Trong khi “mơ” về việc các nhà tài có thể cung cấp trải nghiệm độc đáo cho những người tham dự, giúp bù đắp hao hụt chi phí sự kiện và mở rộng phạm vi sự kiện của bạn thì bạn hãy chủ động bắt đầu với việc tìm kiếm và đảm bảo tài trợ cho sự kiện. Bí quyết ở đây là phải hiểu nhu cầu của người tham dự, từ đó lên kế hoạch điều hướng phù hợp với mục tiêu của nhà tài trợ và tạo các gói tài trợ sự kiện mang lại cơ hội kết nối sâu hơn mà các thương hiệu tìm kiếm, hãy cho các nhà tài trợ tiềm năng thấy rằng sự kiện của bạn đáng để họ cân nhắc.



Dưới đây là 10 ví dụ về các gói tài trợ sự kiện sẽ thu hút sự chú ý của nhà tài trợ, cho dù bạn đang lên kế hoạch cho một sự kiện ảo hay là các sự kiện trực tiếp.


1. Tương tác với nghệ thuật sắp đặt 


Tại các hội nghị và lễ hội âm nhạc, mọi người thích đưa vào yếu tố tương tác với các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt để thu hút sự chú ý và thu hút người tham dự. Tuy cụm từ này có vẻ vẫn còn chưa quá phổ biến tại Việt Nam nhưng để dễ hình dung thì “nghệ thuật sắp đặt” và “nghệ thuật trình diễn” (cụm từ phổ biến hơn) được gọi chung là “nghệ thuật đương đại”. “Nghệ thuật sắp đặt” có các đặc điểm: dùng các vật có sẵn, đa thể loại "thượng vàng hạ cám", từ rác thải tái chế tới vàng, bạc, kim cương, từ cốc giấy, từ những mảnh vỡ tàu ngầm thật đến cả bánh ngọt, cá tươi hoặc hoa cỏ. Nó cũng có thể làm từ các vật liệu sáng tác của nghệ sĩ chế tác như tranh, tượng, đồ thủ công…Các vật này được tính toán sắp đặt, tạo ra một không gian mà người xem sẽ tương tác với nó. 


Loại hình này ngày càng được ưa chuộng và nhận được sự tương tác cao từ người tham dự, thậm chí sau khi sự kiện kết thúc thì những khu vực tương tác nghệ thuật sắp đặt vẫn có thể tiếp tục duy trì và trở thành một điểm tham quan riêng. Thế nên các nhà tài trợ thường bị thu hút bởi loại hình này, khi độ nhận diện của thương hiệu sẽ được mở rộng theo tỷ lệ thuận với độ nổi tiếng của tác phẩm. 



2. Các buổi phát trực tiếp 


Video trực tiếp có thể mở rộng phạm vi tiếp cận và có tác động thực sự đến lợi nhuận của nhãn hàng. Trên thực tế, 30% số người xem video được phát trực tiếp sẽ tham dự sự kiện tương tự vào năm sau. Cung cấp một buổi phát trực tiếp dưới dạng gói tài trợ có thể mang lại cho các thương hiệu cơ hội tương tác với khán giả trong nhiều phân khúc thị trường hơn. 


Ở các video trực tiếp thường sẽ giới thiệu logo nhà tài trợ ở phần đầu kèm theo đó là những đoạn video “đệm”, video giới thiệu và trailer tài trợ cho sự kiện của thương hiệu trước khi nội dung chính bắt đầu phát và thế là độ tiếp cận của thương hiệu sẽ tỷ lệ thuận với độ viral của những buổi phát sóng trực tiếp này.

 


3. Thực tế ảo


Thực tế ảo (VR) mang đến cho các sự kiện và thương hiệu cơ hội để tạo ra các hoạt động marketing thương hiệu hấp dẫn. Chúng đổi mới và tiếp cận đa giác quan của người tham dự cho dù là tương tác trực tiếp hay tham dự từ xa. VR cho phép người dùng xem hình ảnh 3D, người biểu diễn ảo và những địa điểm có thể là không có sẵn đối với người tham dự.



4. Hoạt động giải trí 


Những người tham dự sự kiện thường ưa chuộng hình thức giải trí có sự xuất hiện của những tên tuổi nổi tiếng, có thể là một ca sĩ, rapper, nghệ sĩ hài hoặc một nhân vật của công chúng “đang hot”. Điều này sẽ giúp bạn có thêm một lượng khách hàng tiềm năng mới từ fan hâm mộ của những nhân vật này. Trong đề xuất tài trợ sự kiện, hãy đảm bảo đã liệt kê các chi tiết về các nhân vật nổi tiếng và hình thức giải trí đi kèm cũng như các cơ hội và lợi ích chính của nhà tài trợ. Các nhà tài trợ tiềm năng sẽ thích ý tưởng về buổi biểu diễn của người nổi tiếng được tài trợ bởi thương hiệu của họ, với logo được sắp đặt hiển thị một cách hiệu quả đến những người tham dự. 



5. Hàng hóa, vật phẩm cho sự kiện


Đa số mọi người đều thích các vật phẩm đi kèm trong sự kiện, đặc biệt là khi nó hữu dụng với cuộc sống thường nhật. Cung cấp hàng hóa có tên thương hiệu dưới dạng những công cụ mà người tham dự cần sử dụng khi họ tham dự sự kiện, chẳng hạn như dây buộc, bút, sổ ghi chép, chai nước hay dù… chính là một cách tài trợ điển hình. Các sự kiện ảo vẫn có thể đem đến những trải nghiệm tương tự cho người tham dự với hàng hóa được gửi trực tiếp đến ngay cửa nhà của họ và điều này mang lại cho các nhà tài trợ một cơ hội kết nối với những người tham dự tại nhà riêng của họ.


Cố gắng sáng tạo ra những ý tưởng nắm bắt insights và hưởng ứng theo các kế hoạch marketing hiện tại của nhãn hàng tài trợ khi đề xuất gói tài trợ này. Ví dụ: một sự kiện về chăm sóc sức khỏe có thể gửi kem dưỡng da, sách tô màu giảm căng thẳng và sôcôla cho những người tham dự có tinh thần tốt.



6. Brand activation bằng F&B


Mang đến những trải nghiệm thực tế về thương hiệu bằng đồ ăn tại sự kiện hoặc thông qua đồ ăn bạn giao cho những người tham dự trong sự kiện ảo. Cân nhắc về việc thêm các sản phẩm in ấn logo hoặc được trang trí theo phong cách của thương hiệu đi kèm với đồ ăn thức uống có trong sự kiện hoặc có thể đầu tư cho nhà hàng pop-up hoặc những xe đồ ăn.



7. Khu vực trò chơi giải tỏa căng thẳng


Tổ chức một khu vực trò chơi tại sự kiện của bạn để giúp cho những người tham dự một nơi để vui chơi và tăng tương tác hơn. Bạn có thể xây dựng những trò chơi theo nhiều phong cách phù hợp với sự kiện như các trò chơi thể thao với bóng, những trò chơi khéo léo của teambuilding, những trò chơi mang phong cách dân gian hoặc những trò chơi theo xu hướng như bộ phim Squid Game…bên cạnh đó hãy thêm phần thưởng chiến thắng cho người tham gia bằng những sản phẩm của nhà tài trợ, đây chính là một trong những cách hữu hiệu để tăng tương tác cho sự kiện và mở rộng độ nhận diện cho thương hiệu tài trợ. 



8. Thuyết minh hoặc phụ đề chi tiết trong sự kiện


Việc điều chỉnh phần trình bày của các sự kiện sao cho phù hợp với những như cầu khác nhau của người tham dự là rất quan trọng, đặc biệt là đối với sự kiện ảo khi chúng có khả năng tiếp cận đến nhiều đối tượng khác nhau. Phụ đề chi tiết hoặc phần diễn giải sẽ cần phải hiển thị xuyên suốt sự kiện thế nên nếu logo của nhà tài trợ cũng được đính kèm thì đồng nghĩa nó cũng được hiển thị xuyên suốt cả sự kiện. Điều này biến phần phụ đề thành một gói tài trợ sự kiện tuyệt vời với các nhà tài trợ tiềm năng. Hiện nay các nền tảng phát trực tuyến như YouTube, Facebook và Zoom (thông qua các dịch vụ của bên thứ ba) đều có thể cung cấp dịch vụ phụ đề cho buổi phát trực tiếp. 



9. Các bài tập thể dục và chăm sóc sức khỏe trong một khoảng thời gian ngắn.


Tại các sự kiện trực tiếp thì việc đem đến khoảng thời gian nghỉ ngơi để thực hiện bài tập giãn cơ theo hướng dẫn hoặc một buổi tập thể dục ngắn có thể là một cách tuyệt vời để thu hút lại sự tập trung của những người tham tại đó, ngay cả với các sự kiện ảo thì những bài tập sức khỏe ngắn này cũng rất được hưởng ứng. Đây là một cơ hội tốt cho những thương hiệu có liên quan đến lĩnh vực thể thao, sức khỏe có thể gia tăng độ nhận diện của thương hiệu mình.



10. Quà tặng độc đáo


Quà tặng và Giveaway là những ví dụ gần gũi nhất về tài trợ cho sự kiện, phần lớn những người tham dự đều rất thích thú khi ra về với những món quà đến từ sự kiện. Bằng cách này, việc sáng tạo nên những món quà độc nhất để người tham dự có thể nhìn thấy được sự kiện và nhãn hàng thông qua nó là phương pháp tốt nhất mà bất cứ người làm tổ chức nào cũng muốn đạt được. Hãy gắn kết phần quà tặng với những trải nghiệm của khách hàng, chẳng hạn như một chuyến du lịch, tham quan hoặc tận hưởng miễn phí các dịch vụ đến từ nhà tài trợ, các khách hàng sẽ cung cấp thông tin và trở thành những khách hàng tiềm năng hoặc thậm chí sẽ trở thành những khách hàng trung thành cho thương hiệu.



Kết luận


Trên đây là 10 ví dụ tiêu biểu về các gói tài trợ mà bạn có thể tham khảo để vừa có thể gọi được tài trợ vừa tăng thêm sự hứng thú của người tham dự với sự kiện. Nếu đã nắm rõ cách thiết kế các gói sự kiện thì hãy tìm hiểu sang những bước tiếp theo trong quá trình tìm kiếm tài trợ cho sự kiện này nhé. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau!


Biên tập: Kiều Quyên 

Nguồn: Eventbrite