạnh phúc” Dopamine trong cơ thể được giải phóng với số lượng lớn, bạn sẽ có cảm giác thích thú, hưng phấn, tràn đầy cảm hứng.



Tận dụng tác dụng trên, bạn hãy tổ chức những hoạt động mang tính cạnh tranh để kích thích thần kinh của người tham dự. Ví dụ khi họ giành được một vị trí trên bảng xếp hạng hoặc giành được giải thưởng của một hoạt động nào đó trong sự kiện, não của họ sẽ giải phóng Dopamine, giúp củng cố hành vi của họ và thúc đẩy họ tiếp tục tương tác với trò chơi và thương hiệu của bạn. 


3. Tăng cường nhận diện với thương hiệu 


Lợi ích của các hoạt động cạnh tranh bên cạnh tạo ra các trải nghiệm thú vị và tăng độ tương tác cho sự kiện, nó cũng có thể giúp thương hiệu được quảng cáo rộng rãi, tiếp cận gần hơn với người tham dự. Và bằng cách quảng bá thương hiệu thông qua các trải nghiệm gây chú ý, người tham dự có nhiều khả năng để ý đến thương hiệu của bạn hơn và thậm chí chia sẻ các hoạt động này với đồng nghiệp hoặc bạn bè của họ thông qua mạng xã hội và các kênh truyền thông khác. 



4. Nhân cách hóa thương hiệu của bạn


Ngoài việc mang lại niềm vui và tính tương tác vào sự kiện, các hoạt động cạnh tranh còn cung cấp một nền tảng để các thương hiệu giới thiệu “câu chuyện” của họ một cách đáng tin cậy. Bằng cách kết hợp các giá trị, thông điệp và câu chuyện độc đáo của thương hiệu vào sự cạnh tranh, người tham dự có thể có các trải nghiệm đáng nhớ hơn không chỉ dừng lại ở việc là quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ. Cách quảng bá này có thể giúp kết nối cảm xúc, khiến thương hiệu trở nên gần gũi hơn với người tham dự.



5. Thúc đẩy năng suất tại nơi làm việc


Mặc dù cạnh tranh thường gắn liền với các mục tiêu cá nhân, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là nó cũng có thể trở thành sự hợp tác trong một số trải nghiệm khác như đấu thầu dự án, teambuilding, ... Các sự kiện dựa trên sự cạnh tranh có thể được tổ chức để khuyến khích tinh thần đồng đội và sự hợp tác giữa các nhân viên. Điều này có thể tăng cường mối quan hệ và giao tiếp giữa các thành viên trong nhóm, kết quả là tăng năng suất công việc vì họ đã kết nối với nhau nhiều hơn.



Kết luận


Nhìn chung, cạnh tranh có thể là một yếu tố có giá trị cho bất kỳ chiến lược sự kiện nào của bạn. Nó không chỉ mang lại trải nghiệm thú vị, có tính tương tác và hấp dẫn cho người tham dự mà còn có thể cho phép bạn đạt được các mục tiêu sự kiện của mình. Nếu bạn cảm thấy bài viết này bổ ích thì hãy chia sẻ và đừng quên đón chờ những bài viết khác tại Stage!Vietnam nhé!!!


Biên dịch: Đỗ Thanh

Nguồn: Bizbash