Điều gì khiến bạn muốn tiếp tục xem một bộ phim, đọc một cuốn sách hoặc tiếp tục chơi một trò chơi nhập vai? Một câu chuyện hấp dẫn chính là một trong những chìa khóa quan trọng để giữ chân khán giả. Việc lồng ghép thông điệp vào trong câu chuyện giúp khán giả kết nối với giá trị và mục đích mà bạn hướng đến.


Để đảm bảo rằng thông điệp của bạn đến được với khán giả mục tiêu, bạn cần phải phản ánh câu chuyện cá nhân của họ bằng cách nói chuyện với chính con người họ. Câu chuyện của bạn cần phải đưa ra những điều có giá trị mà khán giả có thể thấy chính mình ở trong đó để truyền cảm hứng cho hành động.

Tại đây, chúng ta sẽ đi sâu vào sức hấp dẫn tâm lý của câu chuyện và giúp bạn tạo ra câu chuyện để thu hút những người tham dự.


Kêu gọi hành động: Làm khán giả của bạn “xoay chuyển”


Mọi thứ xung quanh ta đều có câu chuyện. Ngay cả những bức tranh hang động thời tiền sử cũng là một cách để kể lại những cuộc đi săn thành công. Mọi người bị cuốn hút vào những câu chuyện kể vì họ muốn được thay đổi cảm xúc - cười, khóc, giận dữ, biết ơn... Vậy làm thế nào để bạn tạo ra một câu chuyện có thể tác động, thu hút khán giả của bạn?

Hầu hết các câu chuyện hay đều xoay quanh ba đặc điểm chính:

  • Mang lại giá trị.
  • Liên quan đến trải nghiệm sống.
  • Tạo ra sự đồng cảm giữa khán giả và nhân vật chính của câu chuyện.

Hãy cùng đi sâu vào tìm hiểu những cách tiếp cận này.


1. Tạo giá trị cho câu chuyện


Điểm mấu chốt: Đảm bảo câu chuyện truyền tải được thông điệp của sản phẩm mà bạn đang giới thiệu. Thông điệp đó là gì? Câu chuyện của bạn nên minh họa cho thông điệp này và nó cần phải có ý nghĩa, có giá trị.

Hãy xem xét qua một ví dụ: Nếu một người kể cho bạn nghe rằng người đó vừa đi đến cửa hàng tiện lợi thì sẽ bạn trông đợi diễn biến gì tiếp theo? Bạn sẽ mong muốn một mấu chốt, một điểm sáng của câu chuyện, ngoài việc được nghe rằng người đó đã mua những gì.


Minh họa những điểm sáng bằng cách: Show – Don’t tell


Kể chuyện không chỉ là cung cấp thông tin. Kể chuyện có chức năng làm nổi bật lý do tại sao có những thông tin đó và chúng được thể hiện ra thay vì lời nói. Cũng giống như bức tranh hang động thời tiền sử, họ dạy chúng ta những bài học quý giá bằng cách thể hiện qua hành động.

Thể hiện tất cả nhằm chứng minh giá trị thực tế của ý tưởng theo một cách hấp dẫn nhất - chính là những điều bạn cần thực hiện cho câu chuyện mà mình muốn kể.

Nhân vật chính trong câu chuyện của bạn thấy thế nào ở mỗi giai đoạn của cuộc hành trình? Khát khao, chùn bước, nỗ lực, chiến thắng? Hãy thu hút khán giả của bạn bằng cách chia sẻ trải nghiệm bằng cảm xúc với họ.


Dùng giá trị nhân văn để truyền tải thông điệp


Thông thường, khi nói về bài học đằng sau một câu chuyện, chúng ta thường rút ra giá trị nhân văn. Điều này có thể hữu ích khi nghĩ về thông điệp cốt lõi của thương hiệu. Hãy kể câu chuyện khắc họa một bài học quý giá mà khán giả có thể ghi nhớ và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Câu chuyện của bạn nên chuyển tải một kịch bản có liên quan đến giá trị sản phẩm để thấy được sản phẩm đó hữu ích như thế nào.



2. Kết nối câu chuyện với trải nghiệm sống để thông điệp trở nên đáng tin cậy và hấp dẫn


Điểm mấu chốt: Câu chuyện mà bạn kể phải kết nối thông điệp với cuộc sống hàng ngày của mọi người, nghề nghiệp hay bất kể những thứ xung quanh. Mặt khác, hãy quan tâm đến việc xây dựng động lực ở bên trong khán giả đến từ trải nghiệm bên ngoài.



Biến mọi thứ thành sự thật để thu hút sự chú ý


Nhìn chung, mọi người có xu hướng chăm chú lắng nghe những câu chuyện có căn cứ trên thực tế. Dễ dàng nhận ra điều đó bởi một số bộ phim có dòng chú thích "Dựa trên một câu chuyện có thật" thì đều rất ăn khách. Nó sẽ khiến khán giả của bạn suy nghĩ, tò mò nhiều hơn vào việc biết điều gì đã xảy ra vì nó liên quan đến thế giới mà họ là một phần trong đó.


4 thủ thuật biến câu chuyện thành sự thật


1. Sử dụng lời minh chứng và câu chuyện ở góc nhìn của người có tầm ảnh hưởng

Những người từng trải sẽ có tiếng nói ở trường hợp này. Chọn những diễn giả có thể nói lên trải nghiệm của cá nhân họ. Chúng tạo ra độ tin cậy cao hơn và cảm xúc được đẩy tốt hơn.


2. Sử dụng câu chuyện diễn ra hàng ngày

Làm nổi bật những câu chuyện diễn ra trong bối cảnh hàng ngày. Nếu khán giả cảm nhận được trong đó có họ, bạn đã thành công một nửa chặng đường.


3. So sánh với những điều hàng ngày.

Nếu bạn đang giải thích một tình huống không đơn thuần, hãy so sánh với những điều tương tự hàng ngày để khán giả có thể dễ dàng kết nối nó với trải nghiệm sống của chính họ. 


4. Sử dụng thêm yếu tố hình ảnh, âm thanh.

Nếu kể một câu chuyện có thật, các đoạn ghi hình với hình ảnh và âm thanh sẽ khiến khán giả trở nên đáng tin hơn việc chỉ hiển thị những tài liệu đơn thuần. Hơn nữa, bằng cách liên quan đến trải nghiệm giác quan đầy đủ, những đoạn ghi hình này sẽ đưa khán giả của bạn đến gần hơn với trải nghiệm gián tiếp của câu chuyện, điều này sẽ giúp tạo ra ấn tượng lâu dài hơn.

Câu chuyện của bạn càng chân thực thì càng có nhiều khả năng tạo ấn tượng với khán giả của mình.


Cung cấp cho khán giả câu chuyện thật với những trải nghiệm “nhập vai”


Phần mở rộng cuối cùng của nguyên tắc này liên quan đến việc tạo ra trải nghiệm sống cho những người tham dự, tức là trải qua câu chuyện mà bạn kể. Nếu bạn đang áp dụng cách tiếp cận này, bạn vẫn nên ghi nhớ những trải nghiệm hàng ngày của những người tham dự khi thiết kế câu chuyện. Hãy tạo cảm giác quen thuộc khi khán giả bắt đầu câu chuyện mà bạn tạo ra.

Dưới đây là 2 thủ thuật cần ghi nhớ khi thiết kế câu chuyện tạo sự “nhập vai” của khán giả:


1. Cảm nhận đa giác quan.

Cung cấp các chi tiết theo ngữ cảnh và hiệu ứng đa giác quan giúp cho câu chuyện trở nên sống động. Ví dụ, nếu bạn đang mô tả một chuyến đi bộ xuyên qua vùng hoang dã, hãy tạo lại âm thanh của những con chim hót líu lo và những chiếc lá xào xạc; bố trí các loa khác nhau đặt xung quanh địa điểm để nâng cao cảm giác đắm chìm 360 °.


2. Mô phỏng các dấu hiệu trong đời thực.

Sử dụng các dấu hiệu tường thuật hệt như trong cuộc sống hàng ngày. Thông điệp mang tính cảm xúc của bạn sẽ có tác động lớn hơn nếu nó được truyền đi ở hình thức rất thật. Ví dụ: tại khu đón khách của một sự kiện với concept biển, hãy đưa vào tiếng sóng biển vỗ nhẹ vào bờ để khách tham dự trải nghiệm được sâu sắc hơn.



3. Tạo ra cảm giác đồng nhất giữa khán giả và nhân vật chính của câu chuyện


Điểm mấu chốt: Bạn muốn khán giả của mình đồng cảm với người hùng của câu chuyện theo cách cảm thấy phù hợp với cuộc sống của chính họ. Bạn muốn thể hiện rằng câu chuyện của bạn đại diện cho một phần hành trình của họ - một phần trong đó họ tìm ra giải pháp hữu ích cho vấn đề mà họ đang gặp phải.

Mỗi người đều là người hùng trong câu chuyện của chính mình. Và nếu bạn dẫn đúng hướng đi, những người tham dự sẽ thấy mình trong vai trò của người hùng. Yếu tố quan trọng là hãy bắt đầu với một vấn đề mà những người tham dự đang/ có thể băn khoăn và sau đó đưa ra một giải pháp (lý tưởng nhất là một giải pháp mà họ chưa nghĩ đến).


Thương hiệu của bạn như một giải pháp cho cuộc “đấu tranh của người hùng”


Hãy nhớ lại câu chuyện giá trị nhân văn ở trên. Đảm bảo bạn chứng minh được những người tham dự có thể triển khai những điểm chính của câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày.

Khán giả của bạn sẽ cảm thấy như họ được bước vào vị trí của người hùng. Sử dụng hành trình của anh hùng để thể hiện một quá trình hành động. Nếu bạn muốn họ làm điều gì đó, bạn cần cho họ biết nó được thực hiện như thế nào - và tại sao.

Dưới đây là một số chiến lược cần ghi nhớ khi lập tiến trình hành động của anh hùng trong câu chuyện bạn tạo ra:


1. Cung cấp các hướng dẫn dưới dạng một kịch bản liên quan.

Minh họa lời khuyên hữu ích bằng cách cho nhân vật chính của câu chuyện thực hiện các hành động từng bước để giải quyết vấn đề. Giải thích bối cảnh xung quanh mỗi giai đoạn và bất kỳ trở ngại nào gặp phải.


2. Cho thấy thương hiệu của bạn giúp "người hùng" chiến thắng như thế nào.

Hãy chỉ ra những lợi ích của giải pháp bằng cách mô tả chúng trong câu chuyện. Làm thế nào để sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn cho phép người hùng vượt qua một thử thách liên quan hoặc làm cho cuộc sống của họ tốt hơn?


3. Sử dụng sự "nhập vai" để biến những người tham dự trở thành "người hùng".

Nếu bạn thực sự muốn khán giả nhận ra họ là người hùng trong câu chuyện của mình, bạn nên đặt họ trực tiếp vào vai trò của người anh hùng thông qua trải nghiệm nhập vai. Cách tiếp cận này sẽ cho phép những người tham dự phát triển trải nghiệm cá nhân về thương hiệu, từ đó tác động lên cảm xúc và gieo mầm nhận thức tốt về thương hiệu trong đầu họ.


Trên đây là 3 cách đưa câu chuyện sao cho hiệu quả nhất vào sự kiện của bạn. Hãy dẫn dắt khán giả đi từ bước đón khách đầu tiên qua những điểm chạm trong sự kiện cho đến khi tiễn khách đều giữ đúng mạch câu chuyện đó, dẫn lối cảm xúc và đạt được mục đích cuối cùng. Hãy cân nhắc và giữ câu chuyện là kim chỉ nam để thực hiện những nội dung mà bạn mong muốn.


Kể chuyện đã là một hình thức giao tiếp vượt trội với khán giả trong nhiều năm qua và mức yêu cầu về nội dung đã ngày càng tăng lên. Tóm lại sẽ có 3 điều chính cần ghi nhớ khi thiết kế câu chuyện:

  • Giá trị: nếu bạn đang cố gắng gây ảnh hưởng đến những người tham dự, hãy đưa thông điệp cốt lõi của thương hiệu vào nội dung chính của câu chuyện.
  • Trải nghiệm sống: nếu bạn muốn những người tham dự hoàn toàn tham gia vào câu chuyện của bạn, bạn cần làm cho nó "thật".
  • Kêu gọi hành động: nếu bạn muốn những người tham dự tiếp thu và áp dụng thông điệp của thương hiệu trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên minh họa những lợi ích của sản phẩm hoặc dịch vụ trong hành trình từng bước từ vấn đề đến giải pháp.



Biên dịch: Như Quỳnh

Nguồn: Event MB