1. Tìm thị trường ngách của bạn



Để tìm ra thị trường ngách của bạn là gì, hãy xem các sự kiện thành công nhất trong quá khứ của bạn. Bên cạnh đó, hãy khám phá các sự kiện từ những người khác mà bạn muốn mô phỏng để xem tất các các khía cạnh đó có cái nào hợp với bạn nhất. Liệu tất cả chúng đều có quy mô nhất định, ở một loại vị trí nhất định hoặc liên quan đến một chủ đề cụ thể hay không? Còn những người tổ chức sự kiện hoặc những người tham dự thì sao – liệu họ đến từ một ngành nhất định không? Bạn sẽ mô tả mục tiêu của họ như thế nào?  Những câu hỏi này sẽ giúp bạn phác thảo nên chân dung khách hàng mục tiêu và phương hướng tiếp cận Marketing theo đối tượng, thị trường ngách mà bạn đang tìm kiếm.    


Đây là vài ví dụ, cho những thị trường ngách mà công ty bạn có thể tìm kiếm như:

  • Đơn vị cung cấp các hội nghị trực tiếp và trực tuyến, có tác động lớn cho các tổ chức phi lợi nhuận.
  • Đơn vị tổ chức từ thiện kết nối với mạnh thường quân thông qua các hoạt động thể thao gây quỹ.
  • Đơn vị tổ chức các sự kiện ảo cho doanh nghiệp ngành tài chính.
  • Đơn vị cung cấp dịch vụ tiệc cưới quy mô khủng hàng đầu cho các nhân vật nổi tiếng.


Sau khi đã tìm được thị trường ngách của mình, hãy cùng team của bạn chuẩn bị và thảo luận về ý nghĩa của nó đối với hoạt động marketing sắp tới của doanh nghiệp. Những khách hàng mục tiêu từ thị trường ngách vừa xác định sẽ được tìm thấy ở đâu? Cách thức truyền đạt giá trị doanh nghiệp phù hợp thông qua trang web công ty như thế nào? Thương hiệu nào có tác động lớn đối với loại sự kiện bạn đang lên kế hoạch? Cùng với sứ mệnh của công ty, thị trường ngách mà bạn xác định sẽ cung cấp một lộ trình rõ ràng cho chiến lược tiếp thị Marketing sắp tới của doanh nghiệp.


2. Ưu tiên trang web của doanh nghiệp



Sau khi xác định được thị trường ngách thì bước đầu hãy dành sự ưu tiên trong chiến lược Marketing cho trang web của bạn. Hãy tiếp tục phát triển và điều hướng cho trang Web. Đặt bản thân vào tâm thế lần đầu nhìn thấy Website và hãy lưu ý một vài điều sau đây:


  • Điều đầu tiên bạn nhận thấy là gì?
  • Không cần phải kéo trang thì bạn có thể thấy rõ tên doanh nghiệp, logo và loại hình nó cung cấp không?
  • Nếu chỉ sử dụng tối đa ba lần nhấp chuột thì bạn có thể dễ dàng liên hệ với ai đó để trao đổi và hợp tác về một sự kiện không?
  • Trang web có đang xây dựng uy tín bằng cách để mọi người có thể bình luận hoặc kể về trải nghiệm của họ hay không? Nó có đưa ra lời chứng thực, đánh giá cũng như hình ảnh và video của người tham dự không?
  • Điều hướng có rõ ràng và dễ sử dụng không?
  • Trang web có bao gồm các liên kết đến các kênh truyền thông không?


Sử dụng câu trả lời cho những câu hỏi này để đảm bảo trang web của bạn luôn rõ ràng, hấp dẫn và phù hợp với “mood and tone” của các sự kiện. 


3. Tạo và phát triển các mối quan hệ, cả trực tuyến và trực tiếp



Một trong những điều tuyệt vời về tiếp thị doanh nghiệp của bạn là bạn không cần phải làm điều đó một mình. Bằng cách hình thành các mối quan hệ trong cộng đồng và ngành của mình, bạn có thể thiết lập một mạng lưới những người ủng hộ có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.


Dưới đây là một số ý tưởng đơn giản để phát triển và tận dụng các mối quan hệ của bạn:


  • Hợp tác với các nhà cung cấp cung cấp dịch vụ mà bạn sử dụng trong các sự kiện của mình tại các địa phương như F&B, hoa, in ấn, vận chuyển, âm thanh ánh sáng, v.v., bạn sẽ đảm bảo các dịch vụ có chất lượng cao và tiết kiệm kha khá chi phí. Điều này đồng nghĩa thương hiệu công ty của bạn đã đang thâm nhập vào thị trường tại địa phương đó.


  • Chọn một hoặc hai kênh truyền thông xã hội và thúc đẩy sự tương tác với khách hàng. Đặt ra các topic thảo luận, cung cấp giá trị chuyên môn, đưa ra lời khuyên và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng.


  • Tổ chức các buổi hội thảo chuyên ngành và chia sẻ ý kiến về thực trạng và tiềm năng về các sự kiện địa phương để tăng độ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp. Thông qua các sự kiện này, bạn có thể được nhìn thấy và lắng nghe từ các cộng đồng làm nghề hay hội nhóm chuyên môn để học hỏi lẫn nhau, tăng độ nhận diện công ty cũng như tăng thêm uy tín của công ty bạn. Đây cũng là một cách hữu hiệu để thực hiện chiến lược marketing B2B cho các agency.


4. Thể hiện phong cách riêng qua từng chi tiết



Bất kể bạn tổ chức loại sự kiện nào, bạn đều có thể tạo được danh tiếng bằng cách tạo ra những nét riêng khác biệt với mục tiêu ghi dấu ấn mạnh đến khách hàng và những người tham dự. Điều này có thể thể hiện qua từng chi tiết trong sự kiện, ví dụ như: cách sáng tạo không gian sự kiện, cách bạn xử lý từng khoảnh khắc sân khấu và những yếu tố đặc trưng khác…


Khi bạn đã xác định được phong cách của mình, hãy tối đa những dấu ấn ấy qua việc sáng tạo lên portfolio, sắp xếp các hình ảnh trên trang web và phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp thể hiện rõ nhất tính cách thương hiệu và giá trị cốt lõi bạn đang hướng đến. Ngoài ra, việc sáng tạo trong cách chia sẻ hình ảnh và video các sự kiện bạn từng thực hiện, tham dự với nhiều góc nhìn của các vị trí khác nhau từ Event Planners đến cả với tư cách là người tham dự cũng mang lại nhiều giá trị học thuật cũng như giá trị cho thương hiệu của công ty bạn. Dù sản phẩm độc đáo của bạn là gì thì việc làm nổi bật sản phẩm đó cho đối tượng mục tiêu sẽ giúp thu hút khách hàng mới đến với doanh nghiệp bạn.


5. Theo dõi trọn vẹn quy trình ra quyết định của khách hàng



Mỗi khách hàng tiềm năng đều sẽ trải qua một quy trình trước khi ra quyết định cuối cùng để chọn đơn vị thực hiện cho sự kiện của họ. Quy trình của mỗi khách hàng sẽ dài ngắn khác nhau cho từng giai đoạn nhưng có một số điều chúng ta có thể khái quát rằng: khách hàng sẽ có những dự tính riêng về sự kiện của họ trong tương lai. Quy trình đó sẽ bao gồm các bước như sau:


Bước 1: Tìm kiếm và thu hẹp các lựa chọn cho các đơn vị sự kiện họ yêu thích dựa trên các tiêu chí cụ thể như ngân sách, vị trí và lĩnh vực chuyên môn. Một số các hỗ trợ việc thu hút khách hàng đến với bạn:


  • Tối ưu hóa trang web cho các công cụ tìm kiếm (SEO) bằng cách chọn các từ khóa chiến lược cho thị trường của bạn. 
  • Tạo các Landing page riêng biệt cho từng loại sự kiện và đối tượng mà bạn phục vụ. 
  • Tạo một email chứa các mẹo cho loại sự kiện của bạn. Ví dụ như thu hút người đăng ký bằng bản tải xuống của những tài liệu hữu ích được miễn phí về sự kiện.
  • Cung cấp nội dung chất lượng cao để hướng dẫn khách hàng tiềm năng về các sự kiện trong ngành của họ.
  • Tiếp cận định kỳ với những khách hàng tiềm năng để bạn sẽ là kết quả đầu tiên khi họ có nhu cầu


Bước 2: Liên hệ với một danh sách đã được chọn lọc và chọn đơn vị họ cảm thấy phù hợp nhất.


→  Hãy nhớ rằng khách hàng của bạn là những người bận rộn với nhiều đầu việc chứ không chỉ quanh quẩn với mỗi sự kiện này. Thế nên hãy để họ thấy rằng bạn có thể làm cho quá trình lập kế hoạch trở nên dễ dàng và hữu dụng với họ.


Bước 3: Sau sự kiện, họ thường có xu hướng chia sẻ trải nghiệm của mình với những người khác. Việc này có thể sẽ đem lại nguồn khách hàng tiềm năng trong tương lai cho bạn.


Thiết lập chương trình khách hàng thân thiết hoặc các sự kiện tri ân Xây dựng danh tiếng của doanh nghiệp từ việc trả lời các bài đánh giá và phản hồi trực tuyến từ khách hàng và người tham dự. Khuyến khích nội dung do người dùng tạo tại các sự kiện của bạn và chia sẻ nội dung đó qua các kênh truyền thông xã hội của bạn. Hiện nay tại Việt Nam gần như chưa có hình thức tri ân này, tuy nhiên đây là một hoạt động khá hay và nên được áp dụng trong tương lại.


Kết luận

Chắc rằng không có một phương pháp tiếp cận nào là phù hợp với tất cả mọi người trong chiến lược Marketing. Nhưng nếu bạn áp dụng các chiến lược ở trên và định hình chúng một cách cụ thể cho doanh nghiệp của mình thì bạn hoàn toàn có thể nâng cao danh tiếng cho thương hiệu và khả năng tiếp cận đến khách hàng tiềm năng sẽ được mở rộng hơn rất nhiều.


Biên tập: Anh Ngô 

Nguồn: Socialtables